Có lẽ với mỗi chúng ta, ai cũng mơ ước có được một mái nhà cho riêng mình. Mái nhà vừa là tài sản vật chất lớn mà có thể phải dành dụm cả đời mới có được, bởi một trong ba việc lớn của đời người như các cụ đã dạy, chính là: tậu trâu - lấy vợ - làm nhà. Mái nhà lại cũng mang giá trị tinh thần, được coi là tổ ấm cho mỗi gia đình, là nơi các thành viên trở về sum họp đoàn tụ sau những ngày làm việc vất vả. Mái nhà là không gian đầm ấm luôn rộng mở để đón con người tìm về, xoa dịu những buồn đau.
Thế nhưng, không phải mấy ai cũng sớm có căn nhà ưng ý của đời mình. Khi còn trẻ, không ít người trong số chúng ta phải đi thuê nhà, trải qua cuộc sống tạm bợ, cơm niêu nước lọ. Rồi đến khi có một không gian riêng của mình, dù là chật hẹp, thì đã đủ lấy làm mừng rỡ, hạnh phúc hơn biết bao người khác.
Thế nhưng, rõ ràng một căn nhà rộng rãi thoải mái vẫn khác biệt hẳn với một căn nhà chật chội, nơi mà mọi sinh hoạt hàng ngày diễn ra gặp phải rất nhiều hạn chế, có ở trong đó mới biết được. Quan trọng là mỗi người đã đối mặt với không gian ấy của mình ra sao và thậm chí, có thể biến nó thành thơ.
Thì đây, trong lịch sử thơ ca Việt Nam thời hiện đại đã có tới 2 bài thơ rất đặc biệt về đề tài căn nhà chật. Đó là bài thơ Nhà chật của nhà thơ Lưu Quang Vũ và bài Viết tặng em trong ngôi nhà chật của nhà thơ Trần Quang Quý.
Cả hai bài thơ đều được ra đời trong những thập niên 80 của thế kỷ trước, khi đời sống của đất nước ta còn vô vàn khó khăn. Cho tới 1986, bước sang thời kỳ Đổi Mới, nhưng vẫn còn phải trải qua mấy năm bị cấm vận. Bài thơ của Lưu Quang Vũ ra đời trước, viết về chính căn phòng nhỏ ở phố Huế, là mái ấm của ông với nữ sĩ Xuân Quỳnh:
Nhà chỉ mấy thước vuông, sách vở xếp cạnh nồi
Nếu nằm mơ, em quờ tay là chạm vào thùng gạo
Ô tường nhỏ treo tranh và phơi áo
Ta chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình
Nhà chật như khoang thuyền hẹp nhỏ giữa sông
Vừa căng buồm để đi, vừa nấu cơm để sống
Phải bỏ hết những gì không cần thiết
Ta chỉ có mấy thước vuông cho hành lý của mình
Khoảng không gian của anh và em
Khi buồn bã em không thể quay mặt đi nơi khác
Anh không giấu em một nghĩ lo nào được
Ta chỉ có mấy thước vuông để cùng khổ cùng vui
Anh ngẩng lên là ở cạnh em rồi
Bạn thuyền ơi, ngoài kia chiều lộng gió
Bên cửa sổ của gian phòng nhỏ
Mắt em xanh thăm thẳm những chân trời.
Chỉ qua vài nét phác ngay trong hai câu thơ đầu tiên, người đọc đã cảm nhận được những khó khăn vất vả, nỗi bức bí vì cả gia đình phải sinh tồn trong một không gian quá chật hẹp. Nhiều độc giả của thời nay đọc những câu thơ này có khi ngỡ ngàng khó tin, có khi cười ra nước mắt: "sách vở xếp cạnh nồi, nằm mơ quờ tay là chạm vào thùng gạo".
Hiện thực thì khó khăn như vậy nhưng tâm hồn con người không bao giờ thiếu đi phần lãng mạn. Những mảng đối lập vì thế cứ song hành với nhau trong những câu thơ: "Ô tường nhỏ treo tranh và phơi áo”, “Vừa căng buồm để đi, vừa nấu cơm để sống". Căn nhà chật được ví như khoang thuyền giữa lòng sông, tuy là nhỏ hẹp đấy nhưng tràn đầy những hứa hẹn, hoài bão ở phía trước.
Nhà thơ nói tiếp với chúng ta những cái "lợi ích" của nhà chật, đó là khi buồn cũng như khi vui, hai vợ chồng không thể giấu giếm nhau điều gì. Suy rộng ra, trong đời sống sinh hoạt thường ngày, nhà chật cũng trở thành "điều kiện tích cực" để nhanh chóng xóa tan mọi hờn giận, để vợ chồng thuận hòa sau những tình huống… "xô bát xô đũa". Vậy là người lạc quan luôn nhìn ra những điều đẹp đẽ, đầy hy vọng ngay cả trong những tình huống xấu nhất.
Khổ thơ cuối bỗng mở rộng không gian của bài thơ đến vô vàn, bắt đầu từ một điểm nhìn qua ô cửa nhỏ: "Bạn thuyền ơi ngoài kia chiều lộng gió”, “Mắt em xanh thăm thẳm những chân trời". Câu thơ cho con người thêm sức mạnh và niềm tin. Gia đình ấy như con thuyền nhỏ sẽ còn căng buồm lướt sóng để ra biển lớn, để thực hiện những ước mơ tươi đẹp. Và cho dù sau này, tai nạn giao thông ngang trái đã cướp đi sinh mệnh của cả gia đình, song Lưu Quang Vũ vẫn kịp để lại cho đời rất nhiều kiệt tác, cũng từ căn phòng nhỏ 6 m2 ấy.
Bài thơ của Trần Quang Quý xuất hiện sau bài thơ của Lưu Quang Vũ một chút, đồng thời cũng được chọn làm tên cho tập thơ đầu tay của ông in năm 1990. Theo nhiều bạn bè của Trần Quang Quý kể lại, căn nhà đầu tiên của vợ chồng nhà thơ Trần Quang Quý ở mạn Đê La Thành, gần Đại học Văn hóa, là nơi nhà thơ Trần Quang Quý đi học Trường Viết văn Nguyễn Du, đúng là một ngôi nhà… chật, một mái nhà cấp 4 trông giống như một túp lều. Và chính ở đây, một bài thơ độc đáo đã ra đời:
Lối về nhỏ căn nhà ta bé nhỏ
Một tiếng guốc khua cũng đủ chật rồi
Em nấu bếp nhìn anh trong mắt ướt
Thế là chiều Hà Nội bớt lang thang…
Gió ơi gió
Chiều nay thôi đừng rủ
Cây ơi cây
Thôi rụng lá im lìm
Cuộc đời thật mỗi ngày reo quanh bếp
Cứ chập chờn ngay cả lúc yêu em…
Đâu những tầng lầu sang, ánh đèn cao áp
Mái nhà con vừa khép đủ chúng mình
Ta bỗng thấy thương hơn từng con nhện
Đi suốt đời một mảnh tơ riêng…
Em vất vả gầy hơn đêm ít ngủ
Lo cho anh chi chút lúc lên đường
Một viên thuốc đến năm ba lần dặn
Ốm đau tan từ một lời thương…
Anh nghèo lắm có gì đâu ngoài sách
Có gì đâu gia tài chẳng ngoài em
Ô cửa hẹp mà trời thăm thẳm quá
Một ngôi sao thả lỏng giữa xa mờ
Anh bất chợt nhìn em bất chợt
Ô cửa này rộng mở anh đi…
Nỗi chật chội trong căn nhà của thơ Trần Quang Quý cũng hiện lên từ góc bếp với ánh mắt ướt của người vợ hiền, sự quan tâm chăm sóc chồng, từng con nhện đương giăng tơ. Khác với Lưu Quang Vũ, Trần Quang Quý không ngần ngại nói thẳng về những vất vả nhọc nhằn của vợ: "Em vất vả gầy hơn đêm ít ngủ / Lo cho anh chi chút lúc lên đường".
Những câu thơ chân thật làm chúng ta cảm động đến rưng rưng: "Ốm đau tan từ một lời thương”, “Anh nghèo lắm có gì đâu ngoài sách". Không cần phải nhiều lời, người đọc cảm nhận ngay được tình yêu vợ tha thiết, sự trân trọng hạnh phúc có thật dù rất đỗi đơn sơ trong từng ngày sống: "Có gì đâu gia tài chẳng ngoài em".
Cũng giống với Lưu Quang Vũ, khép lại bài thơ của Trần Quang Quý cũng là hình ảnh một ô cửa hẹp nhưng hướng đến bầu trời thăm thẳm. Bài thơ của Lưu Quang Vũ kết thúc bằng thời gian nghệ thuật buổi chiều thì bài thơ của Trần Quang Quý kết thúc bằng thời gian nghệ thuật đêm khuya qua hình ảnh "một ngôi sao thả lỏng giữa xa mờ". Ngôi sao ấy phải chăng chính là niềm tin mãnh liệt, là ước mơ không bao giờ lụi tắt.
Sau này, như chúng ta đều biết, nhà thơ Trần Quang Quý đã có nhiều thành tựu văn học được ghi nhận, in dấu tên tuổi mình trong đời sống văn học Việt Nam hiện đại qua nhiều tập tác phẩm được công bố. Ông đã nhận được nhiều giải thưởng văn học, trong đó có giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2017. Trần Quang Quý cũng là người khai sinh ra trường phái Thơ Năm Câu (thơ namkau) qua hai tập thơ xuất bản năm 2016 và 2019, được nhiều người hưởng ứng và phát triển, thành lập cả một câu lạc bộ riêng với số thành viên lên tới hàng trăm người.
Cả hai bài thơ về căn nhà chật của Lưu Quang Vũ và Trần Quang Quý đã ra đời cách đây trên 30 năm nhưng vẫn làm lay động người đọc hôm nay bởi sự chân thực và cảm động, bởi những hình tượng thơ tràn đầy cảm xúc và hơn thế nữa là một tinh thần đẹp đẽ, lạc quan của con người luôn vượt lên hoàn cảnh khó khăn để hướng về tương lai tươi sáng. Nhà thơ Lưu Quang Vũ đã đi xa 34 năm.
Còn nhà thơ Trần Quang Quý vừa từ giã chúng ta đúng vào sáng ngày Tết Trung thu sau mấy năm trời kiên cường chống chọi với bạo bệnh. Bài viết này của tôi vì thế, cũng như nén hương nhỏ tưởng nhớ nhà thơ Trần Quang Quý, một tấm gương về sự miệt mài sáng tạo nghệ thuật cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời.
Mối tình Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ
Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ ở bên nhau cho đến giây phút cuối cùng và cùng tạm biệt thế gian vào một ngày mùa thu cách đây 34 năm. Nhưng tình yêu của họ, thơ ca của họ thì vẫn còn.
Nhà thơ Trần Quang Quý qua đời
Tác giả “Muộn thu”, “Rêu Tháp Rùa”, “Vườn đêm” từ trần hồi 11h ngày 10/9 tại nhà riêng. Ông qua đời ở tuổi 67.
Áp lực không thể làm trụ cột kinh tế khiến đàn ông trầm cảm
Theo quan niệm ở nhiều nước phương Đông, trách nhiệm của người chồng là đảm đương vấn đề tài chính trong gia đình. Nếu để vợ gánh vác chuyện tiền bạc, họ sẽ bị gắn mác bất tài.