|
Truyện kì ảo, kinh dị hay truyện ma quái trong văn học Việt Nam vốn chẳng phải điều gì hiếm. Người đọc tìm đến nó như món ăn giải trí khoái khẩu để thỏa trí tò mò, được phiêu lưu vào chốn thần tiên, hay sợ hãi với ảo cảnh quỷ tà mà nhân vật trong truyện gặp phải.
Nhưng trong dòng thời gian luân chuyển không ngừng dòng truyện này không phải lúc nào cũng được đánh giá đúng. Có lúc nó bị coi là á văn học, đứng ngoài dòng chảy chung của văn học đương thời dù vẫn tồn tại…
Vài nét về văn học kinh dị, kì ảo Việt Nam
Văn học kinh dị, kì ảo Việt Nam là sự tiếp nối không ngừng của các thế hệ. Giai đoạn Trung - Cận đại thì có Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp, Thánh Tông di thảo của Lê Thánh Tông, Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề, Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ…
Một số tác phẩm kì ảo nổi tiếng của văn chương Việt. Ảnh: K.Đ. |
Sang đầu thế kỷ hai mươi, với sự ra đời của văn học viết bằng chữ quốc ngữ ta có Thế Lữ với Vàng và máu, Bên đường Thiên Lôi, Trại Bồ Tùng Linh… TchyA Đái Đức Tuấn với Ai hát giữa rừng khuya, Kho vàng Sầm Sơn, Thần hổ... Lan Khai với Truyện đường rừng, Chiếc nỏ cánh dâu… Báo oán, Trên đỉnh non Tản, Xác ngọc lam của Nguyễn Tuân, Ngậm ngải tìm trầm của Thanh Tịnh, Bóng người trong sương mù của Nhất Linh, Con ma cây vả của Phạm Cao Củng…
Giai đoạn kế tiếp với một số tác giả, tác phẩm như Bóng ma nhà mệ Hoát của Vũ Bằng, các truyện Cõi âm nơi quán cây dương, Mấy vụ quật mồ bí ẩn, Ma ném đá… của Bình Nguyên Lộc; Lửa hận rừng xanh, Nữ chúa hồ Ba Bể… của Hoàng Ly; Người Khăn Trắng (nhà văn Thượng Hồng, tên thật Huỳnh Thượng Đẳng) với kỉ lục hơn 400 tác phẩm truyện kinh dị, ma quái...
Kế tiếp nữa với các tác giả như Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Xuân Hà, Ngô Tự Lập, Trần Nhã Thụy, Phong Điệp, Nguyễn Tham Thiện Kế, Y Ban, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Ngọc Thuần, Tạ Duy Anh, Phan Hồn Nhiên, Di Li, Phạm Duy Nghĩa…
Các tác phẩm của các tác giả ở lứa này chủ yếu tập trung vào truyện ngắn, ít tác phẩm dài hơi như truyện dài, tiểu thuyết. (Vì vậy, trường hợp như nhà văn Di Li với tiểu thuyết Trại hoa đỏ, Câu lạc bộ số 7 rơi vào phía thiểu số). Có thể nó liên quan đến quan niệm văn chương kinh dị, trinh thám là á văn học, văn học giải trí. Thứ nữa, sự bùng nổ của các tờ báo, tạp chí văn chương đòi hỏi tác giả viết ngắn hơn, nhanh hơn.
Rồi đến thế hệ trẻ hiện nay như Phan Cuồng, Thảo Trang, Thục Linh, Tống Ngọc… Thế hệ này quay lại với các tác phẩm dài hơi tiểu thuyết. Có thể do mạng xã hội, nhiều tác phẩm đăng tải từng phần trên mạng trước khi in thành sách. Tác phẩm vừa viết vừa nhận góp ý, sửa chữa, thay đổi, có số lượng độc giả online theo dõi hàng ngày. Độc giả trẻ ngày nay cũng đọc nhiều hơn, nhanh hơn - nắm bắt nhu cầu này các nhà sách cũng đón đầu đặt hàng, tìm kiếm, nâng đỡ các tác giả trẻ viết truyện kinh dị, trinh thám, kì ảo hoặc ngôn tình.
Truyện kinh dị không chỉ để dọa ma
Bảng thống kê phía trên chỉ là một cái nhìn khái quát vào những tác phẩm, tác giả khi viết thường đưa yếu tố kì ảo, ma quái vào trong tác phẩm của mình. Song có ai tự hỏi cuối cùng sự kinh dị để làm gì?
Thử phân tích một truyện ngắn có cốt truyện đơn giản đó là truyện Con chuột lông vàng của tác giả Nguyễn Quang Thiều. Truyện kể về một người đàn ông tên Lẫm Cùi, bắt chuột rất tài, cả đời ông đi săn con chuột chúa to bằng con chó, có lông to dài vàng óng như lá thông. Kết quả ông chết ở đầm sen, chỗ nước chỉ đến ngực.
Tập truyện kỳ bí của Nguyễn Quang Thiều. Ảnh: NXB Trẻ. |
Người bảo ông cảm chết, người cam đoan ông bị con chuột lông vàng hãm hại. Cả làng ngoài ông Lẫm Cùi chẳng ai nhìn thấy con chuột chúa bao giờ. Con chuột chỉ còn là huyền thoại, được kể từ đời này sang đời khác, tồn tại trong trí tưởng tượng của lớp người già lẫn trẻ.
Sự kinh dị của truyện Con chuột lông vàng ở chỗ các chi tiết được xây dựng vây quanh con chuột có thể tránh được mọi loại bẫy, gây đủ loại bệnh tật nghèo đói. Ông Lẫm Cùi đi tìm con chuột mang trong mình ý chí tiêu diệt cái xấu xa. Nhưng cái xấu xa vẫn tồn tại cùng với cái tốt đẹp, lời ông già Hoàn ở cuối truyện như một sự kết thúc tất cả: “Muốn giết được con chuột chúa ấy để trừ hết lũ chuột thì cả làng phải hợp sức đồng tâm với nhau thì chuyện ấy mới thành".
Truyện kinh dị ra đời nhằm chuyển tải suy nghĩ của nhà văn về thế sự. Những sự thật trần trụi không nói thẳng ra được thì tìm cách nương về kỳ ảo. Đánh vào tâm lý bạn đọc thích cái tò mò mà cuốn theo mạch truyện. Như trong truyện trên, nếu không có con chuột chúa, con chuột lông vàng có giọng cười ha hả, chỉ kể về một người đàn ông Lẫm Cùi bình thường có tài diệt chuột và chế biến muôn vàn món ăn từ chuột thì có gì để đọc.
Và truyện kinh dị, kỳ ảo, hồn ma bóng quế, yêu tinh yêu quái cuối cùng đọng lại vẫn là hình bóng, tình cảm, suy tư con người. Như trong truyện ngắn Gió lạ của Phan Đức Nam, kể về mấy người đàn ông cướp tài sản từ xác chết, là những người trên tàu gặp bão biển xác dạt vào bờ. Cuộc đời họ thay đổi với khối tài sản thu được. Song lòng họ chẳng bao giờ yên với hố chôn tập thể người gặp nạn ngày nào.
Với cảnh những ngón tay, cổ tay trương phềnh đeo nhẫn, vòng, đồng hồ mà họ dùng phải cứa giật đến tơ tướp, rách nát. Họ còn sống mà như mắc nợ với quá khứ. Kết lại người chết, người điên, kẻ vật vờ ngày này sang ngày sang trên bờ biển.
Trong tập truyện ngắn đậm chất kỳ ảo Người bay trong gió xanh của tác giả Phạm Duy Nghĩa, có truyện ngắn Con ma trong hội xô xe. Truyện kể về một đám ma chết trên đỉnh đèo bàn tính xô một xe khách xuống vực để trả thù một vài người đi trên xe có ân oán với chúng lúc sống.
Trong đó chỉ có một con ma không đồng ý, tìm cách báo cho người sống biết dừng chiếc xe lại. Chiếc xe chết máy dừng ngay đỉnh dốc lưng đèo. Cũng may mọi người không cố đợi xe sửa để qua đèo vào ban đêm, lúc nhiệt độ giảm mạnh, xuất hiện băng tuyết. Con ma ngăn cản chiếc xe không còn thấy trong hội xô xe nữa, do việc làm nhân nghĩa động lòng trời đã được cử đi làm thổ thần cai quản một vùng đất hoặc dải sông nào đó.
Thế mới thấy ma hay người cũng chung câu chuyện đấu tranh giữa tốt xấu, chung riêng. Ma cũng do lòng người sinh ra cả. Nếu lòng người trong sáng, không làm chuyện khuất tất, trái luân thường đạo lí thì chẳng sợ gì. Văn chương kinh dị, kì ảo vì thế chính là sự cảnh tỉnh, tiếng nói “phía bên kia” để con người sống tốt hơn với hiện tại hôm nay…