Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hãng bay Việt đau đầu với hiện tượng phi công nhảy việc

Thiếu phi công vẫn luôn là vấn đề nan giải với các hãng hàng không đang trên đà phát triển. Các hãng bay Việt cũng đang vất vả tìm nguồn phi công.

"Tôi nhớ khi còn làm, cứ phi công Vietnam Airlines muốn sang là Vietjet Air sẵn sàng trả lương gấp 1,2-2 lần", một cựu phi công người Việt của Vietjet Air chia sẻ với Zing.vn. "Bên Bamboo Airways thậm chí còn mời ở mức cao hơn".

"Mua máy bay thì dễ mà tìm phi công lái mới khó, vì giờ thị trường mở cửa, nước ngoài cũng muốn tuyển phi công Việt Nam chứ không chỉ có chuyện Việt Nam tuyển phi công ngoại", anh này nói thêm.

Dùng lương kéo phi công

Câu chuyện mà phi công trên chia sẻ phản ánh phần nào sự khốc liệt trong cạnh tranh nhân sự kỹ thuật cao, đặc biệt là phi công tại thị trường hàng không Việt Nam.

Không chỉ các hãng bay Việt cạnh tranh từng phi công, các hãng bay trong khu vực cũng sẵn sàng tuyển phi công Việt Nam với mức thu nhập hấp dẫn hơn nhằm thu hút nhân tài.

viet nam thieu phi cong anh 1

Theo báo cáo tình hình số lượng, chất lượng và chế độ chính sách dành cho phi công của Vietnam Airlines gửi đi vào tháng 6/2018, hãng có 1.138 phi công, trong đó có 853 phi công người Việt (trong đó có 51 người là học viên đang đào tạo chuyển loại) và 285 phi công người nước ngoài, tỷ lệ phi công ngoại chiếm 25%.

Theo một báo cáo khác, tới hết năm 2019 Vietnam Airlines dự kiến cần 1.293 phi công. Tuy nhiên chắc chắn hãng sẽ cần tuyển thêm nhiều hơn 155 phi công bởi luôn phát sinh trường hợp phi công nhảy việc khi có đơn vị khác đưa ra mức thu nhập cao hơn.

Hãng hàng không quốc gia cũng nhận định tốc độ phát triển cao của ngành hàng không toàn cầu, đặc biệt là thị trường Đông Bắc Á và Đông Nam Á đang dẫn tới tình trạng thiếu hụt phi công tại Việt Nam. 

viet nam thieu phi cong anh 2
Theo Vietnam Airlines, tình trạng phi công nhảy việc phổ biến, gây áp lực cho các hãng. Ảnh: Hoàng Hà.

"Phi công nhảy việc là hiện tượng phổ biến gây áp lực cho các hãng hàng không", báo cáo của Vietnam Airlines nêu rõ. Trong giai đoạn 2015-2017, hãng đã có 223 phi công nghỉ việc. Năm tháng đầu 2018, hãng tiếp tục ghi nhận 33 phi công nghỉ việc, bao gồm 25 phi công nước ngoài và 8 phi công Việt, đi kèm dự báo sẽ có 15-20 phi công nộp đơn xin nghỉ.

"Có thể thấy năm 2017 là đỉnh cao phi công nghỉ việc, chủ yếu là các hãng hàng không Trung Quốc tăng lương hút người, năm 2018 chiều hướng chậm lại", báo cáo có nêu.

Tuy nhiên hãng cũng cho rằng việc các hãng hàng không Việt Nam đang có kế hoạch tuyển dụng phi công số lượng lớn sẽ lại khiến tình trạng phi công nhảy việc trở lại.

Lương 120 - 250 triệu đồng/tháng vẫn khó giữ người 

Theo tính toán, hiện Vietnam Airlines đang trả lương trung bình khoảng hơn 120 triệu đồng/tháng cho mỗi phi công. Kế hoạch năm 2109 hãng sẽ tiếp tục tăng lương cho đối tượng lao động này.

Cụ thể trong năm 2019, với lái chính Boeing 787 người Việt, thu nhập trung bình sẽ là khoảng 208 triệu đồng/người/tháng, trong đó có trường hợp cao nhất đạt 250 triệu đồng/người/tháng. Với lái phụ Boeing 787, con số trung bình là 126 triệu đồng/người/tháng và cao nhất đạt 150 triệu đồng/người/tháng.

Lái chính dòng A321neo của hãng sẽ nhận thu nhập trung bình 180 triệu đồng/người/tháng, trong đó trường hợp cao nhất đạt 240 triệu đồng/người/tháng. Với lái phụ, con số này trung bình ở mức 101 triệu đồng/người/tháng và cao nhất đạt 136 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên đây vẫn được xem là mức lương chưa đủ hấp dẫn với các phi công Việt. Hiện Vietjet Air trả lương cho phi công các dòng A320 của hãng ở mức 180 triệu đồng/người/tháng, cao gần gấp đôi so với những đồng nghiệp ở Vietnam Airlines.

viet nam thieu phi cong anh 3

Nguồn tin từ Bamboo Airways cũng khẳng định hãng này đã duyệt bảng thu nhập dành cho phi công và mức lương bình quân tại đây sẽ đạt mức trên 200 triệu đồng/người/tháng cũng với đối tượng là phi công các biến thể dòng A320 của Airbus.

Mức 200 triệu đồng/người/tháng được xem là hợp lý bởi các hãng hàng không thiếu phi công trong khu vực cũng đang hút người bằng mức lương này. Việc không phải làm việc tại nước ngoài chính là một điểm cộng để Bamboo Airways tuyển phi công trong giai đoạn đầu.

Phi công Việt được trả lương cao như vậy nhưng nguồn cung vẫn đang rất khan hiếm. Vietnam Airlines là đơn vị duy nhất đang tự đào tạo được phi công với 2 cơ sở đào tạo, tuy nhiên chưa thể đào tạo hoàn chỉnh phi công A320 có thể bay ngay và số lượng phi công đầu ra vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu phát triển của hãng.

Theo tính toán từ nay đến năm 2030, ngành hàng không Việt Nam sẽ cần khoảng 200 phi công mỗi năm để đáp ứng nhu cầu phát triển. Việc chưa có trung tâm đào tạo huấn luyện phi công đạt chuẩn nên phi công vẫn cần đào tạo tại nước ngoài. Đây là yếu tố gia tăng chi phí đào tạo và khiến hãng không chủ động được nguồn nhân lực.

Một chuyên gia hàng không chia sẻ với Zing.vn việc đầu vào đào tạo phi công còn ít là do vẫn còn tâm lý "học lái máy bay là rất khó".

"Việc học và trở thành phi công giờ đã dễ hơn trước rất nhiều, chi phi ở mức vài tỷ đồng trong khi yêu cầu sức khỏe đã không còn khắt khe như trước. Ngày trước yêu cầu sức khỏe cao là vì đào tạo theo tiêu chuẩn phi công quân sự", vị này cho hay. 

Chính tâm lý e ngại trên đã khiến ngành hàng không Việt rơi vào cảnh đau đầu. Hãng bay sẵn sàng trả thu nhập cao, cần tuyển số lượng lớn nhưng không có người học bay.

Việt Nam không phải nước duy nhất gặp khó

Theo nhiều nguồn tin, Indigo đang phải trì hoãn hàng loạt chuyến bay mỗi ngày trong hơn hai tháng qua do không có đủ phi công đạt chuẩn để đáp ứng tốc độ mở rộng của hãng.

viet nam thieu phi cong anh 4
Hàng không Việt Nam không phải là thị trường duy nhất đang gặp khó vì thiếu phi công. Ảnh: Huyen ****.

Khách hàng lớn nhất mua máy bay A320neo của Airbus, China Airlines, cũng gặp phải sự cố tương tự. Tổ bay của hãng hàng không Trung Quốc đã đình công và phàn nàn vì quá tải, khiến hàng nghìn hành khách rơi vào cảnh vạ vật tại các sân bay trong mùa cao điểm du lịch.

Các phi hành đoàn tại Đức, Bỉ, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Tây Ban Nha và Italy cũng như phi công tại Đức làm việc cho Ryanair đã thông báo đình công trong vòng 24 giờ nhằm tạo thêm áp lực cho cuộc đàm phán với hãng về lương và các chế độ lao động.

Cuộc đình công khiến Ryanair buộc phải hủy nhiều chuyến bay, làm gián đoạn kế hoạch di chuyển của hơn 40 nghìn hành khách.

Tập đoàn Boeing dự đoán châu Á sẽ cần thêm khoảng 250.000 phi công trong hai thập kỷ tới đây khi 40% số máy bay của thế giới sẽ được biên chế bởi các hãng bay tại khu vực này.

Cuộc chiến giành phi công của các hãng bay Việt

Bamboo Airways thuê phi công Thổ Nhĩ Kỳ kèm máy bay, phi công Vietnam Airlines muốn sang hãng khác thu nhập cao hơn là những ví dụ về sự khan hiếm phi công.





Ngô Minh

Bạn có thể quan tâm