Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tại Hàn Quốc ngày 7/3. Ảnh: BTC. |
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc vừa tham dự Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tại Hàn Quốc ngày 7/3 với sự tham gia của gần 300 doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc và Việt Nam trong các định chế tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán và các doanh nghiệp.
Hàn Quốc đầu tư mạnh nhất vào Việt Nam
Tại hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hàn Quốc với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 80 tỷ USD trong năm 2023, trong đó Hàn Quốc xuất siêu sang Việt Nam 27,55 tỷ USD.
Lũy kế tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam cho tới nay đã đạt khoảng 90 tỷ USD, nhà đầu tư Hàn Quốc hiện đứng thứ nhất trong số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam với 9.863 dự án và trên 8.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam.
Năm 2023, Việt Nam cũng đón hơn 3,5 triệu lượt khách Hàn Quốc sang du lịch và hiện có khoảng 180.000 người Hàn Quốc đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
“Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào mục tiêu nâng kim ngạch thương mại 2 chiều lên mức 150 tỷ USD vào năm 2030”, Bộ trưởng tin tưởng.
Từ phía Hàn Quốc, ông Kim Yong Jae - Ủy viên thường trực của Ủy ban Giám sát Tài chính Hàn Quốc (FSC) cho biết hiện có khoảng 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam. Hàn Quốc cũng trở thành quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Hai quốc gia đều lọt top 3 trong hợp tác thương mại của nhau.
Trong lĩnh vực tài chính, Việt Nam cũng là quốc gia thứ 2 trên thế giới mà các công ty, tổ chức tài chính Hàn Quốc đang có mặt, với số lượng lên tới 46 công ty tổ chức bao gồm ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán...
“Tăng trưởng bình quân năm của Việt Nam trong 20 năm trở lại đây đạt 6,29% và gần đây Việt Nam cũng ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao trong bối cảnh kinh tế thế giới bị trì trệ", ông Kim Yong Jae nhấn mạnh những thành tựu tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc của Việt Nam.
Đoàn Bộ Tài chính tham dự Lễ ký kết MOU giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Hiệp hội đầu tư tài chính Hàn Quốc. Ảnh: BTC. |
Vốn hoá thị trường chứng khoán sắp chạm 270 tỷ USD
Đối với thị trường tài chính Việt Nam, Bộ trưởng khẳng định Chính phủ đặc biệt quan tâm, có nhiều chỉ đạo sát sao.
Riêng đối với thị trường chứng khoán, mặc dù còn khá non trẻ nhưng đã có sự phát triển tương đối nhanh; phát huy vai trò tích cực là kênh dẫn vốn trung, dài hạn quan trọng của nền kinh tế, đồng thời là điểm đến đầu tư hấp dẫn của dòng vốn nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tính tới cuối tháng 2, vốn hóa thị trường chứng khoán đã đạt gần 270 tỷ USD, tương đương gần 63% GDP. Toàn thị trường có hơn 1.600 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết và đăng ký giao dịch. Số lượng nhà đầu tư tăng trưởng mạnh mẽ với 7,4 triệu tài khoản chứng khoán, tương đương 7,2% dân số, vượt kế hoạch đề ra.
Bộ trưởng Tài chính cho biết thêm trong những năm gần đây, mặc dù chịu tác động lớn từ suy thoái kinh tế toàn cầu song nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, đồng thời cũng là điểm sáng trong đầu tư, thu hút dòng vốn trực tiếp và gián tiếp trên toàn cầu.
Năm 2023, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được duy trì ổn định, với những con số ấn tượng như GDP tăng 5,05%, năm 2024 phấn đấu đạt khoảng 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt 4.285 USD, tăng 160 USD so với năm 2022.
Năm 2024, GDP của Việt Nam phấn đấu tăng khoảng 6-6,5%. Ảnh: Nam Khánh. |
Tổng vốn FDI đăng ký đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1%; vốn FDI thực hiện đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 683 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất siêu khoảng 28 tỷ USD, kỷ lục từ trước tới nay.
Thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 71,5 tỷ USD, vượt 8,12% so với dự toán trong bối cảnh vẫn thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế với quy mô khoảng 8 tỷ USD.
So với các nền kinh tế khác trên thế giới, lạm phát của Việt Nam được kiểm soát tốt, chỉ tăng 3,25%, thấp hơn mục tiêu đề ra là 4,5%.
Fitch Ratings hiện đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng "ổn định". Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương chỉ có 2 trong 62 nước được nâng hạng.
Hết năm 2023, nợ công khoảng 37% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần 60% Quốc hội đề ra.
“Tôi mong rằng sau hội nghị này, các doanh nghiệp hai nước sẽ có thêm nhiều ý tưởng và dự án hợp tác mới để làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế cũng như quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc", Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh và cam kết đồng hành, tạo thuận lợi cho các đối tác, doanh nghiệp và nhà đầu tư hai nước.
Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục như hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới vô cùng quan trọng. Để độc giả có thể tiếp cận những thông tin kinh tế quốc tế mới nhất, Tri thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh đáng chú ý. Từ việc nghiên cứu các công ty hàng đầu đến việc khám phá những xu hướng kinh tế mới, Tủ sách sẽ là nơi cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động kinh tế toàn cầu.