Tác giả Thảo Trang bắt đầu đươc bạn đọc chú ý qua tiểu thuyết kinh dị Tết ở làng Địa Ngục. Tiểu thuyết được đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân chuyển thể thành phim, dự định ra mắt vào năm 2023.
Khi người đọc còn chưa hết ngỡ ngàng với câu chuyện kinh dị chứa đựng nhiều yếu tố tâm linh dân gian ở làng Địa Ngục thì Thảo Trang đã đưa đến cho người đọc một cuốn tiểu thuyết mới, trinh thám, mang tên Ngủ cùng người chết. Tuy gọi tiểu thuyết trinh thám nhưng yếu tố tâm linh, kinh dị vẫn là yếu tố chủ chốt, đặc quánh trong từng trang sách...
Những đường dây chuyện
Phương Linh, nhân vật chính của tiểu thuyết vào năm sáu tuổi đã mất đi hai người thân yêu nhất của mình. Tất cả xảy ra vào đêm mưa to gió lớn, toán cướp đập cửa vào trú mưa đã sát hại dã man bố mẹ cô và cướp đi toàn bộ tài sản. Phương Linh vì tìm con chó nhỏ, nấp sau vại gạo trong kho may mắn thoát chết.
Cuộc đời cô từ đây quanh quẩn với việc tìm kiếm ba kẻ giết hại bố mẹ mình, một nữ, một nam và một thằng bé con. Thằng bé con tầm tuổi cô, nó được sai đi tìm của cải giấu trong kho, thấy cô, nhưng nó ra hiệu im lặng, không tố giác với hai kẻ kia. Cuộc đời cô từ đó là cuộc tìm kiếm những kẻ đã giết bố mẹ, là nỗi dày vò về đứa bé vừa là kẻ giết người vừa là ân nhân của mình.
Người đọc có một đường dây câu chuyện trinh thám để theo đó là hành trình tìm kiếm những kẻ giết người của Phương Linh. Mà sau này, khi lớn lên, bị bắt bán sang Trung Quốc vô tình cô gặp lại hai kẻ giết hại bố mẹ mình năm xưa.
Hai kẻ này giờ đã là trùm, nắm đường dây buôn bán phụ nữ, trẻ em để làm nô lệ tình dục, làm vợ những người đàn ông già hoặc không đủ tiền cưới hỏi theo tập tục thông thường. Cũng từ đây cô biết cậu bé, tên A Phong, người cứu mình năm sáu tuổi là con nuôi của hai kẻ kia và cũng đã bị giết khi cố giải thoát cho một cô gái bị bắt như cô bây giờ.
Lồng trong hành trình chạy trốn từ bên kia biên giới trở về của Phương Linh còn có một câu chuyện khác nhức nhối không kém, đó là chuyện về những người phụ nữ cam chịu sống phần đời còn lại nơi đất khách quê người. Họ cũng có gia đình, bố mẹ, chị em yên bình nơi quê nhà. Cho đến một ngày họ bị lừa bắt, tra tấn, hãm hiếp đưa đi.
Nhiều người đã chết vì có ý định chống lại, hoặc không chịu được viễn cảnh đày đọa xứ người đã tự tìm đến cái chết. Xác họ bị vùi tạm bợ nơi rừng thiêng nước độc, không mộ chí, không dấu vết, cái còn lại chỉ là nỗi nhớ thương khôn nguôi của người thân.
Mụ Sảng (tên thật là Hạ) cũng chính là một nạn nhân của nạn buôn người. Chỉ có điều người đồng lõa với đám buôn người chính là bố mẹ của mụ. Vì hủ tục phải sinh được con trai nối dõi tông đường, người bố đang tâm bán đi hai người con của mình là Thu và Đông để chữa bệnh, cúng bái, chăm chút cho người con trai tên Quan.
Hai người con lớn Xuân và Hạ vì sợ cuộc đời mình cũng giống các em nên trốn khỏi nhà, cuối cùng cũng rơi vào tay bọn buôn người. Hạ thay vì tìm cách bảo vệ những người như mình thì lại lao vào con đường lầm lạc giết người, buôn bán phụ nữ như một cách trả thù quá khứ. Từ cái hố đen cuộc đời xô xuống mụ đã không bao giờ thoát lên được nữa.
Yếu tố tâm linh xuyên suốt
Nhiều người mang trong mình yếu tố tâm linh mạnh mẽ, từ những câu chuyện về hồn ma bóng quế, báo mộng, hóa kiếp trả thù, bùa chú hại người...
Vài năm trước tác giả Phan Cuồng cũng tạo được dấu ấn trong lòng bạn đọc với hai tiểu thuyết Đại Nam dị truyện và Lý triều dị truyện, khi đi vào khai thác yếu tố tâm linh dân gian, chuyện ma truyền miệng, dã sử pha trộn cùng lịch sử. Tác giả Thảo Trang cũng tiếp nhận, sử dụng yếu tố tâm linh pha lẫn kinh dị vào trong tiểu thuyết Ngủ cùng người chết của mình một cách khéo léo. Cái khác, vượt lên của cô là thay vì đi vào lịch sử cô lại dũng cảm đi vào hiện tại, với các vấn đề xã hội nhức nhối.
Một số yếu tố tâm linh trong tiểu thuyết như về A Phong, người mà Phong Linh gặp năm sáu tuổi sau này chết là một hồn ma luôn theo bên bảo vệ, nhắc nhở cô trước mỗi nguy hiểm - người được gọi là duyên âm. Đến quỷ trạch, tức những ngôi nhà có người chết oan, hồn không tan ở lại ám.
Người chết mặc áo đỏ sẽ hóa thành quỷ dữ. Sự nhắc nhở khi ngủ không được để dép hướng lên giường, không được mở cửa sổ và thò chân ra khỏi chăn để ma mãnh không thể theo vào quấy rầy, không mộng mị. Hồn ma người chết về báo mộng cho Phong Linh vì cô có duyên với họ…
Rốt lại, con quỷ đáng sợ nhất chính là sự ác độc của con người. Mụ Sảng, lão Phàm, lão Kiệm, thằng Ngụy, bố con thằng Minh, Tiểu Triệu… chính là những con quỷ đội lốt, không từ thủ đoạn nào để bắt cóc, hãm hiếp, buôn bán, thu lợi trên thân xác của những cô gái chỉ đáng tuổi con cháu mình. Để rồi cuối cùng những “con quỷ người” này phải nhận hậu quả đích đáng với tội lỗi mình gây ra, ác giả thì gặp ác báo.
Tuy vậy, cuốn tiểu thuyết cũng có một số điểm chưa hẳn thuyết phục, như hành trình trốn từ Trung Quốc về lại Việt Nam của Phong Linh. Một cô gái mười bảy tuổi mà có sự lọc lõi như của một “trinh sát” già đời, được đào tạo bài bản, thích nghi trong mọi hoàn cảnh để không bị xâm hại, sau đó được công an giải cứu.
Chuyến đi kinh hoàng qua chốn rừng thiêng
Tiểu thuyết “Đi qua bóng tối” của Kate Alice Marshall mang đến trải nghiệm đọc rùng rợn với cách kể chuyện độc đáo tựa những thước phim tài liệu.
Sức hút của truyện kỳ ảo kinh dị Việt Nam
Lịch sử văn học Việt Nam không thiếu những tác phẩm mang yếu tố kỳ ảo, ly kỳ như các tác phẩm của Thế Lữ, TchyA, Lan Khai. Từ góc nhìn hiện đại, thể loại bao hàm nhiều giá trị.
Áp lực không thể làm trụ cột kinh tế khiến đàn ông trầm cảm
Theo quan niệm ở nhiều nước phương Đông, trách nhiệm của người chồng là đảm đương vấn đề tài chính trong gia đình. Nếu để vợ gánh vác chuyện tiền bạc, họ sẽ bị gắn mác bất tài.