Chiều 18/7, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết đã làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về phương án đảm bảo hàng hóa thiết yếu sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19.
"Theo đó, nguồn thực phẩm thiết yếu dự trữ để phục vụ người dân tăng từ 30-50%. Đồng thời để lưu thông hàng hóa doanh nghiệp đã bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển đến các điểm bán xuyên đêm", đại diện Sở Công Thương thông tin.
Ngoài ra, các doanh nghiệp tại Hà Nội sẽ sẵn sàng mở thêm giờ, cam kết đủ lượng hàng phục vụ ngay cả khi nhu cầu tiêu dùng tăng.
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết hiện nay doanh nghiệp đã dự trữ hàng hóa theo phương án 5 của Sở trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường.
"Tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng (15 mặt hàng thiết yếu) và lượng hàng hóa dự trữ cho chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỷ đồng", vị đại diện này cho biết.
Người dân Hà Nội đi mua sắm ngày 18/7. Ảnh: Văn Hưng. |
Để đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân, Sở Công Thương TP cũng đã đề nghị các hệ thống phân phối cần chủ động hơn nữa nắm sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn có phương án chi tiết thu mua hàng hóa.
Đồng thời đảm bảo nguồn cung điều phối hàng hóa từ các kho hàng, kho từ các tỉnh đến kho trong địa bàn TP, kho của thành phố đến các điểm bán hàng.
"Đặc biệt, quan tâm bố trí nhân lực sắp xếp hàng hóa trên các giá kệ phục vụ nhu cầu nhân dân không được thiếu hàng cục bộ, kiểm soát chất lượng hàng hóa, đảm bảo an toàn thực phẩm", lãnh đạo Sở Công Thương nói.
Đồng thời Sở Công Thương chủ động phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Sở Y tế hướng dẫn hỗ trợ cho các doanh nghiệp khi tham gia vận chuyển hàng hóa đảm bảo lưu thông thuận tiện nhất, giảm chi phí logistic. Phối hợp với Cục Quản lý thị trường kiểm tra kiểm soát hàng hóa không để xảy ra hiện tượng đầu cơ gom hàng, tăng giá...
Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hóa bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa... phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn.
"Để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, thành phố đã bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện để làm kho dự trữ hàng hóa, các điểm bán lưu động khi cần thiết", lãnh đạo Sở Công Thương thông tin.
Mặc dù phải đối mặt với khó khăn về nhân lực, vận chuyển qua các tỉnh, một số mặt hàng thiết yếu đang phải cung ứng cho các tỉnh phía Nam nhưng bất kỳ tình huống nào hàng hóa cũng đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu nhân dân kể cả khi mua sắm tăng cao.
Cảnh vắng vẻ ở siêu thị MegaMarket Hà Đông vào tối 18/7, trong khi lượng hàng hóa dồi dào. Ảnh: Văn Hưng. |
"Cam kết không để xảy ra thiếu hàng, phân bổ lượng hàng hóa đầy đủ, đổi mới nhiều phương thức phục vụ, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng online...", đại diện Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh.
Sở Công Thương khuyến cáo người dân yên tâm không dự trữ hàng hóa, hạn chế tập trung đông người đến các hệ thống phân phối tránh lây nhiễm dịch bệnh. Thành phố đảm bảo đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.
Trước đó, ngày 18/7, sau công điện số 15/CĐ-CTUBN về tăng cường thêm các biện pháp phòng dịch Covid-19 tại Hà Nội, nhiều người dân đã đi mua sắm, tích trữ hàng hóa.Tại một số siêu thị lớn ở Hà Nội như BigC, Vinmart, MegaMarket, Co.opMart... lượng người mua sắm có tăng lên, nhưng không quá đột biến, các quầy hàng vẫn dồi dào.