Kế hoạch đóng tàu sân bay mới được Bộ Quốc phòng Hàn Quốc úp mở vào năm ngoái, khi cơ quan này nói rằng sẽ đóng một “tàu vận tải đa năng lớn”. Nhưng trong kế hoạch quốc phòng giai đoạn 2021-2025 vừa được công bố, lần đầu tiên chính phủ Hàn Quốc đề cập đến việc đóng mới tàu sân bay trị giá hàng tỷ USD, CNN cho biết.
“Tàu sân bay mới có lượng choán nước khoảng 30.000 tấn, có thể vận chuyển binh sĩ, thiết bị quân sự và có thể triển khai hoạt động máy bay chiến đấu cất hạ cánh thẳng đứng. Nó sẽ cho phép quân đội ngăn chặn hiệu quả hơn các mối đe dọa và điều động lực lượng, thiết bị quân sự đến khu vực tranh chấp”, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc dự kiến mua tiêm kích tàng hình F-35B, phiên bản cất hạ cánh thẳng đứng do Mỹ sản xuất để sử dụng trên tàu sân bay mới.
Mô hình tàu sân bay hạng nhẹ mới của Hàn Quốc. Ảnh: Bộ Quốc phòng Hàn Quốc. |
Với kế hoạch mới này, Hàn Quốc cùng với Nhật Bản và Mỹ sẽ là 3 quốc gia triển khai tiêm kích tàng hình F-35B trên các tàu sân bay hạng nhẹ ở Thái Bình Dương. Người ta vẫn chưa rõ tàu sân bay hạng nhẹ là một thiết kế mới hay phiên bản mở rộng của tàu đổ bộ trực thăng lớp Dokdo.
Hàn Quốc đang sở hữu một tàu đổ bộ có sàn đáp cho trực thăng lớp Dokdo, lượng choán nước 18.800 tấn. Tàu thứ 2 đang được thử nghiệm, dự kiến được đưa vào hoạt động từ cuối năm 2020.
Trước đó vào tháng 12/2018, Nhật Bản thông báo kế hoạch nâng cấp tàu sân bay trực thăng lớp Izumo để triển khai hoạt động tiêm kích tàng hình F-35B, một động thái mang tính bước ngoặc. Tokyo đã không đóng mới tàu sân bay kể từ sau Thế chiến II.
Với lượng choán nước khoảng 30.000 tấn, tàu sân bay hạng nhẹ của Hàn Quốc sẽ tương đương với tàu sân bay lớp Izumo của Nhật Bản. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc không đưa ra chi phí ước tính cho tàu sân bay mới, nhưng chính phủ Mỹ đã báo giá tàu đổ bộ tấn công lớp America trị giá 4 tỷ USD cho Seoul tham khảo.
Tàu đổ bộ lớp America lớn hơn khoảng 25-30% so với tàu sân bay hạng nhẹ của Hàn Quốc. Trong khi đó, đơn giá mỗi chiếc F-35B khoảng 122 triệu USD.
Khi kế hoạch đóng mới tàu sân bay được công bố, Chun In Bum, tướng quân đội Hàn Quốc về hưu, đặt câu hỏi liệu Seoul có đầu tư khôn ngoan. Ông cho biết các lĩnh vực như hậu cần, huấn luyện và liên lạc nên được quân đội ưu tiên hơn.
Tuy vậy, các nhà phân tích phương Tây lại có cái nhìn tích cực hơn về kế hoạch. “Lợi thế của tàu sân bay hạng nhẹ mang lại cho Hàn Quốc khả năng cơ động và tấn công từ nhiều vị trí khác nhau”, nhà phân tích Carl Schuster, cựu giám đốc Trung tâm tình báo liên hợp, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương nói.
Nhà phân tích Schuster cho biết việc sở hữu một tàu sân bay hạng nhẹ báo hiệu ý định hoạt động xa bờ hơn của Hải quân Hàn Quốc.