Hôm 27/7, Quốc hội Sri Lanka tiếp tục gia hạn tình trạng khẩn cấp do Tổng thống đắc cử Ranil Wickremesinghe ban bố vào ngày 17/7. Lần gia hạn này sẽ có hiệu lực trong vòng một tháng trước khi cần phê duyệt lại, một nhà lập pháp cho biết.
Theo đó, quân đội được trao quyền giam giữ người dân, hạn chế tụ tập công khai và lục soát tài sản tư nhân.
Cùng ngày, cảnh sát cho biết đã bắt giữ hai nhà hoạt động dẫn đầu các cuộc biểu tình lớn khiến cựu tổng thống nước này tháo chạy, Kusal Sandaruwan và Weranga Pushpika, với cáo buộc tụ tập bất hợp pháp.
Cảnh sát cũng đã công bố các bức ảnh của 14 nghi phạm bị truy nã liên quan đến vụ tấn công đốt phá nhà của ông Wickremesinghe vào cùng ngày văn phòng và tư dinh của cựu tổng thống bị phá hủy.
Người biểu tình ở thủ đô Sri Lanka. Ảnh: Reuters. |
Vụ bắt giữ hai nhà hoạt động diễn ra một ngày sau khi thủ lĩnh sinh viên Dhaniz Ali bị bắt giữ khi lên chuyến bay đến Dubai. Cảnh sát cho biết Ali bị bắt do liên quan đến một vụ kiện, nhưng không nêu chi tiết.
Cựu Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã tháo chạy khỏi đất nước trên một chiếc máy bay quân sự hồi đầu tháng 7, sau khi những người biểu tình chiếm dinh thự và văn phòng tổng thống, yêu cầu ông từ chức.
Sau đó, ông đã bay đến Singapore và đệ đơn từ chức trong khi người kế nhiệm Wickremesinghe tuyên bố tình trạng khẩn cấp và cam kết sẽ có đường lối cứng rắn chống lại “những kẻ gây rối”.
Nhiều người cho rằng ông Rajapaksa sẽ sống lưu vong để tránh bị truy tố vì cáo buộc tham nhũng và tội ác chiến tranh từ hơn một thập kỷ trước. Tuy nhiên, một phát ngôn viên nội các cho hay ông sẽ trở về Sri Lanka.
Quyết định trở lại Sri Lanka của cựu tổng thống có thể do ông có ít lựa chọn. Các nhóm nhân quyền và luật sư cho biết họ đã gây sức ép với các quốc gia để không chấp nhận ông. Đại sứ quán Mỹ cũng đã từ chối cấp thị thực cho ông. Mỹ được coi là điểm đến khả dĩ của ông Rajapaksa vì con trai và cháu ông đều sống ở đó. Vị cựu tổng thống cũng từng sinh sống tại đây.