Nhà thơ Xuân Quỳnh tên đầy đủ là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, sinh ngày 6/10/1942 tại xã Văn Khê, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây cũ (nay là phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội). Xuất thân trong một gia đình công chức, mẹ mất sớm, bố thường công tác xa, Xuân Quỳnh được bà nội nuôi dạy từ nhỏ đến khi trưởng thành. Từ 1962 đến 1964, Xuân Quỳnh theo học Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ (khóa 1) của Hội Nhà văn Việt Nam.
Nhà thơ Xuân Quỳnh. Ảnh: TL. |
Bà là hội viên Báo Văn nghệ từ năm 1967 và là ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa 3. Bà mất ngày 29/8/1988 trong một vụ tai nạn giao thông tại đầu cầu Phú Lương, tỉnh Hải Dương cùng chồng là nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và con trai Lưu Quỳnh Thơ mới 13 tuổi. Năm 2001, bà được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Năm 2017, Xuân Quỳnh được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Nói về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của Xuân Quỳnh, không thể không nhắc tới người bạn đời của bà là nhà thơ - nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, người đã cùng đồng hành với Xuân Quỳnh từ 1973 cho đến ngày cả hai người từ giã cuộc đời. Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ là hai gương mặt thơ tiêu biểu của nửa cuối thế kỷ 20, họ vừa tiếp thêm sức mạnh cho nhau, là điểm tựa tinh thần của nhau, vừa là nguồn cảm hứng để cùng cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật.
Trước khi đến với nhau vào năm 1973, Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ đều đã trải qua một cuộc hôn nhân đổ vỡ. Xuân Quỳnh hơn Lưu Quang Vũ 6 tuổi, đó cũng là một trong những trở ngại mà họ phải vượt qua để bước vào xây dựng một hạnh phúc mới, một gia đình mới. Hai vợ chồng Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ đã sống với nhau cho đến những ngày cuối cùng trong một căn phòng chật hẹp, chỉ vỏn vẹn 6 m2 ở phố Huế (Hà Nội). Thế nhưng cũng chính từ đây, biết bao tác phẩm xuất sắc của hai nhà thơ đã ra đời, được nhiều độc giả yêu mến và nằm trọn trong trái tim họ suốt mấy chục năm qua.
Có thể nói, cả Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ đã viết rất nhiều bài thơ như để dành riêng cho nhau. Qua mỗi tác phẩm người đọc thấy được tình yêu của họ, thế giới tâm hồn của họ cũng như phong cách nghệ thuật riêng biệt của mỗi tác giả. Một trong những bài thơ đầu tiên mà Xuân Quỳnh viết tặng Lưu Quang Vũ. Đó là bài thơ Trời trở rét năm 1983:
Sao không cài khuy áo lại anh
Trời lạnh đấy, hôm nay trời trở rét
Gió nhiều quá phòng trở nên chật hẹp
Bụi mù ngoài đường phố ít người qua
***
Em từ nhà ra tới ngã tư
Gặp đèn đỏ trước hàng đinh thứ nhất
Chờ sang đường đèn xanh vừa bật
Em lại quay về, thành phố mùa đông
***
Em đi qua hiệu sách ngoại văn
Cô bán sách ngồi sau quầy lặng lẽ
Trong tủ kính sách nằm yên tĩnh thế
Nào ai hay bão táp ở từng trang
***
Đến hay là mặt nước hồ Gươm
Vừa xanh đấy như lòng người dễ hiểu
Trời trở gió, hồ trở nên mềm yếu
Nên đổi thay rồi một sắc ưu tư
***
Chỉ vui là những gánh hàng hoa
Rét nóng mặc thế nào hoa cũng nở
Hoa mỉm cười giễu người qua phố
Đang giấu trong áo ấm niềm lo
***
Em thấy mình cũng thật vẩn vơ
Lại đi thương cây bàng trước cửa
Cây dù nhỏ, gió dù gió dữ
Hết mùa này cây lại lên xanh
***
Sao không cài khuy áo lại anh
Trời lạnh đấy, hôm nay trời trở rét...
(Nguồn: Vân Long, Xuân Quỳnh - thơ và đời, NXB Văn hoá thông tin, 2004).
Vợ chồng nhà thơ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ. Ảnh: TL. |
Đây là một trong những bài thơ điển hình cho phong cách và giọng điệu Xuân Quỳnh, chất nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh. Đó là chất giọng yêu thương nồng nàn, nhẹ nhàng thủ thỉ, thiết tha tình cảm. Là người thiếu vắng tình cảm mẹ cha từ nhỏ, nên Xuân Quỳnh luôn khao khát sự ấm áp của tình cảm gia đình, luôn bày tỏ tình cảm trìu mến với những người mà chị yêu thương.
Đọc thơ Xuân Quỳnh, luôn cảm thấy một dòng cảm xúc mãnh liệt, chân thành, cái nồng nàn trong thơ Xuân Quỳnh rất nhanh chóng lan tỏa và khiến người đọc mủi lòng, cảm động. Tình yêu của Xuân Quỳnh dành cho Lưu Quang Vũ vừa như một người vợ, vừa như một người chị, một người em. Lúc nào cũng khao khát gần nhau, được ở bên nhau. Chúng ta sẽ cùng đọc một bài thơ trong hoàn cảnh khi Xuân Quỳnh là người phải đi xa, một chuyến công tác ở một tỉnh miền Bắc, có lẽ cũng không phải chuyến đi dài ngày, nhưng nỗi nhớ chồng con, nỗi nhớ gia đình ngay lập tức ùa về. Đó là bài thơ Chỉ có sóng và em năm 1983:
Đã xa rồi căn phòng nhỏ của em
Nơi che chở những người thương mến nhất
Con đường nắng, dòng sông trước mặt
Chuyến phà đông. Nỗi nhớ cứ quay về
***
Đêm tháng năm hoa phượng nở bên hè
Trang giấy trắng bộn bề bao ký ức
Ngọn đèn khuya một mình anh thức
Nghe tin đài báo nóng lại thương con
***
Anh yêu ơi, hãy tha lỗi cho em
Nếu đôi lúc giận hờn anh vô cớ
Những bực dọc trong ngày vất vả
Làm anh buồn mà em có vui đâu
***
Chỉ riêng điều được sống cùng nhau
Niềm sung sướng với em là lớn nhất
Trái tim nhỏ nằm trong lồng ngực
Giây phút nào tim đập chẳng vì anh
***
Một trời xanh, một biển tận cùng xanh
Và gió thổi và mây bay về núi
Lời thương nhớ ngàn lần em muốn nói
Nhưng bây giờ chỉ có sóng và em...
(Nguồn: Xuân Quỳnh, Tự hát, NXB Tác phẩm mới, 1984).
Và giống như để đáp lại tình cảm của người bạn đời, người yêu thương mình tha thiết. Nhiều bài thơ của Lưu Quang Vũ đã ra đời Và anh tồn tại là một trong những thi phẩm như vậy.
Lưu Quang Vũ gửi Xuân Quỳnh trong những ngày Xuân Quỳnh đi công tác xa:
"Quỳnh thương yêu,
Em gắng đi về bằng máy bay cho khỏe, không mua gì cũng được. Về với anh và con, về với nhà ta đi thôi. Về với phố Huế chật hẹp, với nhà trẻ nơi ta đón Mí, với quán cà phê Nguyễn Công Trứ, nơi ta uống cà phê 2 hào buổi sáng với những gã giáo viên còm, những người công nhân lam lũ và những tay thợ làm đạo cụ sân khấu, về với những con đường chúng ta vẫn đi, những công việc, với cái thành phố nghèo, nơi người ta sống rất khổ mà vẫn luôn tìm cách để sống cho thanh thản trong nỗi khổ ấy, sống thanh thản và yên tĩnh.
Mùa đông này, về với anh, đi bên anh, nằm bên anh trong căn phòng đầy tranh của chúng ta. Và với Mí tuyệt vời của chúng ta. Và chúng ta sẽ viết chứ, sợ gì em nhỉ?
Nếu chúng ta là kẻ không có tài chí lắm, không viết được điều gì to tát, thì cũng sẽ viết được những trang sách về những năm tháng ta sống, về những cay đắng và những niềm yêu thương đơn giản của con người. Hôn em rất lâu".
Và một trích đoạn bức thư Xuân Quỳnh gửi Lưu Quang Vũ:
"Anh nhớ thương của riêng em,
Suốt từ hôm đi, chưa lúc nào mở mắt ra được. Muốn viết cho anh ngay, viết nhiều, nhưng bận quá và căng thẳng quá. Hôm em đi, trời mưa chỉ kịp nhìn anh xuống xe đạp và khoác cái mảnh ni lông trắng.
Cả đời em, em chỉ muốn cố gắng sao cho anh đỡ nhọc nhằn. Lắm lúc em thấy em không xứng đáng với anh không phải về tình yêu mà về trí tuệ. Em cảm thấy em già rồi, già về thể chất đã đành nhưng lại còn già về sự yên phận của người đàn bà, về những sự nhỏ nhen tầm thường của đời sống. Em nhìn mặt em trong gương, em thấy em không xứng đáng với anh.
Tất cả trong anh là cái gì đó đang vươn lên, đang nổi dậy. Tất cả trong anh là sự bắt đầu mà con đường của anh thì còn xa tít tắp. Con người anh như cây đàn, vừa tiếp nhận những luồng gió của cuộc sống vừa trả lại cho cuộc sống biết bao nhiêu âm thanh".
Từ những trích đoạn trong bức thư của Xuân Quỳnh có thể thấy trong tâm hồn nữ sĩ ở những năm tháng về sau này, có cả những mặc cảm, dự cảm, lo âu. Tâm trạng đó cũng thấy trong bài thơ Không đề của Xuân Quỳnh: Mắt anh nâu một vùng đất phù sa/ Vùng đất của nơi nào trong trí nhớ / Em chiếm đoạt rồi em hoảng sợ / Giữa vô cùng hoang vắng giữa cô đơn / Mấy năm rồi thơ em buồn hơn / Áo em rộng lòng em tan nát…
Lưu Quang Vũ vẫn yêu thương trân trọng Xuân Quỳnh cho đến những ngày tháng cuối cùng hai người bên nhau. Một trong những bài thơ cuối cùng của Lưu Quang Vũ, được viết 5/1988, tức là chỉ 3 tháng trước khi qua đời. Bài thơ ấy có tên: Thư viết cho Quỳnh trên máy bay:
Có phải vì mười lăm năm yêu anh
Trái tim em đã mệt?
Cô gái bướng bỉnh
Cô gái hay cười ngày xưa
Mẹ của các con anh
Một tháng nay nằm viện.
***
Chiếc giường trắng, vách tường cũng trắng
Một mình em với giấc ngủ chập chờn
Thương trái tim nhiều vất vả lo buồn
Trái tim lỡ yêu người trai phiêu bạt
Luôn mắc nợ những chuyến đi, những giấc mơ điên rồ, những ngọn lửa không có thậtVẫn là gã trai nông nổi của em
Người chồng đoảng của em15 mùa hè chói lọi, 15 mùa đông dài
***
Người yêu ơi
Có nhịp tim nào buồn khổ vì anh?
Thôi đừng buồn nữa, đừng lo phiền
Rồi em sẽ khỏe lên
Em phải khoẻ lên
Bởi ta còn rất nhiều dặm đường phải đi
Nhiều việc phải làm nhiều biển xa phải tới
Mùa hè náo động dưới kia
Tiếng ve trong vườn nắng
Và sau đê sông Hồng nước lớn
Đỏ phập phồng như một trái tim đau
Từ nơi xa anh vội về với em
Chiếc máy bay bay dọc sông Hồng
Hà Nội sau những đám mây
Anh dõi tìm: đâu, giữa chấm xanh nào
Có căn phòng bệnh viện nơi em ở?
***
Trái tim anh trong ngực em rồi đó
Hãy giữ gìn cho anh
Đêm hãy mơ những giấc mơ lành
Ngày yên tĩnh như anh luôn ở cạnh
Ta chỉ mới bắt đầu những ngày đẹp nhất
Vở kịch lớn, bài thơ hay nhất
Dành cho em, chưa kịp viết tặng em
Tấm màn nhung đỏ thắm
Mới bắt đầu kéo lên
Những ngọn nến lung linh quanh giá nhạc
Bao nỗi khổ niềm yêu thành tiếng hát
Trái tim hãy vì anh mà khoẻ mạnh
Trái tim của mùa hè, tổ ấm chở che anh...
(Nguồn: Lưu Quang Vũ, Thơ tình, NXB Văn học, 2002)
Đây là bài thơ cuối cùng của Lưu Quang Vũ.
Tình yêu của họ đã được truyền tài trong bài thơ Thuyền và biển mà nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã phổ thơ Xuân Quỳnh từ những năm 80 của thế kỷ trước. Bài thơ được âm nhạc chắp cánh, là một bản tụng ca muôn đời về vẻ đẹp và sự thủy chung son sắt của lứa đôi.
Trong chương trình Đôi bạn văn chương được phát thanh trên kênh VOV6 22h30 thứ tư ngày 5/10/2022, phát lại vào 22h30 thứ tư ngày 12/10/2022, Nguyễn Hoàng Điệp - Tổng đạo diễn chương trình đêm thơ - nhạc - kịch Hoa cúc xanh kỷ niệm 80 năm sinh nhật nữ thi sĩ Xuân Quỳnh sẽ là khách mời để cùng chia sẻ với thính giả tình yêu với thơ tình Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ. Trong chương trình còn có giọng đọc thơ của các nghệ sĩ Băng Thanh Sơn, Cát Lam thể hiện các bài thơ của Xuân Quỳnh.
Cảm nhận của nhà thơ Bình Nguyên Trang về những bài thơ tình mà Xuân Quỳnh đã dành cho Lưu Quang Vũ cùng những ký ức của nhà báo Lưu Quang Định - Tổng biên tập báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt với những kỷ niệm về người anh trai Lưu Quang Vũ và người chị dâu - nhà thơ Xuân Quỳnh cũng sẽ được chia sẻ trong chương trình.
Nhân dịp sinh nhật lần thứ 80 của nhà thơ Xuân Quỳnh, gia đình nhà thơ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ kết hợp với Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt cùng ê-kíp "Se sẽ chứ" tổ chức đêm thơ - nhạc - kịch mang tên Hoa cúc xanh diễn ra vào lúc 20h ngày 5 và 6/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tên gọi Hoa cúc xanh được lấy ý tưởng từ bài thơ cùng tên Hoa cúc xanh của nhà thơ Xuân Quỳnh và vở kịch nổi tiếng Hoa cúc xanh trên đầm lầy của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ.
Gia đình Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ cũng phối hợp với Công ty Sách Nhã Nam và Nhà xuất bản Kim Đồng cho ra mắt 3 cuốn sách: Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn (Xuân Quỳnh - nhật ký chiến trường và những bức thư chưa từng công bố), Hoa cúc xanh thương nhớ và tập thơ tuyển Không bao giờ là cuối (tái bản).