“Triển vọng cho hòa bình trong xung đột Sudan mong manh, trong khi viễn cảnh nền dân chủ Sudan còn xa vời hơn nữa”, ông Alex De Waal - Giám đốc Điều hành của Tổ chức Hòa bình Thế giới và là chuyên gia về Sudan tại Đại học Tufts (Mỹ) - nhận định với Zing về giao tranh đang diễn ra tại quốc gia châu Phi.
Ông Alex De Waal - Giám đốc Điều hành của Tổ chức Hòa bình Thế giới và là chuyên gia về Sudan tại Đại học Tufts (Mỹ). Ảnh: World Peace Foundation. |
Trong một nghiên cứu của giáo sư De Waal được công bố hôm 19/4, ông cho rằng hai bên tham chiến không cân xứng nhau, nhưng vẫn có tính cân bằng. Ông dẫn ví dụ Lực lượng Phản ứng Nhanh (RSF) thiếu máy bay và xe tăng, nhưng bù lại bằng tính cơ động, hiệu quả chiến thuật và khả năng chiếm nhiều lãnh thổ.
“Giao tranh hiện tại chính là vòng đầu tiên của cuộc nội chiến”, ông De Waal viết. “Không rõ bên nào nổ phát súng đầu tiên vào sáng 15/4, và liệu đó có phải hành động ngoài ý muốn hay có chủ ý của một phe. Dù bằng cách nào, hai phe sẽ đọ sức tới cùng, với người dân và các lực lượng dân chủ là nạn nhân”.
Tiếng súng vẫn nổ ra tại Sudan vào ngày 3/5, khi tướng quân đội Sudan (SAF) Abdel Fattah al-Burhan và chỉ huy lực lượng bán quân sự RSF Mohamed Hamdan "Hemedti" Dagalo đang cố giành từng cứ điểm và cơ sở hạ tầng. Trước đó, hai bên nhất trí lệnh ngừng bắn kéo dài một tuần, bắt đầu có hiệu lực vào ngày 4/5.
Sẽ chiến đấu tới “một mất một còn”?
Việc các khu vực kiểm soát được phân tách cho mỗi bên cho thấy cả hai đang ở thế giằng co và không bên nào giành được ưu thế rõ ràng, Washington Post nhận định.
Dù cả hai vị tướng đồng ý cử đại diện tham gia đàm phán hòa bình, ngày đàm phán chưa được ấn định. Suốt nhiều ngày qua, một vòng lặp liên tục xuất hiện: Quân đội Sudan và RSF cam kết ngừng bắn tạm thời, buộc tội nhau vi phạm thỏa thuận, tiếp tục giao tranh, sau đó đồng ý gia hạn hoặc lập thỏa thuận ngừng bắn mới.
Ông Ian Spears - phó giáo sư khoa học chính trị từ Đại học Guelph (Canada) - nhận định có 3 nguyên nhân khiến các lệnh ngừng bắn ở Sudan liên tục đổ vỡ.
“Đầu tiên, cả hai bên đều tin họ có thể giành chiến thắng. Thứ 2, không có thế lực nào buộc họ phải khuất phục. Thứ 3, cả hai đều có vũ khí mạnh và nhóm ủng hộ trung thành”, ông nói với Zing.
“Ảnh hưởng của phương Tây trong khu vực này luôn luôn hạn chế. So với một quốc gia như Kenya - nơi cũng chiến đấu giành quyền kiểm soát thủ đô, Sudan có nguồn tài nguyên riêng và dường như có rất nhiều khí tài quân sự”, vị phó giáo sư nói thêm.
Khói bốc lên từ thủ đô Khartoum giữa chiến sự. Ảnh: Reuters. |
Ông Spears cũng nhận thấy cả hai vị tướng đều cực kỳ tự tin và tự cho mình đang làm đúng.
“Không phe nào tại Sudan chấp nhận thua cuộc bởi người thua có thể sẽ đối mặt với thần chết. Vì vậy, cả hai sẽ tiếp tục đối đầu thay vì nhượng bộ”, vị chuyên gia từ Đại học Guelph lý giải.
Từ những lý do trên, ông Spears cho rằng có 3 kịch bản sẽ xảy ra: Xung đột kéo dài, một bên bại trận, hoặc một trong hai nhà lãnh đạo trốn khỏi đất nước, chấm dứt xung đột.
Tuy nhiên, vị phó giáo sư nhận định kịch bản có khả năng cao nhất là cuộc chiến sẽ tiếp diễn cho đến khi một bên thua cuộc, vì “cả hai đều coi đánh bại đối thủ là mục tiêu duy nhất”.
Nguy cơ can thiệp từ bên ngoài
Theo đánh giá của giáo sư DeWaal, hai thế lực ở Sudan hiện có sự cạnh tranh ngấm ngầm về tài chính, trong đó mỗi bên cố gắng cắt giảm nguồn tiền của bên kia và đảm bảo các nguồn lực bổ sung cho mình.
“Việc kiểm soát các quỹ chính trị sẽ không kém phần quyết định so với những gì diễn ra trên thực địa. SAF sẽ muốn kiểm soát các mỏ vàng và tuyến đường buôn lậu. RSF muốn làm gián đoạn các động mạch giao thông chính, bao gồm cả con đường từ Port Sudan đến Khartoum”, ông nói.
Tuy nhiên, ông cho rằng khả năng chỉ huy và kiểm soát thống nhất có lẽ sẽ không thể duy trì về lâu dài. Các nguồn lực vật chất và tổ chức cần thiết để duy trì nỗ lực xung đột khốc liệt cũng nhanh chóng cạn kiệt.
“Giai đoạn hiện tại có thể kéo dài trong vài tháng, sau đó có khả năng biến thành xung đột ít dữ dội hơn nhưng lan rộng, với các bên tranh giành quyền kiểm soát các địa điểm khác nhau, và nhiều người trong số họ có thể đổi phe”, ông nói.
Ông Ian Spears - phó giáo sư khoa học chính trị từ Đại học Guelph (Canada). Ảnh: YouTube. |
Khi xung đột tiếp diễn, phó giáo sư Spears nhận định ảnh hưởng từ các thế lực bên ngoài cũng “có thể gia tăng tùy thuộc vào diễn biến trong những ngày tới”.
“Nếu các phe dấn sâu và tự chiến đấu, tác động từ các thế lực bên ngoài sẽ hạn chế. Song nếu cán cân quyền lực dịch chuyển về một phía, bên yếu thế có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài, còn bên thắng cuộc có khả năng muốn lấy lòng phương Tây với mong muốn thành lập chính phủ”, ông dự đoán.
Đồng tình, giáo sư DeWaal cũng cho biết nếu không kết thúc nhanh chóng, “cuộc xung đột sẽ trở thành trò chơi đa cấp với nhiều chủ thể ở khu vực và quốc tế theo đuổi lợi ích riêng, sử dụng tiền, cung cấp vũ khí và điều động quân đội hoặc lính ủy nhiệm” đến Sudan.
Vị giáo sư chỉ ra hai vị tướng đang thực hiện các chính sách đối ngoại độc lập và song song phù hợp với lợi ích các bên khác nhau. Tướng Al-Burhan có quan hệ chặt chẽ với Ai Cập và nếu có thể sẽ kêu gọi sự hỗ trợ quân sự từ nước này.
Trong khi đó, tướng Hemedti có mối liên hệ khăng khít với UAE. “Trong cả hai trường hợp, không rõ những mối liên kết đó mang tính chiến lược như thế nào”, ông DeWaal nói.
“(Tuy nhiên), Saudi Arabia tương đối trung lập và có khả năng đưa UAE và Ai Cập đến lập trường chung, điều này ít nhất sẽ đơn giản hóa tình huống bế tắc về ngoại giao”, ông cho biết thêm.
Khói bốc lên trên các tòa nhà sau trận oanh tạc từ trên không ở Khartoum, Sudan, ngày 1/5. Ảnh: Reuters. |
Các quốc gia châu Phi cũng không thờ ơ với cuộc xung đột lần này. Theo vị giáo sư của Đại học Tufts, Eritrea nghiêng về tướng Hemedti. Ethiopia có quan hệ tốt với tướng al-Burhan, song quốc gia này cần tính toán dựa trên lập trường của Eritrea và khu vực Amhara do có tranh chấp lãnh thổ với Sudan.
“Về phía Mỹ, dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, Washington đã ủy thác chính sách về Sudan cho Ai Cập, Israel, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Song chính quyền Tổng thống Joe Biden đã không thành công trong việc tái triển khai phương thức hoạt động này”, ông nói.
Vị giáo sư lý giải một phần nguyên nhân là Washington có quá nhiều vấn đề với mỗi quốc gia kể trên, đến nỗi Sudan hiếm khi trở thành chủ đề thảo luận trong chương trình nghị sự. Do đó, các nước này tự do theo đuổi lợi ích riêng ở Sudan.
Ông DeWaal cho rằng “những phe hòa giải từ bên ngoài có nguy cơ tạo ra tình thế bế tắc và hỗn loạn mà không có ai đứng ra chỉ đạo”.
“Họ sẽ khó đạt được phân tích hay cách tiếp cận chung, ngoài động thái tối thiểu là kêu gọi ngừng bắn, và dành nhiều thời gian tranh luận hơn là giải quyết xung đột”, ông nói.
Trong khi đó, phó giáo sư Spears cho rằng các cường quốc “khó thuyết phục 2 phe hòa giải bằng con đường nào khác ngoài ngoại giao, khi đây là xung đột giữa 2 nhóm vũ trang có nhiều khí tài và hậu quả của bên thua cuộc sẽ rất thảm khốc”.
“Dù các cường quốc có lợi ích trong khu vực, tôi nhận thấy không phía nào thực sự muốn liên quan tới xung đột này”, ông kết luận.
Những cuốn sách để hiểu thêm về châu Phi
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về châu Phi, một châu lục có nền văn hóa đa dạng và lịch sử lâu đời, có tiềm năng phát triển lớn trong tương lai.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.