“2 năm trước, mình đã rời văn phòng đẹp, xa người sếp tốt để ở nhà làm điều mình thích - may da. Mình làm không theo một bài bản, một lý thuyết kinh doanh nào cả, chỉ làm điều mình thích theo cách mà mình muốn”, chị Nguyễn Thu Thủy, 32 tuổi, chuyên làm đồ da handmade tại phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM chia sẻ với khách hàng.
Sản phẩm đồ da handmade làm theo kiểu dáng, màu sắc hợp phong thủy của chị Thủy được nhiều khách hàng nữ yêu thích. Ảnh: NVCC. |
Xa việc nghìn đô để ăn ngủ cùng kim chỉ
Thủy từng giữ vị trí trưởng phòng sản phẩm với mức lương vài nghìn đô tại một công ty chuyên kinh doanh đồ nội thất châu Âu nổi tiếng ở TP.HCM. Làm trưởng phòng marketing trong công ty này 2 năm và 3 năm sau tiếp tục làm trưởng phòng sản phẩm, công việc đòi hỏi chị Thủy phải dành nhiều thời gian xuống xưởng để quay phim, chụp ảnh cận cảnh quá trình làm đồ gỗ và da, cung cấp tư liệu cho khách hàng. Thế nhưng, trước khi khiến khách hàng yêu thích sản phẩm của công ty mình, chính Thủy đã bị công việc thủ công đòi hỏi độ tỉ mỉ, chính xác và óc sáng tạo cao này chinh phục. “Về nhà, mình tập tành làm thử và nghiện chơi da luôn từ đó”, chị chia sẻ.
Những họa tiết sang trọng, lãng mạn trong các đồ nội thất phong cách châu Âu dần ngấm và trở thành niềm say mê. Vì yêu thích nên chị Thủy bắt đầu tìm tòi các phương pháp làm đồ da qua những người thợ trong xưởng ở công ty cũ, qua sách vở, video, các trang web của công ty bán dụng cụ làm da ở nước ngoài… Riêng về kỹ thuật may, chị được mẹ dạy may vá, thêu thùa từ năm lớp 6 nên đây vốn đã là thao tác thành thạo từ nhỏ.
“Người dân các nước phát triển lương họ cao lắm nhưng cứ làm vài việc năm thì họ lại xin nghỉ 1 - 2 năm để đi du lịch, xả hơi và tận hưởng cuộc sống. Mình thấy đó là một ý tưởng thú vị, và sau nhiều cân nhắc, mình cũng quyết định tạm nghỉ việc một thời gian để sống cho đam mê. Mình mê đồ da tới nỗi có thể ngồi cả ngày tỉ mẩn với giấy bút, kim chỉ, dao kéo và da, để làm nên những sản phẩm ưng ý tặng bạn bè”, chị Thủy tâm sự.
Từ những ngày đầu mày mò học cách chọn da, làm túi, sau 2 năm chị Thủy đã có hàng trăm ngàn sản phẩm ưng ý giá bán từ vài trăm tới vài triệu đồng/sản phẩm. Ảnh: NVCC |
Thời gian đầu, chị Thủy chỉ định nghỉ việc để xả hơi trong vài tháng với đồ da. Chị cố gắng tập tành may ví tặng bạn bè, đồng nghiệp cũ, những người mà chị yêu quý. Trong một lần đi chơi chợ trời ở Sài Gòn, chị gặp một số bạn trẻ đứng mua – bán quanh quầy hàng nhỏ một cách rất say mê nên nảy ra ý tưởng mở một quầy bán đồ da tại khu chợ này. Tuy nhiên, điều kiện để có thể đăng ký mở shop ở chợ trời là phải có tài khoản Facebook hoặc một website bán đồ da trên mạng. Vậy là chị mở Facebook bán hàng của riêng mình.
Ý tưởng làm cho vui ban đầu không ngờ đã khiến cô gái 8X có lượng khách hàng đầu tiên đông tới mức “quên luôn cả ý định quay lại nghề cũ”. Những ngày đầu có một mình, chị Thủy thức khuya, dậy sớm làm đồ da cho khách. Làm hết công suất nhưng cũng không đủ hàng trả khách. Sau đó, chị quyết định nhờ thêm em gái và thuê sinh viên phụ việc theo ca.
Làm chơi, lãi thật
Công việc từ niềm đam mê cá nhân đã giúp chị Nguyễn Thu Thủy có thu nhập tới vài trăm triệu mỗi tháng sau 2 năm cố gắng. Sản phẩm đồ da handmade do chị làm giờ không chỉ dừng ở những chiếc ví nhỏ xinh mà từ túi, móc khóa, cặp, ba lô đủ loại hình, có giá từ hàng trăm tới hàng triệu đồng một sản phẩm.
Đồ da handmade của chị làm mê mẩn khách hàng trong và ngoài nước vì màu sắc hợp thời, dễ phối, dựa theo tính cách, hợp phong thủy từng khách. Bên cạnh đó, mỗi sản phẩm chị Thủy làm ra đều mang tính ứng dụng cao. Ví dụ, trước khi bắt tay vào làm túi cho khách, chị thường trao đổi chi tiết với khách về mong muốn của họ trên sản phẩm. Ngay cả việc khách thường mang theo những vật dụng gì trong túi, điện thoại có kích thước thế nào, có cần ngăn để laptop hay ipad không, ngăn đựng son, ví, card… tất cả sẽ được ghi chú kỹ càng và thể hiện đầy đủ trên sản phẩm. Và điều hơn nhất trong các sản phẩm đồ da thủ công này - đó là tính “độc nhất”, không lo "đụng hàng".
Chị Thủy cho biết, để làm ra một chiếc ví nhỏ, chị mất khoảng 4 - 5 tiếng đồng hồ, nhưng để làm ra một chiếc túi có thể mất vài ngày, thậm chí cả tuần. Sản phẩm nào cũng cần thực hiện đầy đủ các bước, từ phỏng vấn khách hàng, thiết kế, chọn chất liệu, thực hiện và hoàn chỉnh. Trong trường hợp khách chưa vừa ý, chị sẵn sàng tháo ra may lại không chỉ 1 mà nhiều lần cho tới khi khách thỏa mãn.
Chị Thủy thường làm đồ da vào ban ngày và dành những buổi tối để thỏa sức thiết kế, sáng tạo. Ảnh: NVCC |
Điều đặc biệt là với mỗi sản phẩm bán ra, chị trích lại 10.000 đồng cho quỹ từ thiện vì trẻ em. Tích tiểu thành đại, 2 năm qua, số tiền này đã hơn 30 triệu đồng. Thủy tin tưởng vào một tương lai lâu dài với công việc chị đang theo đuổi đầy đam mê. “Mình ước sau này sẽ kết hợp được với một trại trẻ mồ côi nào đó, dạy nghề cho các em và cùng các em tạo nên thương hiệu đồ da handmade được khách hàng ủng hộ”.
Khi tạm xa kim chỉ, trong những chuyến du lịch trong và ngoài nước, "cô gái đồ da" còn mang theo sản phẩm mình làm để chụp ảnh cùng ở những nơi cô đặt chân tới. Tham vọng của Thủy là những sản phẩm đồ da handmade của cô sẽ theo chân cô và bạn bè, khách hàng, có mặt tại nhiều địa danh nổi tiếng thế giới. “ Mỗi sáng thức dậy, mình luôn thấy tràn trề nhiệt huyết, may vá, lắng nghe sở thích, nhu cầu dùng túi của khách hàng, tối khuya thì vẽ mẫu. Thương hiệu của mình có thể sẽ không phát triển mạnh mẽ nhưng sẽ lan toả nhẹ nhàng bằng nhiệt huyết, tình cảm mình gửi vào từng sản phẩm”, chị Nguyễn Thu Thủy chia sẻ.