Sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật, 11h ngày 10/9, nhà thơ Trần Quang Quý trút hơi thở cuối cùng.
Nhận tin buồn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - bàng hoàng xót thương. Ông viết lời chia buồn trên trang cá nhân: “Ông ra đi nhẹ nhàng như những câu thơ ông viết cuối đời… Xin vĩnh biệt ông”.
Nhà thơ Trần Quang Quý. Ảnh: Thi viện. |
Trao đổi với Zing, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam không khỏi giấu lòng thương tiếc cho một tài năng sáng trong làng thơ Việt, cho rằng Trần Quang Quý ra đi sớm quá, khi mà sự sáng tạo nghệ thuật của ông đang trên đỉnh cao.
Ông Nguyễn Quang Thiều cho biết những năm cuối đời, Trần Quang Quý sáng tác thơ liên tục. “Mới cách đây 1 tháng, chúng tôi cho xuất bản tập thơ mới của ông”, ông Thiều chia sẻ.
Con người của thơ ca, nghệ thuật
Ông Trần Quang Quý sinh ngày 2/1/1955 tại xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Nguyễn Quang Thiều nhận xét Trần Quang Quý là một nhà thơ dấn thân trọn đời cho sự sáng tạo thơ ca. “Càng bệnh nặng ông càng viết. Thơ ca đã giữ ông ở lại thế gian này lâu hơn chúng ta nghĩ. Và những bài thơ của ông sẽ sống lâu hơn cuộc đời ông”, ông Thiều viết.
Thơ Trần Quang Quý khai thác nhiều về ký ức làng quê Việt Nam với giọng điệu mộc mạc, giản dị, đan cài với những chiêm nghiệm mang tính hiện sinh. Ông đã đoạt nhiều giải thưởng như Giải nhì thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1983-1984, Giải thưởng thơ tuần báo Văn nghệ các năm 1990, 1995, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, Giải nhất thơ 50 năm Bộ đội biên phòng (1959-2009)...
Bàn về thơ Trần Quang Quý, trong bài viết Trần Quang Quý và Đồ thị của những giấc mơ đăng trên báo Văn nghệ số 15/9/2014, nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học - viết: “Trần Quang Quý không muốn lặp lại những nẻo đường người khác từng đi. Anh muốn đưa thơ vươn tới những tầm tư duy mới mẻ của thơ ca hiện đại. Đó là nỗ lực nhìn những cái rất quen bằng đôi mắt lạ, là ý thức soi chiếu đối tượng từ nhiều góc quét khác nhau, cố gắng thiết lập những mô hình kết cấu nghệ thuật phù hợp với những giấc mơ bất chợt, những biểu tượng nghệ thuật đa tầng…
Một khi nhà thơ không tạo được giọng điệu riêng, một khi giọng nói của anh ta lẫn/lạc vào giọng nói của người khác thì toàn bộ nỗ lực của nhà thơ đồng nghĩa với công việc của dã tràng trên cánh đồng chữ mênh mông. Với Giấc mơ hình chiếc thớt, Trần Quang Quý thực là một nhà thơ có giọng. Muốn có giọng, không còn con đường nào khác, thơ họ phải hay. Cái đó thì Trần Quang Quý đã có”.
Với những giai điệu du ca gần gũi tâm tình, những biện pháp nghệ thuật sử dụng khéo léo, duyên dáng, thơ Trần Quang Quý tạo ra một thế giới thơ rất riêng.
Những áng thơ níu giữ sự sống
Theo ông Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Trần Quang Quý là một ví dụ tiêu biểu cho hình tượng người nghệ sĩ dấn thân cho nghệ thuật, thơ ca.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết nhà thơ Trần Quang Quý là một người viết sung sức, lúc nào cũng ngập chìm trong cảm xúc và thơ ca. “Tôi có cảm giác nếu không có thơ ca, ông đã ra đi còn sớm hơn. Thơ ca đã níu ông lại đến ngày hôm nay”, ông Thiều giãi bày.
Trần Quang Quý đã cho xuất bản nhiều tập thơ: Viết tặng em trong ngôi nhà chật (1990), Mắt thẳm (1993), Giấc mơ hình chiếc thớt (2003), Siêu thị mặt (2006), Cánh đồng người (2010), Màu tự do của đất (2010), Namkau (2016), Ga sáng (2016), Nguồn (2019), Chảy trên dòng thời gian (2020), Ướp nhớ (2020)...
Tập thơ Namkau là một thể hiện mới của nhà thơ Trần Quang Quý. Ảnh: Văn hóa nghệ thuật. |
Ngoài thơ ca, ông còn viết kịch bản phim truyện Lời sám hối muộn mằn (1995) và Chị Châu (1996), sáng tác tập truyện ngắn Bờ sông trăng sáng (2010) và viết bút ký Bay lên những giấc mơ (2017).
Quan điểm về nghề cầm bút của Trần Quang Quý được ghi trong sách Nhà văn Việt Nam hiện đại như sau:
"Tác phẩm văn học chỉ có giá trị khi nó ở trong lòng bạn đọc. Con đường văn chương cực gian nan, dễ huyễn hoặc và phụ thuộc vào tài năng, sức lao động… mà nếu không thức ngộ được thì có khi cả cuộc đời chỉ là bản nháp.
Tôi cho rằng, dù làm bất cứ gì, nếu không tận tâm, tận lực với nó thì chỉ có thể thành thợ. Văn chương lại khó khăn hơn nhiều. Nó đòi hỏi sự ký thác máu thịt, một thái độ văn hóa, một sự đồng cảm, cảm thông lớn. Tôi tự bảo, hãy đào sâu và đẩy tới tận cùng nội lực của mình, may ra có được cái gì đấy".