Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hai bài phát biểu, một 'hố sâu ngăn cách' Trump - Pence

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và cựu Phó tổng thống Mike Pence hôm 26/7 cùng phát biểu tại thủ đô Washington và thể hiện tầm nhìn khác nhau cho nước Mỹ.

Sau 18 tháng rời Washington kể từ khi không còn là người đứng đầu Nhà Trắng hồi tháng 1/2021, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 26/7 quay trở lại thủ đô nước Mỹ và có bài phát biểu với hàm ý mạnh mẽ rằng ông có thể tái tranh cử tổng thống năm 2024.

Ông Trump cũng lặp lại chỉ trích về cuộc bầu cử năm 2020, vốn bị ông coi là “gian lận”. “Đó là một thảm họa”, ông nói trước đám đông người ủng hộ, theo AP.

Chỉ vài giờ trước đó, tại một địa điểm cách đó chưa đầy một dặm (1,6 km), cựu Phó tổng thống Mike Pence cũng có bài phát biểu trước một nhóm sinh viên bảo thủ, với quan điểm khác biệt.

“Một số người lựa chọn hướng về quá khứ, nhưng các cuộc bầu cử là về tương lai”, ông tuyên bố.

Hai bài phát biểu của ông Trump và ông Pence cho thấy sự chia rẽ trong nội bộ đảng Cộng hòa giữa các đảng viên trung thành với vị cựu tổng thống - những người vẫn không chấp nhận kết quả cuộc bầu cử năm 2020 - và các đảng viên khác - những người tin rằng họ cần hướng về tương lai, như cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11 tới.

Tầm nhìn 2024

Trong các bài phát biểu, cả ông Trump lẫn ông Pence cũng đều đề ra nền tảng chính sách cho cuộc bầu cử năm 2024 - cuộc đua dự kiến có sự tham gia của cả hai ứng viên này.

“Chúng ta có thể phải làm lại điều đó (việc ra tranh cử). Tôi mong muốn đưa ra nhiều chi tiết hơn trong những tuần và tháng tới”, ông Trump nói trước một nhóm cựu quan chức Nhà Trắng và nội các Mỹ, những người đã xây dựng chương trình nghị sự trong kịch bản ông Trump có nhiệm kỳ thứ hai.

cang thang trump - pence anh 1

Ông Trump phát biểu trong sự kiện ngày 26/7 tại Washington. Ảnh: AP.

Sự kiện mà ông Trump phát biểu hôm 26/7 được tổ chức bởi Viện Chính sách “Nước Mỹ trên hết” - tổ chức được coi là “chính quyền đang chờ đợi” khi bao gồm nhiều nhân tố tương lai của Nhà Trắng, nếu ông Trump đắc cử lần hai. Sự kiện này đem lại cảm giác về một buổi đoàn tụ của đội ngũ cũ của ông Trump - ngoại trừ cựu phó tổng thống.

Trong khi đó, ông Pence, người từng là đồng minh trung thành của vị cựu tổng thống, nói về “Chương trình nghị sự tự do” - một tầm nhìn khác cho đảng Cộng hòa.

“Tôi tin rằng những người bảo thủ cần tập trung vào tương lai để giành lại nước Mỹ”, ông nói trong sự kiện của Quỹ nước Mỹ trẻ - một tổ chức sinh viên bảo thủ. “Chúng ta không thể rời mắt vì lối sống của chúng ta đang đối mặt với thách thức mang tính sống còn”.

Giống với ông Pence, ông Trump cũng tuyên bố sự tồn tại của nước Mỹ đang gặp thách thức. Trong bài phát biểu, ông vẽ nên bức tranh tối tăm về một quốc gia đang suy tàn, đối mặt với mối nguy hiện hữu từ tình trạng tội phạm gia tăng.

Ông đề xuất nước Mỹ cần tử hình những người buôn ma túy, gửi người vô gia cư đến các “thành phố lều bạt” ở vùng ngoại ô, cũng như kéo dài bức tường ở biên giới với Mexico.

“Đất nước ta đang rơi xuống địa ngục”, ông nói, theo New York Times. “Đây là một nơi rất không an toàn”.

Từ cộng sự đến đối thủ

Bất chấp ông Trump nổi tiếng với việc chỉ trích các đối thủ, ông Pence và các ứng viên trong đảng Cộng hòa khác đã sẵn sàng đối đầu với ông Trump hơn. Dù vậy, các cuộc thăm dò dư luận vẫn cho thấy ông Trump đang là ứng viên nổi trội trong đảng, trong khi ông Pence bị bỏ xa phía sau.

Ông Trump và ông Pence vốn giữ liên lạc thường xuyên sau khi rời Nhà Trắng qua điện thoại. Dù vậy, họ đã không còn trao đổi như trước trong những tháng gần đây, theo cố vấn của các chính trị gia.

cang thang trump - pence anh 2

Ông Pence phát biểu trong sự kiện ngày 26/7 tại Washington, chỉ trước ông Trump vài giờ. Ảnh: AP.

New York Times nhận định một nguyên nhân gây căng thẳng trong quan hệ giữa họ là cuốn hồi ký của ông Mike Pence - tác phẩm giúp vị cựu phó tổng thống nhận được hợp đồng hàng triệu USD. Trong khi đó, các nhà xuất bản lớn tại Mỹ thờ ơ với hồi ký của ông Trump do mối lo về các rủi ro.

Trong chiến dịch bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022, ông Trump và ông Pence cũng ủng hộ các ứng viên khác nhau - như ở cuộc bầu cử sơ bộ thống đốc tại bang Arizona hay Georgia. Tại Georgia, đương kim Thống đốc Brian Kemp - ứng viên được ông Pence ủng hộ - đã dễ dàng đánh bại ứng viên David Perdue được ông Trump lựa chọn.

Tuy bị nhiều đảng viên Cộng hòa chỉ trích do từ chối đảo ngược kết quả bầu cử năm 2020, ông Pence vẫn có được đội ngũ ủng hộ của riêng mình. Cựu Cố vấn Nhà Trắng Pat Cipollone từng nói với ủy ban điều tra của Hạ viện Mỹ rằng ông Pence xứng đáng được tặng thưởng Huy chương tự do vì các hành động trong ngày 6/1/2021.

Trong bài phát biểu hôm 26/7, ông Pence liên tục nhắc đến cụm từ “chính quyền Trump - Pence”. Tuy nhiên, câu hỏi đầu tiên mà ông nhận được lại là về sự chia rẽ giữa hai chính trị gia này.

“Tôi không nghĩ rằng phong trào của chúng ta bị chia rẽ”, ông Pence trả lời. “Tôi không cho rằng giữa tổng thống và tôi có khác biệt về các vấn đề, nhưng chúng tôi có thể khác nhau về ưu tiên”.

Cái khó chung của ông Trump và ông Biden

Về chính sách đối ngoại, ông Biden có cách tiếp cận nhất quán đáng ngạc nhiên so với người tiền nhiệm. Cả hai dường như cũng vấp phải cùng một sự bế tắc.

Trở lại Washington, ông Trump để lộ ý định tái tranh cử

Ông Donald Trump hôm 26/7 đã trở lại Washington lần đầu từ khi rời Nhà Trắng 18 tháng trước, có bài phát biểu với gợi ý mạnh mẽ rằng ông có thể tái tranh cử tổng thống năm 2024.

Việt Hà

Theo AP, New York Times

Bạn có thể quan tâm