Sách "Đi qua bóng tối". Ảnh: NXB Trẻ. |
Đi qua bóng tối là tiểu thuyết kinh dị siêu nhiên dành cho độc giả tuổi thiếu niên. Tác phẩm giới thiệu với độc giả về một truyền thuyết cách đây hơn 80 năm. Chuyện kể cô bé Lucy mất tích trong rừng ngay trước lễ cưới của chị gái. Anh trai Lucy đã trông thấy một người đàn ông dẫn em mình vào rừng và Lucy biệt tăm kể từ đấy. Nhân vật chính của Đi qua bóng tối là Sara. Một năm trước, chị gái Sara là Becca, đã bốc hơi vào thinh không, để lại nhiều manh mối liên quan đến truyền thuyết về Lucy.
Cùng một nhóm bạn cũ, Sara dấn thân vào cuộc phiêu lưu tìm chị đầy gay cấn. Cô và nhóm bạn mình đã không lường trước được chuyến đi qua chốn rừng thiêng có thể kinh hoàng và chết chóc đến nhường nào.
Câu chuyện về tình chị em
Điểm nổi trội ở Đi qua bóng tối là tác giả Kate Alice Marshall không chỉ tập trung mô tả các chi tiết rùng rợn, mà còn xoáy sâu vào nội tâm nhân vật. Độc giả dõi theo diễn biến tâm lý của Sara và không khó để đồng cảm với một thiếu nữ khắc khoải nhớ chị.
Từ ngày Becca biến mất, cô bị giày vò bởi nỗi băn khoăn không biết điều gì đã xảy ra với chị mình, đồng thời phải đối mặt với những lời đàm tiếu cay nghiệt cho rằng chị cô đã “bỏ nhà theo trai”. Những ẩn khuất tâm lý khiến cô tự cô lập mình, xa lánh bạn bè.
Cho đến cái đêm định mệnh khi cô cùng nhóm bạn quyết định dấn thân vào hành trình đi tìm Becca, Sara mới kết nối lại tình bạn năm xưa… cho đến khi từng người một, bị bóng tối nuốt chửng. Dù phải đối mặt với vô vàn hiểm nguy, Sara vẫn cương quyết tiến lên phía trước, hướng đến một mục tiêu duy nhất: tìm lại chị gái.
“Tôi không tin vào ma quỷ, nhưng tôi vẫn muốn tin. Tôi biết Becca đã không bỏ đi. Nghĩa là chỉ còn một điều khả thi. Vì nếu chị tôi chưa chết, nếu chị ấy chỉ bị bắt đi, thì có nghĩa là vẫn còn có khả năng đem chị ấy về được”, trích nội dung sách.
Tác giả Kate Alice Marshall. Ảnh: Goodreads. |
Với Sara, cái ngày chị cô biến mất, cô đã mất cả gia đình. Bởi bố cô bỏ đi sau đó vài tháng, mẹ cô thì né nhắc đến tên Becca. “Im lặng là cách duy nhất để mẹ vượt qua nỗi đau. Như thể việc giả vờ mình đã vượt qua có thể giúp mẹ vơi đi sự đau khổ. Tất cả điều đó có nghĩa là chúng tôi buộc phải cam chịu cơn đau một mình, mà không có ai để dựa vào”.
Sara không biết liệu cô có thể hàn gắn lại gia đình mình không, nhưng cô biết cô có thể cố gắng tìm Becca. Việc khắc họa tâm lý nhân vật, khiến cho độc giả đồng cảm khiến cho những màn hù dọa xuất hiện sau đấy thêm phần hiệu quả. Người đọc bị buộc phải lo lắng cho sự an toàn của nhân vật, nhất là khi thế lực phản diện trong truyện lại có chân tướng mập mờ, thủ đoạn khó lường.
Lời tri ân đến các tác phẩm kinh điển
Ở tác phẩm này, độc giả vốn đã là fan của thể loại kinh dị sẽ dễ dàng nhận ra một vài chi tiết tri ân tới những tác phẩm kinh điển. Nổi bật và hiển nhiên nhất chính là bộ phim giả-tài-liệu năm 1999 The Blair Witch Project. Tác phẩm kết hợp nhiều định dạng thú vị như đoạn text mô tả video chứng cứ, phiên phỏng vấn, các bằng chứng cảnh sát thu được như đoạn trích tin nhắn, bài đăng trên một diễn đàn, nhật ký, ghi chép riêng… khiến cuốn sách cảm giác như một tập tài liệu, một thước phim tài liệu.
Điểm sáng tạo này chính là một trong những yếu tố hấp dẫn của cuốn sách. Cùng yếu tố truyền thuyết, phù thủy, Đi qua bóng tối gợi người đọc nhớ tới bộ phim kinh điển The Blair Witch Project.
Nếu như The Blair Witch Project đánh lừa khán giả rằng họ đang xem một thước phim tài liệu của một nhóm bạn xấu số mất tích trong cuộc truy tìm phù thủy trong rừng, Đi qua bóng tối phức tạp hóa cốt truyện, đem tới trải nghiệm đọc lôi cuốn và hồi hộp. Độc giả biết ít nhất có ai sống sót sau chuyến đi thập tử nhất sinh kia, nhưng đồng thời, cảm nhận được rằng có gì đó không ổn. Kate Alice Marshall đã thành công trong việc khiến độc giả phải nghi ngờ mọi nhân vật trong truyện.
Tác phẩm còn chứa đựng nhiều chi tiết cho thấy tác giả thực sự là một fan hâm mộ của thể loại kinh dị. Như câu thoại “Tôi đang nắm tay ai vậy?” gợi tới phân cảnh nổi tiếng trong tác phẩm The haunting of hill house của Shirley Jackson; hay cú twist xảy ra ở khoảng trang 210 trong sách - một cú twist hiệu quả mà nếu điểm tên so sánh thì sẽ mất hay.
Cách tác giả khắc họa nhóm bạn của Sara cũng khiến độc giả nhớ tới những bộ phim kinh dị cho teen đầu thập niên 2000. Họ không phải những nhân vật khó ưa khiến khán giả chỉ đoán tên sát nhân xuất hiện như kiểu kinh dị. Họ là những nhân vật gần với đời sống, những người có thể là bạn của chính chúng ta và vì vậy, ta không muốn có điều gì tồi tệ xảy đến với họ.
Thể loại kinh dị dân gian đang lên ngôi những năm gần đây. Cảnh cắt từ phim The vvitch, Midsommar. Ảnh: A24. |
Với sự lên ngôi của thể loại kinh dị dân gian (folk horror) những năm gần đây qua sự phổ biến của nhiều tác phẩm văn chương như The only good indians, The ritual, White is for witching… hay điện ảnh với những Midsommar, Lamb, The vvitch, The wailing… Đi qua bóng tối của Kate Alice Marshall có thể làm hài lòng tín đồ của thể loại này.
Dù vậy, tác phẩm có lẽ phù hợp nhất với lứa tuổi thiếu niên, độ tuổi tương đồng các nhân vật trong sách. Dù không thiếu tình tiết kinh dị, yếu tố phiêu lưu kỳ ảo vẫn trội hơn trong Đi qua bóng tối. Sách mang đến trải nghiệm đọc rùng rợn với cách kể chuyện độc đáo là điểm nhấn.