Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giám đốc công ty 3 năm toàn lỗ bán vui tươi và hồn nhiên

Năm 2010, Nguyễn Đinh Nguyên đóng cửa công ty đang làm ăn phát đạt, chuyển hướng kinh doanh từ câu nói của danh họa Picasso: “Tôi phải dành cả đời để vẽ như một đứa trẻ”.

Giám đốc 39 tuổi mặc quần đỏ, tay ôm khư khư túi vải đỏ in hình bức vẽ trẻ con dễ thương, chân vắt chữ ngũ, phong cách nói chuyện hóm hỉnh. Đưa ra tấm danh thiếp được thiết kế theo phong cách trẻ con với nét chữ nguệch ngoạc, Nguyễn Đinh Nguyên, “chủ tịt hội đồng quản chị” công ty Tò He chia sẻ: “Cái này là mình làm bắt chước tụi trẻ con thôi chứ giống được tranh tụi nó thì khó lắm. Picasso còn phải học cả đời để vẽ được như một đứa trẻ huống hồ là Nguyên”.

Giám đốc phấn đấu “sống như trẻ con”

Nguyễn Đình Nguyên là cử nhân ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Năm 27 tuổi, anh thành lập công ty truyền thông chuyên phối hợp với các tổ chức phi chính phủ triển khai các hoạt động từ thiện cho những tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước.

Sau thời gian dài làm sự kiện cho trẻ em, Nguyên thấy ở chương trình nào cũng có hoạt động trẻ vẽ tranh. Anh đặc biệt yêu thích tranh thiếu nhi nhưng thấy tiếc khi chỉ trưng bày trong thời gian ngắn, phần lớn tranh bị cất kho hoặc mang đi tiêu hủy. 

Giám đốc truyền thông Nguyễn Đinh Nguyên đổi hướng kinh doanh để được "sống như trẻ con". Ảnh: NVCC.

Trong chuyến tham quan bảo tàng mỹ thuật lớn tại Tây Ban Nha năm 2006, anh  thấy ở đây rất nhiều họa sĩ vẽ theo phong cách trẻ con. Ngắm một bức vẽ của danh họa Picasso, Nguyên ấn tượng với dòng tâm sự của ông: “Tôi chỉ mất 4 năm để vẽ được như Raphael, nhưng tôi phải dành cả đời để vẽ như một đứa trẻ”. 

Ý tưởng kinh doanh mới bỗng nảy ra trong đầu vị giám đốc truyền thông khi anh nhìn thấy những sản phẩm in hình tranh thiếu nhi tại quầy lưu niệm của bảo tàng này. “Chỉ là những món quà lưu niệm nhỏ in lại nét vẽ học theo trẻ con trong tác phẩm của Picasso nhưng mang tới cho khách tham quan cảm xúc dễ chịu, tươi vui. Tuy nhiên, các sản phẩm có giá rất đắt, một chiếc túi vải nhỏ cũng mấy euro. Tôi chợt nghĩ, tranh trẻ con mình đang bị lãng phí, tại sao không làm những sản phẩm như thế ở Việt Nam?”

Về nước, anh rủ vợ là chị Phạm Thị Ngân và bạn thân Nguyễn Thị Thanh Tú mở công ty mô hình doanh nghiệp xã hội. Công ty chuyên sản xuất và kinh doanh những sản phẩm lifestyle (quần áo, phụ kiện, đồ trang trí, nội thất…) sử dụng tranh do thiếu nhi vẽ là hình in tạo phong cách riêng cho dòng sản phẩm.

Những tác giả nhí có tranh được in trên sản phẩm bán ra thị trường đều được trả thù lao xứng đáng. Ảnh: Nguyễn Loan.

Lấy tên công ty là Tò He, anh Nguyên giải thích, tò he là đồ chơi dân gian làm từ bột nếp và màu thực phẩm ăn được. Qua cái tên này, anh muốn các sản phẩm công ty anh ra đời theo đúng tiêu chí: dễ thương, thân thiện và an toàn 100% với trẻ em.

Năm 2010, anh quyết định thu nhỏ công ty cũ để tập trung cho công việc mới, do “đã tới ngưỡng tôi thấy chán những việc nhạt nhẽo, muốn làm gì đó có ý nghĩa thiết thực, sống như trẻ con và lan tỏa tinh thần ấy”.

Thị trường nội địa, châu Âu, châu Á đón nhận sau “3 năm toàn lỗ”

Nguyễn Đình Nguyên xác định mục tiêu về chất lượng sản phẩm là an toàn tuyệt đối với trẻ. Ngay trong giai đoạn đầu thành lập, anh đầu tư xây dựng quy trình sản xuất khép kín, từ bộ phận sáng tạo, thiết kế, phòng dựng mẫu, xưởng in, xưởng may… Anh mạnh tay thuê 2 nhà thiết kế người Pháp, trả lương cao. Đồng thời, lựa chọn các nguyên liệu sản xuất an toàn như màu vẽ, mực in “ăn được” nhập khẩu từ Hàn Quốc,  vải 100% cotton đặt sản xuất riêng từ nhà máy dệt.

Cách đây gần chục năm, công nghệ in trên vải tại Việt Nam chưa phổ biến. Do vậy, để in được những bức vẽ của trẻ lên nền vải cotton, anh đã đầu tư 30.000 USD đặt mua máy in từ Mỹ. Tự sản xuất vải và chọn nguồn nguyên liệu, máy móc đắt tiền, hệ thống nhân sự cồng kềnh khiến Nguyên nhanh chóng gặp vấn đề về vốn. Anh gọi những năm đầu thành lập doanh nghiệp là giai đoạn đốt vốn. Hai vợ chồng đã phải bán căn hộ và xe ô tô để tiếp tục nuôi công ty.

Các sản phẩm lifestyle in tranh thiếu nhi, mẫu mã đa dạng phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Ảnh: NVCC.
Các bức vẽ của trẻ khuyết tật là nguồn tranh chính để in lên vải may thành sản phẩm. Mỗi bức tranh được ghi đầy đủ thông tin tên tác giả, địa chỉ, đánh mã và lưu lại cẩn thận. Tác giả nhí nào có bức vẽ được lựa chọn sẽ được trả tiền bản quyền.

Tuy nhiên, Nguyên cho biết, anh không có ý định lấy câu chuyện từ thiện làm “chiêu câu khách”. Bởi “tuy các em khuyết tật, thiểu năng nhưng cảm xúc của các em hoàn toàn lành lặn. Những sản phẩm sáng tạo của các em đủ sức cạnh tranh công bằng trên thị trường. Và thực tế, thị trường cũng không quan tâm tới những câu chuyện đằng sau sản phẩm, lý do để khách hàng chọn mua chính là yếu tố chất lượng và tính khác biệt”.

“Nếu chỉ vì lợi nhuận, tôi có thể chọn hướng khác như nhập màu vẽ, mực vẽ, vải vóc rẻ từ Trung Quốc, vừa đỡ mất công, không ngốn nhân sự, không mất tiền làm xưởng in, xưởng may. Nhưng tôi không làm được! Đó là chưa kể bên cạnh vốn đầu tư, chúng tôi còn phải phân bổ ngân sách vào các hoạt động hỗ trợ trẻ khuyết tật, thiệt thòi, dạy trẻ vẽ và đào tạo nghề”, anh chia sẻ.

Năm 2012, công ty lỗ hơn 1,5 tỷ đồng; 2013, lỗ 500 triệu đồng. Tuy nhiên, nhắc tới hiện tại, anh Nguyên cười tươi: “Vợ tôi xót tiền, từng trêu tôi là giám đốc toàn lỗ. Nhưng cứ theo đà này thì năm nay hòa vốn, năm sau lãi rồi nhé”. Ngoài thị trường trong nước với 5 cửa hàng tại Hội An và Hà Nội, sản phẩm của công ty anh đã đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường châu Âu từ 2 năm nay, được khách hàng tại Đức, Úc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong đón nhận.

Sản phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản, được khách hàng yêu thích. Ảnh: Diệp Sa
Sản phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản, được khách hàng yêu thích. Ảnh: NVCC.

Riêng tại thị trường Nhật Bản, anh Nguyên đang gặp khó khăn ban đầu vì tiếp cận sai đối tượng. “Ở Tokyo có một phố chuyên bán đồ thủ công cho trẻ em. Các sản phẩm tiêu thụ tại đây rất mạnh. Nhưng sản phẩm của tôi lại bị khách trẻ con chê mà khách mê lại là người lớn. Ngoài ra, qua tìm hiểu thị trường, tôi biết người Nhật đánh giá rất cao những mặt hàng sáng tạo theo concept (có ý tưởng). Với họ, những sản phẩm như vậy phải được bán với giá tương xứng, tức là gấp 3 - 4 lần giá bán lẻ hiện nay”. Anh và các thành viên trong công ty đang xem xét lại để thay đổi hướng khai thác thị trường tiềm năng này hiệu quả hơn.

Ông Andy Van Meter, đại diện công ty Design Ideas – nhà nhập khẩu và phân phối lớn tại Mỹ cho biết, ông đã “quan sát” công ty của anh Nguyên 3 năm nay nhưng phải tới năm thứ 3, đối tác này mới chính thức đề nghị hợp tác xuất khẩu các sản phẩm sang thị trường Mỹ. Ông thẳng thắn chia sẻ, nếu vì lợi nhuận kinh doanh, Design Ideas có thể đặt sản xuất hàng nhái tại Trung Quốc. Tuy nhiên, câu chuyện kinh doanh và chất lượng sản phẩm của giám đốc Đình Nguyên khiến đối tác này thấy thú vị. “Chúng tôi quan sát các bạn từ khi chỉ là một nhóm làm việc theo hứng. Chờ tới khi các bạn trưởng thành và chuyên nghiệp hơn, chúng tôi gửi đề nghị hợp tác”, trích thư ông Andy gửi Nguyễn Đình Nguyên tháng 9/2014.

Diệp Sa

Bạn có thể quan tâm