Theo kế hoạch quốc phòng trung hạn giai đoạn 2022-2026 được Bộ Quốc phòng Hàn Quốc công bố hôm 2/9, cơ quan này dự kiến triển khai hoạt động nhiều loại tên lửa đối đất với sức công phá mạnh hơn, có thể phóng từ đất liền và trên biển. Điều này dẫn đến những đồn đoán loại tên lửa đạn đạo khổng lồ mà Hàn Quốc đang phát triển sẽ sớm được triển khai, Korea Times cho biết.
Một số nhà quan sát quân sự nhận định tên lửa đạn đạo khổng lồ sẽ làm tăng khả năng răn đe của vũ khí Hàn Quốc, tương tự việc sở hữu vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Nhưng một số nhà quan sát khác cho rằng một tên lửa đạn đạo khổng lồ vẫn chưa đủ mạnh để phá hủy các cơ sở ngầm của Triều Tiên. Một đầu đạn nặng 3 tấn vẫn không thể so sánh được với đầu đạn hạt nhân.
Tên lửa đạn đạo Hyunmoo-2A của Hàn Quốc bắn thử trong một cuộc tập trận năm 2017. Ảnh: JCS. |
Shin Jong Woo, nhà nghiên cứu cao cấp tại Diễn đàn Quốc phòng và An ninh Hàn Quốc, cho biết việc phát triển tên lửa đạn đạo với đầu đạn mạnh hơn được thúc đẩy bởi thỏa thuận với Mỹ trong tháng 5.
Theo đó, Washington đã cho phép Seoul mở rộng tầm bắn và tải trọng đầu đạn của các loại tên lửa đạn đạo do Hàn Quốc phát triển. Ông Shin cho biết một tên lửa đạn đạo với đầu đạn nặng hơn có thể phá hủy các cơ sở dưới lòng đất, nhưng nó không giống việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược.
Cơ quan Phát triển Quốc phòng Hàn Quốc đã phát triển các loại tên lửa đạn đạo gồm, Hyunmoo-2A, tầm bắn 300 km, mang theo đầu đạn nặng 1,5 tấn. Tên lửa đạn đạo Hyunmoo-2B, tầm bắn 500 km, đầu đạn nặng 1 tấn. Tên lửa đạn đạo Hyunmoo-2C, tầm bắn 800 km, đầu đạn nặng 2 tấn.
Ngoài ra, cơ quan này còn phát triển dòng tên lửa hành trình tấn công mặt đất Hyunmoo-3A/B/C với tầm bắn lần lượt 500 km, 1.000 km và 1.500 km, mang theo đầu đạn nặng 500 kg.
Tên lửa đạn đạo khổng lồ mới có tầm bắn khoảng 300-400 km. Đầu đạn nặng 3 tấn của nó được kỳ vọng sẽ phá hủy các cơ sở chỉ huy ngầm, hầm chứa tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.