Thảo Trang (trái) và Thục Linh là hai cây viết 9X đang theo đuổi dòng văn học kinh dị. |
Năm nay chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của dòng kinh dị trong văn học Việt. Có thể kể đến một loạt tác phẩm tiêu biểu như Tết ở làng địa ngục, Ngủ cùng người chết, Khế ước bán dâu, Những đồ vật có linh hồn…
Một điều thú vị hơn là đa phần tác phẩm kinh dị này đều đến từ những cây viết nữ trẻ, có tư duy sáng tạo và mong muốn đưa văn học kinh dị Việt đến gần hơn với bạn đọc. Thảo Trang và Thục Linh là hai tác giả 9X sáng tác năng nổ ở địa hạt văn chương này.
Văn học kinh dị trở lại
Là một cây viết 9X đời đầu, Thảo Trang nổi danh từ văn học mạng qua các trang blog. Chỉ trong năm nay, Thảo Trang đã chào sân liền hai cuốn sách là Tết ở làng địa ngục (tháng 2) và Ngủ cùng người chết (tháng 6), cả hai đều nhận được sự yêu mến của độc giả.
Tết ở làng địa ngục lấy bối cảnh ở một ngôi làng không tên miền sơn cước với nhiều chuyện kỳ dị và tai họa xảy đến, còn Ngủ cùng người chết lại khai thác chủ đề buôn người tàn bạo vùng biên giới.
Đặc biệt, Tết ở làng địa ngục nhanh chóng lọt vào mắt xanh của đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân, tác phẩm sẽ được chuyển thể thành phim và dự kiến ra mắt trong năm 2023.
Cuốn sách Ngủ cùng người chết của tác giả Thảo Trang. Ảnh: T.T. |
Bắt đầu sáng tác từ năm 2017, Thục Linh đã có 5 năm gắn bó với dòng sách kinh dị bằng 4 cuốn sách Ngôi làng cổ mộ, Tứ trấn huyền linh, Bóng trăng trắng ngà và mới đây nhất là Khế ước bán dâu.
Ngôi làng cổ mộ là tác phẩm đầu tiên của Thục Linh ra mắt năm 2020, đến nay đã được tái bản, chứng tỏ sức hút của câu chuyện. Cuốn sách được lấy cảm hứng từ một giấc mơ báo mộng của chính tác giả, sau đó được viết lại trau chuốt và cẩn thận, cuối cùng cũng được xuất bản chính thống và đến tay bạn đọc.
Khế ước bán dâu theo chân con gái một nhà nho nghèo được gả vào làm dâu một gia đình phú hộ giàu có, nhưng cô không ngờ đằng sau vẻ hào nhoáng ấy là một bức màn đẫm máu đầy sự hận thù.
Chuẩn bị kiến thức và tâm lý vững chắc để viết truyện kinh dị
Theo Thảo Trang, điều quan trọng nhất để có thể hoàn thành một tác phẩm kinh dị chính là kiến thức. Cốt truyện phải logic, tâm lý nhân vật phù hợp với hoàn cảnh thì mới thuyết phục được độc giả.
Trong quá trình viết Ngủ cùng người chết, Thảo Trang phải tham khảo kiến thức hóa học rất nhiều, bên cạnh đó cô xin ý kiến từ các chuyên viên của Bộ Ngoại giao để có thể biết được quy trình đón công dân Việt Nam bị bắt cóc trở về nước.
Trong tác phẩm sắp tới của mình, Vật hiến tế sẽ lấy bối cảnh ở vùng biển và ma quỷ xuất hiện trong đô thị, Thảo Trang đã dành nhiều thời gian để nói chuyện và lắng nghe các chia sẻ của ngư dân để có thể tạo ra một bối cảnh chuẩn xác nhất.
Còn Thục Linh cho rằng người viết truyện kinh dị cần chuẩn bị tâm lý vững vàng. Bản thân cô đã tôi luyện tâm lý từ lâu thông qua nhiều bộ phim và sách kinh dị, vậy nên có những đêm thức đến 3, 4 giờ sáng để hoàn thiện tác phẩm là điều bình thường.
Ngoài ra Thục Linh cho biết mình cũng là người định hướng bản thân theo những đức tin đúng đắn, hiểu rõ về nhân quả. Điều này giúp cô có định hướng đúng trong quá trình xây dựng tác phẩm.
Bốn cuốn sách đề tài kinh dị của tác giả Thục Linh. Ảnh: T.L. |
Cô cũng luôn tự tạo áp lực cho bản thân phải tránh lặp lại những chủ đề, tình tiết, cách khai thác cốt truyện của những tác phẩm trước mà vẫn đảm bảo sự cuốn hút với độc giả. Bốn cuốn sách của Thục Linh về bốn đề tài khác nhau: một ngôi làng kỳ quái với nhiều ngôi mộ cổ, hiện tượng người song trùng, ma quỷ lấy cảm hứng từ một bài hát trung thu hay những định kiến trong hôn nhân.
Truyện kinh dị dành cho người Việt
Để truyện kinh dị có thể chinh phục được chính độc giả Việt, cả Thảo Trang và Thục Linh đều nhấn mạnh vào yếu tố "thuần Việt" của tác phẩm. Nếu đem so sánh với truyện kinh dị của nước ngoài, truyện Việt có những yếu tố tâm linh văn hóa dân gian riêng, gần gũi với chính độc giả trong nước.
Trong Tết ở làng địa ngục, Thảo Trang dùng nhiều hình ảnh quen thuộc mà người Việt thường dùng để ám chỉ tai ương và vận xui như: quạ đen, chim lợn, tiếng chó sủa vào đêm sáng trăng. Còn trong Ngủ cùng người chết, cây viết người Hải Phòng lại khéo léo trộn lẫn yếu tố tâm linh như hồn ma bóng quế, duyên âm, quỷ trạch với nạn buôn người bất hợp pháp.
Thảo Trang tin rằng, với vô vàn giá trị văn hóa độc đáo trong nước, khai thác được nét truyền thống dân tộc là đã nắm trong tay được 50% thắng lợi rồi.
Còn Thục Linh lại biến hóa trong chủ đề, tận dụng nhiều chất liệu dân gian trong sáng tác của mình. Tác phẩm Bóng trăng trắng ngà được lấy cảm hứng từ ca khúc Thằng Cuội của nhạc sĩ Lê Thương, tạo ra một câu chuyện bí ẩn đau thương và bí mật kinh hoàng đằng sau lời bài hát.
Không chỉ tìm cách khai thác yếu tố thuần Việt, cả hai cây viết đều đồng ý rằng mỗi tác phẩm được viết ra đều phải trau chuốt nội dung, quan trọng hơn cả là tạo được dấu ấn cá nhân, không lai tạp với các tác giả khác cũng như nền văn hóa khác.
Truyện ma hay bất cứ thể loại nào cũng cần gắn liền với đời sống con người, đều hướng con người tới việc thiện, loại bỏ cái ác và những điều xấu xa. Có như vậy sách mới được bạn đọc đón nhận và lan tỏa những thông điệp tích cực ở bên trong mỗi tác phẩm.