Học phí là 1 tháng ăn bánh thay cơm
Tiệm bánh waffle (loại bánh xuất xứ Bỉ, làm từ 2 nguyên liệu chính là bột mì, trứng) handmade của hai chàng đẹp trai sinh năm 1987 Đinh Tường Linh và Nguyễn Hải Duy có mặt tiền khá khiêm tốn trên phố Quán Thánh (Ba Đình, Hà Nội).
Tuy nhiên, sau cánh cửa kính màu trắng giản dị là một không gian rộng rãi, ấm cúng và đặc biệt, luôn đượm mùi thơm hấp dẫn của những mẻ bánh xốp trứng mới ra lò. Sau 2 năm có mặt trên đất thủ đô, hiệu bánh waffle này đã có lượng khách ổn định, doanh thu tốt, được thực khách trẻ trong và ngoài nước yêu thích.
Hải Duy (trái) và Tường Linh bên cạnh tấm bản đồ quán xá Hà Nội tự chế. Ảnh: Diệp Sa. |
Rời Việt Nam du học Anh từ những năm phổ thông, Tường Linh và Hải Duy đều đã sống, học tập và làm việc tự lập hơn chục năm. Gặp và thân nhau từ năm đầu đại học, hai người bạn sớm phát hiện ra những nét tương đồng trong tính cách, đặc biệt là sở thích ăn bánh waffle.
Trở về Việt Nam, sau một thời gian làm việc theo chuyên ngành, cả hai bàn nhau thử "sống với đam mê" là làm và bán bánh waffle tại Hà Nội. Quyết định lớn nhưng đến từ một lý do rất đơn giản theo chia sẻ của Tường Linh: "Mình đã từng ăn bánh waffle tại một số địa chỉ ở Việt Nam nhưng chưa thấy nơi nào làm ra chất waffle chuẩn cả. Vậy nên mình mở một cửa hàng bánh waffle, tự tay làm và giới thiệu tới mọi người món bánh yêu thích".
Cả hai đều khẳng định bánh do mình làm ra chưa chắc là ngon nhất, chưa chắc... "waffle" nhất nhưng đã thử sức thì nên cố gắng để đạt tới điều gì đó. Chỉ bắt đầu học làm bánh khi có kế hoạch mở cửa hàng, chuyên viên marketing và kiến trúc sư trẻ rủ thêm cô em gái, trải qua nguyên một tháng đầu "đóng cửa tu luyện, ăn bánh thay cơm". 3 đầu bếp không chuyên học từ cách đánh trứng, nướng bánh, lựa kem và phụ liệu dùng kèm...
Sau 1 tháng học làm bánh và ăn bánh thay cơm, hai người bạn tự tin giới thiệu nhiều món waffle ngon, lạ, có phong cách riêng tới khách hàng. Bên cạnh bánh ngọt còn có thêm bánh mặn. Ảnh: Diệp Sa. |
Hải Duy còn nhớ ngày đầu tiên bán bánh, khoảng hơn chục lượt khách tới cửa hàng, lời khen nhiều hơn lời chê. Những kỷ niệm đầu khiến hai chủ shop luôn miệng cười khi ôn lại. "Có chị khách là tín đồ bánh waffle, đã từng ăn bánh ở nhiều nơi nhận xét, bánh nhà mình ngon nhưng hình như dùng nhiều bột nở nên xốp hơn các tiệm khác. Thật may vì chính mình làm đĩa bánh cho chị ấy nên có thể giải thích với khách cặn kẽ về quy trình và tỷ lệ bột pha trong bánh. Thấy khách hài lòng, mình cũng vui", Duy chia sẻ.
Vốn khởi nghiệp không quá lớn, 100 triệu đồng gồm tiền thuê mặt bằng, mua sắm nội thất, đồ dùng và nguyên phụ liệu làm bánh. Riêng phần thiết kế cửa hàng trên mặt bằng khoảng 90 m2 được kiến trúc sư Tường Linh trổ tài, tạo nên không gian đẹp, thư thái, có phong cách riêng.
Sáng tạo nhỏ của kiến trúc sư Tường Linh cho người bạn thích ăn kem tươi. Ảnh: T.L. |
Việc thay đổi hướng khởi nghiệp nếu như khá dễ dàng với Hải Duy thì lại có phần khó khăn hơn với Tường Linh vì nghề kiến trúc hầu như không liên quan gì tới bánh trái. Tuy nhiên, Linh chia sẻ, niềm đam mê với waffle và những hi vọng vào kế hoạch kinh doanh này đã giúp cậu có động lực để tập trung toàn sức cho hiệu bánh.
Tháng đầu tiên mở hàng đem về doanh thu hơn 100 triệu, lợi nhuận 30%, 2 cậu chủ trẻ cảm thấy phấn chấn. "Không phải vì lời lãi mà vì con số ấy chứng tỏ chúng mình đã có khách hàng, có thị trường", Duy nhớ lại.
Giảm giá không phải để kích cầu
Làm bánh kiểu Anh tại Việt Nam, theo Duy và Linh, không chỉ là bê nguyên công thức bánh và cách ăn của người Anh về Hà Nội mà phải có sự sáng tạo để phù hợp với thị hiếu khách hàng cũng như thị trường nội địa.
Hải Duy đưa ra một số so sánh sự khác biệt giữa các bánh bánh và dùng bánh tại Anh so với Việt Nam: "Bánh waffle ở Anh là món take away (mang đi) và dùng nhanh, thường chỉ có một số vị đơn giản, chế biến nhanh, bán trên các xe hàng nhỏ trên phố và người mua sẽ vừa đi vừa ăn luôn. Tuy nhiên, waffle về Việt Nam thì không vậy".
Không đơn giản là đem món bánh được ưa chuộng ở trời Tây về Hà Nội, hai chàng trai muốn tạo ra những suất bánh waffle được trang trí đẹp mắt, hấp dẫn với hương vị và cách thưởng thức phong phú hơn. Bên cạnh vị vani truyền thống và chocolate ăn kèm với kem tươi trắng ban đầu, hiện nay, cửa hàng còn có thêm nhiều vị bánh khác kết hợp với rất nhiều loại kem tươi, hoa quả, trà nóng dùng kèm, và đặc biệt là thêm món bánh mặn.
Thay vì một xe bánh take away, Tường Linh và Hải Duy đã tạo ra một không gian thưởng thức bánh rộng, đẹp, dành cho những khách hàng thảnh thơi, biết đợi chờ để có một mẻ bánh waffle làm trực tiếp tươi ngon, trang trí cầu kỳ.
Ngoài bánh, cửa hàng này còn là nơi để hai chủ quán và khách hàng chia sẻ các địa chỉ quán xá, ẩm thực ngon ở Hà Nội và một số sở thích cá nhân bổ ích cùng nhiều hoạt động khá thú vị. Ảnh: Diệp Sa. |
Bên cạnh đó, quán cũng có những hoạt động hút khách mang phong cách riêng: giảm giá 20% cho khách hàng tới check-in địa điểm, giảm giá cho đối tượng học sinh, sinh viên, giảm giá cho món mới và đặc biệt là tủ sách sở thích và tấm bản đồ quán xá Hà Nội chia sẻ những địa chỉ ăn ngon được giới trẻ Hà thành ưa chuộng...
60.000 - 70.000 đồng/suất bánh, mức giá khiến nhiều khách trẻ ngần ngại. Song, không có ý định giảm giá sản phẩm, Hải Duy giải thích: "Một suất bánh khá đầy đặn. Bánh chúng mình làm trực tiếp với nguyên liệu ngon, sạch và không để hàng tồn quá nửa ngày, đi kèm với đó là chất lượng phục vụ tương xứng. Do vậy, mình thấy mức giá hiện tại là hợp lý".
Mỗi suất bánh tại quán có giá 60.000 - 70.000 đồng. Ảnh: NVCC. |
Theo kế hoạch phát triển thương hiệu và xây dựng chuỗi cửa hàng bánh tại Hà Nội, "hai chàng waffle" cho biết, sắp tới sẽ mở thêm một cửa hàng waffle take away đúng kiểu Anh trên một phố nhỏ đông đúc ở nội thành.