Hàn Quốc lần đầu tiên thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm hồi đầu tháng 7. Đây là một bước tiến lớn trong năng lực phòng thủ của Seoul. Một số nhà phân tích cảnh báo sự kiện này có thể kích hoạt cuộc chạy đua vũ trang ở Đông Á, South China Morning Post cho biết.
Theo hãng tin Yonhap, tên lửa được phóng từ một phao chìm dưới nước, đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 8 trên thế giới có khả năng phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm.
Đây là một trong nhiều vũ khí mà Hàn Quốc đang phát triển. Chi tiết về loại tên lửa thử nghiệm không được công bố, nhưng giới phân tích quân sự dự đoán đây có thể là phiên bản của tên lửa đạn đạo Hyunmoo 2B, tầm bắn 800 km.
Nhiều vũ khí thế hệ mới
Trong tháng 4, Công ty Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc đã tiết lộ mẫu thiết kế tiêm kích đa nhiệm đầu tiên được phát triển trong nước mang tên KF-X.
Theo Air Force Technology, KFF-X thuộc loại tiêm kích đa nhiệm thế hệ 4,5. Nó có thiết kế khá giống tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-22 của Mỹ, nhưng vẫn mang vũ khí ở các giá treo dưới cánh.
Mẫu tiêm kích đa nhiệm KF-X bản địa của Hàn Quốc, hợp tác với Indonesia. Ảnh: AFP. |
Phát biểu tại lễ công bố mẫu thử nghiệm, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In nói rằng mẫu thử nghiệm mở ra kỷ nguyên tự vệ và thiết lập cột mốc lịch sử cho công nghiệp hàng không đất nước.
Năm nay, Hàn Quốc chi 2,8 tỷ USD để mua hàng chục trực thăng chiến đấu mới và chi thêm 21,2 tỷ USD cho tập đoàn Hanwha để phát triển vũ khí laser có thể bắn hạ máy bay không người lái.
Năm ngoái, phát biểu tại lễ hạ thủy tàu ngầm lớp Dosan Ahn Chang-ho có khả năng phóng tên lửa đạn đạo, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Wook nói: “Như lịch sử đã nói với chúng ta, hòa bình không phải là thứ được ban tặng. Nó được tạo ra bởi chính chúng ta, dựa trên sức mạnh”.
Trong tháng 5, Mỹ đã bật đèn xanh cho phép Hàn Quốc phát triển các loại tên lửa đạn đạo có tầm bắn hơn 800 km, có thể tấn công bất kỳ mục tiêu nào trên bán đảo Triều Tiên.
Hàn Quốc cũng đang đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với các đồng minh của Mỹ. Hải quân Hàn Quốc đã tập trận chung với Hải quân Mỹ và Australia ngoài khơi bờ biển phía đông Australia.
Nguy cơ chạy đua vũ trang
Ông Sun Xingjie, chuyên gia về các vấn đề Triều Tiên, Đại học Cát Lâm, Trung Quốc, cho biết sự phát triển quân sự Hàn Quốc đặt ra tình thế tiến thoái lưỡng nan cho an ninh khu vực.
Tàu ngầm lớp Dosan Ahn Chang-ho có khả năng phóng tên lửa đạn đạo của Hàn Quốc được hạ thủy năm 2018. Ảnh: Reuters. |
“Tôi nghĩ rằng Triều Tiên và Nhật Bản sẽ lo lắng, khi thấy sức mạnh quân sự Hàn Quốc ngày càng phát triển. Nếu hai quốc gia này quyết định tăng cường sức mạnh quân sự, chúng ta sẽ đối mặt với tình huống rất khó xử trong khu vực", theo ông Sun.
Một kịch bản nghiêm trọng là mọi quốc gia đều tìm kiếm an ninh bằng cách có được khả năng quân sự mạnh mẽ hơn, khiến tình hình khu vực trở nên bất an hơn, ông Sun nói.
Ông Song Zhongping, cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc, lo ngại quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sẽ gặp khó khăn hơn trong tương lai.
“Nếu tiến bộ quân sự của Seoul khiến Bình Nhưỡng quyết tâm theo đuổi các loại vũ khí tinh vi hơn, bán đảo này chắc chắn trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết”, ông Song nói.
Nhưng các nhà phân tích Hàn Quốc cho rằng họ có lý do chính đáng để phát triển sức mạnh quân sự. Mối đe dọa an ninh lớn nhất của họ đến từ Triều Tiên, quốc gia tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch năm 2017.
Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Triều Tiên tại lễ duyệt binh hồi đầu năm. Ảnh: KCNA. |
Hồi tháng 1, Bình Nhưỡng tiết lộ loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm tại lễ duyệt binh. Loại vũ khí mà họ tuyên bố là “vũ khí mạnh nhất thế giới”. Cũng trong tháng 1, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố sẽ thúc đẩy năng lực hạt nhân của đất nước.
Ông Hwang Jae Ho, giám đốc Trung tâm hợp tác an ninh toàn cầu, Đại học Hankuk ở Seoul, cho biết việc xây dựng quân đội của Hàn Quốc chỉ nhằm mục đích răn đe.
“Cho đến nay, những phát triển này vẫn ở quy mô khiêm tốn, đặc biệt là khi so sánh với Triều Tiên, quốc gia có khả năng tấn công hạt nhân”, ông Hwang nói.
Ông Malcolm Davis, nhà phân tích cao cấp về an ninh Trung Quốc tại Viện chính sách chiến lược Australia, ở Canberra, Australia, cho rằng với khả năng tấn công trên biển bằng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, Seoul có thể đáp trả lực lượng tên lửa chiến lược của Bình Nhưỡng, trong tình huống xung đột xảy ra.
“Tôi cho rằng đây là một chiến thuật phản ứng để chống lại mối đe dọa ngày càng tăng của Triều Tiên. Một hàng rào chống lại sự không chắn chắn trong tương lai, liên quan đến các đảm bảo an ninh đang suy yếu của Mỹ”, ông Davis nói.