Chúng tôi liên hệ với Nguyễn Đình Hiếu (SN 1983) khi anh vừa hoàn thành chuyến đạp xe mạo hiểm mở tour xuyên rừng mới cho công ty tại Đồng Nai. Hiếu cho biết, những tour đạp xe địa hình kết hợp tổ chức thi thể thao mạo hiểm và các hoạt động du lịch sinh thái trải nghiệm đang giúp công ty anh hút lượng khách đặt tour ngày càng đông, đặc biệt là khách nội địa.
Nguyễn Đình Hiếu trong chuyến dẫn đoàn đi tour đạp xe xuyên rừng. Ảnh: NVCC. |
Cử nhân chật vật chống đói giữa Sài Gòn
Nguyễn Đình Hiếu chia sẻ, anh là con út trong gia đình nghèo có 4 anh chị em. Nhà Hiếu gốc Bắc, đầu thập niên 80, tìm đường vào Trị An (Đồng Nai) khai hoang, làm kinh tế. Cuộc sống tại vùng "rừng thiêng, nước độc" vô vàn khó khăn, cả nhà thường xuyên phải ăn cơm độn. Những ngày mưa, nhà ngập, dưới sàn và xung quanh nhà rất nhiều bò cạp, rắn rết. Cuộc sống khai hoang vất vả mà không thấy tương lai khiến cha Hiếu vốn là thương binh nặng, trở nên chán nản, nghiện rượu rồi đổi tính hung hãn, thường xuyên đánh đập vợ con.
Hiếu kể, cũng vì nhà nghèo lại sợ những trận đòn của cha, nhiều lần anh phải bỏ học để đi xin ăn, ngủ nhờ tại các nhà dân và chùa ở Biên Hòa (Đồng Nai). Nhưng được mẹ, chị gái động viên, Hiếu vẫn quay trở lại với trường lớp, thi đỗ ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH&NV). Anh chọn khoa Khoa học chính trị với mong muốn sau này xin được vào cơ quan nhà nước để có cuộc sống ổn định, thoát nghèo.
Tốt nghiệp ĐH năm 2007, trở về quê với mức lương hợp đồng nhà nước không đủ sống, Hiếu xin mẹ tát sạch ao cá bán được 800.000 đồng và trở lại Sài Gòn với hy vọng kiếm được việc tốt, lương cao. Số tiền ít ỏi mang theo chỉ vừa đủ giúp anh thuê phòng trọ và mua một thùng mì tôm chống đói trong thời gian tìm việc. Sau nhiều ngày không tìm được việc đúng chuyên môn, anh phải chấp nhận làm những việc chân tay từ phục vụ, bán hàng điện máy, đến buôn bán online nhưng không thành công. "Việc thì vất vả mà lương nhận về chỉ vừa đủ đóng tiền nhà và một nửa tháng tiền ăn, nửa tháng còn lại đói dài, cầm cự chờ tới kỳ lương tiếp", anh chia sẻ.
Vừa làm nghề phục vụ, vừa tiếp tục nộp hồ sơ vào những vị trí tuyển dụng tốt hơn, sau hơn 1 năm, Hiếu trúng tuyển vào một công ty du lịch quốc tế. Anh cho biết, công việc mới không chỉ đem lại thu nhập tốt mà còn tạo môi trường giúp anh học và rèn ngoại ngữ, những kiến thức về du lịch, đem đến những mối quan hệ bạn bè thân thiết trong và ngoài nước.
Sau 2 năm chật vật tại Sài Gòn, chàng cử nhân 8X "chống đói" thành công. Nhờ làm du lịch quốc tế, Hiếu biết đến mô hình du lịch cộng đồng homestay manh nha xuất hiện ở Việt Nam. Năm 2010, anh quyết định trở lại quê nghèo Trị An, vừa để chăm sóc mẹ già yếu, vừa nuôi ý định khởi nghiệp kinh doanh du lịch sinh thái.
"Để khởi nghiệp, vốn chỉ là thứ yếu!"
Trên một diễn đàn khởi nghiệp có gần chục ngàn thành viên tham gia, một cử nhân kinh tế 8X đặt câu hỏi: "Với 100 triệu đồng, tôi có thể làm được gì?". Hiếu bình luận: "Đôi khi vốn chỉ là thứ yếu. Tôi từng bắt đầu với 10 triệu đồng, vẫn thành lập công ty và hiện giờ đang làm tất cả để nuôi sống công ty của mình". Anh chia sẻ thêm, với start up (người khởi nghiệp - PV), câu chuyện vốn luôn là nỗi ám ảnh nhưng anh nghĩ, nếu có một tầm nhìn và mục tiêu đúng, thì vốn chỉ xếp thứ yếu.
Nhờ 2 năm làm du lịch quốc tế, Hiếu nhận ra ở Đồng Nai những tiềm năng du lịch không nơi nào có được. Mang đặc trưng địa lý của phía Nam dãy Trường Sơn, khu vực Đồng Nai có địa hình đồi núi thấp và trung bình, hệ sinh thái đa dạng, phong phú, rừng còn nguyên sơ, người dân hiền lành, chất phác. Đây thực sự là mảnh đất vàng để khai thác loại hình du lịch cộng đồng homestay, du lịch sinh thái trải nghiệm và du lịch thể thao mạo hiểm.
Du lịch sinh thái trải nghiệm ngày càng được khách trong nước lựa chọn. Ảnh: NVCC. |
Tháng 3/2011, anh thành lập công ty du lịch chủ trương hoạt động theo mô hình công ty xã hội – xu hướng kinh doanh mới ngày càng nở rộ tại Việt Nam.
Hiếu chia sẻ, làm du lịch nhưng vốn mở công ty chỉ có 10 triệu đồng. Anh dùng 2 triệu đồng lo thủ tục giấy tờ, 3 triệu đồng để mua sắm vật dụng phục vụ khách du lịch, 5 triệu đồng làm bộ nhận diện thương hiệu bao gồm website, brochure, tên miền… Sau đó, nhờ kết nối thành công cho một tổ chức phi chính phủ triển khai dự án từ thiện tại vùng đất Mã Đà nghèo khó ở Đồng Nai, Hiếu quen thân với các thành viên và sau đó huy động được 100 triệu đồng từ các thành viên này. Anh dùng khoản tiền nói trên để đầu tư thêm trang thiết bị phục vụ du khách.
Công ty của Hiếu hiện chỉ có 5 thành viên cốt cán tuổi đời từ 21 đến 33, hoạt động trên 3 mảng chính: Du lịch cộng đồng homestay, du lịch sinh thái trải nghiệm và du lịch thể thao mạo hiểm. Nhờ tập hợp được đội ngũ đông đảo cộng tác viên là những người trẻ trong và ngoài nước yêu du lịch và người bản địa, công ty Hiếu nhanh chóng xây dựng được các tour độc đáo dành cho du khách tại Đồng Nai. Đồng thời, gắn phát triển công ty với hoạt động xã hội bảo vệ môi trường và từ thiện, đem đến những cơ hội kinh tế tốt cho nông dân, Hiếu được nhân dân và chính quyền địa phương ủng hộ nhiệt tình.
Hiếu và hướng dẫn viên là dân bản địa hỗ trợ du khách vượt sông. Ảnh: NVCC. |
Sau hơn 3 năm hoạt động, công ty du lịch này đã triển khai thành công nhiều tour du lịch sinh thái trải nghiệm và mạo hiểm hút khách như đạp xe, đi bộ xuyên rừng, giáo dục bảo vệ môi trường, ngắm chim, chạy bộ, ở nhà dân, sống đời nông dân ở nhà sàn… Hiếu chia sẻ, do là đơn vị tiên phong khai thác du lịch sinh thái bền vững tại Đồng Nai nên trước khi mở tour mới đều phải có các hoạt động tiền trạm nhằm tìm hiểu địa hình và xây dựng chuỗi dịch vụ sinh thái bền vững phù hợp.
“Có lần, một người em trong đội đạp xe gặp sự cố trong rừng, tôi đang ở Sài Gòn phải hủy mọi hoạt động để về Đồng Nai, xách xe vào rừng tìm em. Đi rừng không quen hoặc không có sự chuẩn bị kỹ thì dù là hướng dẫn viên hay dân bản địa dày dạn kinh nghiệm cũng rất dễ gặp nguy hiểm như gặp bò tót, rắn độc hoặc trượt suối, trượt vực…”
Tùy theo mùa, công ty luôn đắt khách đăng ký tour phù hợp. Không chỉ du khách nước ngoài, cộng đồng người nước ngoài tại Sài Gòn mà ngay cả du khách Việt Nam đều tỏ ra thích thú với các tour du lịch cực nhọc như thử làm nông dân sống trong vài ngày, vào rừng nhặt rác hoặc đạp xe/ đi bộ xuyên rừng… Giá tour tùy theo số lượng ngày và người tham gia nhưng hiện dao động từ 700.000 đến 1,2 triệu đồng/người cho các tour phổ biến 2 ngày 1 đêm.
Chia sẻ về tên công ty liên quan đến chim bói cá, Hiếu cho biết, đây là ý tưởng xuất phát từ gợi ý của một vị chuyên gia điểu học người Ba Lan trong dịp ông này được anh dẫn đi tour tìm hiểu về chim. “Con chim bói cá dễ thương, nhanh nhẹn, chăm chỉ làm biểu tượng cho công ty, vừa hút khách, lại độc đáo. Đồng thời, đây cũng là loài chim đang chịu ảnh hưởng từ biến động tiêu cực của môi trường", anh cho hay. Chim Bói Cá cũng dần trở thành nickname bạn bè trong và ngoài nước dùng để gọi chàng giám đốc 8X giàu nghị lực.
Trước khi kết thúc những chia sẻ với Zing.vn, Hiếu tâm sự, "người khởi nghiệp nghèo, không có vốn hoặc vốn ít thì lấy sức, lấy trí làm vốn". Anh mong muốn sẽ phát triển công ty du lịch của mình như một O’Châu Sapa ở Lào Cai. Câu chuyện cô gái dân tộc Tẩn Thị Su khởi nghiệp thành công khi mới 21 tuổi (năm 2007), thực hiện dự án Sapa O’Châu giúp phát triển du lịch sinh thái bền vững gắn liền với cộng đồng dân sinh tại Lào Cai từ lâu đã tác động mạnh mẽ tới anh. Đây cũng là một trong những động lực để Hiếu vượt lên chính mình, triển khai mô hình tương tự tại Đồng Nai và tin tưởng sẽ thành công.