Tập thơ Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi (tựa tập thơ là một câu trong bài cùng tên của nhà văn Nam Hà) do PGS.TS, nhà thơ Lương Minh Cừ tuyển chọn, được Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân xuất bản và phát hành vào cuối năm 2020.
Phát biểu tại lễ ra mắt, nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM bày tỏ do đại dịch Covid-19 kéo dài, nên cho đến nay, nhân kỷ niệm 77 năm ngày Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2022), Hội Nhà văn TP.HCM mới tổ chức buổi gặp gỡ, giao lưu và ra mắt tập thơ.
Đây là dịp các nhà văn, nhà thơ cùng độc giả, đọc lại những bài thơ mà những người lính năm nào không chỉ viết bằng mực, bằng bút mà còn được viết bằng chính máu tim mình, đọc những bài thơ từ máu lửa, từ những người lính được sống và quay về với bao nỗi trăn trở ưu tư, còn là dịp để mỗi người chúng tự nhắc và nhắc nhở nhau: “Chúng mình còn sống hôm nay / Còn bao nhiêu đứa gửi thây rừng già” (Hoàng Đình Quang).
Tuyển tập thơ được xuất bản bằng hai ngôn ngữ. |
“Cũng xin được nói thêm, trong thời gian chống chọi với đại dịch, PGS.TS, nhà thơ Lương Minh Cừ đã dành nhiều công sức và cả tiền bạc, âm thầm kết nối với nhiều dịch giả và một nhà xuất bản nước ngoài, cuối cùng, tập thơ Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi được xuất bản bằng tiếng Anh, góp phần giúp độc giả thế giới hiểu thêm về cuộc chiến tranh giành độc lập tự do của dân tộc Việt Nam, cũng như làm cho bè bạn năm châu phần nào hiểu được cái tình, cái hồn của người lính Cụ Hồ đã sống và chiến đấu ra sao để cho 'Người sống mãi Việt Nam ơi!'”, nhà văn Bích Ngân cho biết.
20 tác giả, dù là vị chỉ huy có hàm tướng tá hay là anh chiến sĩ binh nhì binh nhất nhưng thơ của họ đều chứa đựng máu lửa chiến tranh và đều chan chứa tình. Đạn bom, khốc liệt, mất mát, hy sinh. Tình máu mủ, tình đôi lứa, tình vợ chồng, tình đồng đội, tình quân dân, tình quê hương, tình đất nước…
Theo nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, nhà thơ Lương Minh Cừ thực hiện tuyển thơ Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi như cuộc điểm danh đồng đội từng chiến đấu tại miền Đông Nam bộ.
Nhà thơ Lương Minh Cừ bắt đầu sáng tác khi còn là một cậu học trò ở quê lúa Thái Bình. Vào bộ đội, nhà thơ Lương Minh Cừ chung chiến hào với thế hệ cầm súng và cầm bút chống Mỹ cứu nước trên chiến trường miền Đông Nam bộ. Non sông thống nhất, nhà thơ Lương Minh Cừ rời quân ngũ và theo đuổi con đường tri thức. Có học hàm Phó Giáo sư và có học vị Tiến sĩ, nhà thơ Lương Minh Cừ từng làm Hiệu trưởng Đại học Tài chính Marketing trước khi chuyển sang làm Hiệu trưởng Đại học Cửu Long. Ở tuổi 70, nhà thơ Lương Minh Cừ vẫn đam mê thi ca và thương nhớ đồng đội.
Tuyển thơ Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành, không phải một tập hợp ngẫu nhiên, mà được ông chắt chiu nhiều năm. Nhà thơ Lương Minh Cừ đứng chung với 20 tác giả khác trong cuốn sách như một cuộc hạnh ngộ ân tình của những người làm thơ từng khoác áo lính, từng chia sẻ với nhau buồn vui giữa bom đạn ở chiến trường miền Đông Nam Bộ.
Cũng theo Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, mỗi bài thơ trong 103 bài thơ, dù góc nhìn có khác nhau, kích cỡ tài năng có khác nhau, cách biểu đạt cũng không giống nhau nhưng cảm xúc chân thành, sâu lắng từ đau thương mất mát, từ tin yêu gửi gắm, từ khát vọng độc lập tự do không chỉ là ranh giới cõi bờ, đều có thể góp phần chung sức làm nên những nhịp cầu kết nối, kết nối giữa những trái tim.