Từ chiều tối 18/7, lượng mua sắm tại các siêu thị Hà Nội tăng đột biến sau khi chính quyền ban hành quy định mới phòng dịch từ 0h ngày 19/7. Trong khi đó, Sở Công Thương Hà Nội cam kết cung ứng đủ hàng hóa và khuyến cáo người dân không nên mua hàng tích trữ.
Chị Ninh Toàn (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết gia đình đã chuẩn bị mua sắm thực phẩm, đồ thiết yếu ngay chiều 18/7 sau khi chính quyền áp dụng biện pháp mới. Siêu thị ở tầng đế chung cư nhà chị (trên đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) rơi vào cảnh cháy hàng.
Tương tự, nhiều người Hà Nội chia sẻ tình trạng cháy hàng trên kệ các siêu thị vào tối 18/7 trên mạng xã hội và kêu gọi cùng nhau không tích trữ hàng hóa.
Một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở Hà Nội cháy hàng. Ảnh: ĐT - NT. |
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Zing, tại một số siêu thị lớn như BigC, Vinmart, MegaMarket, Co.opMart... lượng hàng hóa khá dồi dào. Tại siêu thị BigC Hà Đông, lượng người mua sắm có tăng lên, nhưng không quá đột biến, các quầy hàng vẫn dồi dào.
Chị Kim Hải (46 tuổi, quận Hà Đông) cho biết sau khi nghe tin Hà Nội yêu cầu người dân chỉ ra ngoài khi cần thiết từ 0h ngày 19/7, chị liền xuống siêu thị Co.opmart dưới nhà mua một số đồ tích trữ. Tuy nhiên, chị bất ngờ khi thấy khách ra vào không đông, đồng thời lượng hàng hoá nhiều.
"Ban đầu tôi định mua thùng mỳ tôm, mấy gói bánh gạo, trứng và càng nhiều rau củ quả càng tốt. Sau thấy hàng hoa tại siêu thị còn rất nhiều nên không cảm thấy lo lắng nữa, chỉ lấy 2 bó rau muống", chị Hải nói.
Đại diện Masan cho biết sau khi Hà Nội có công điện tăng cường thêm các biện pháp phòng dịch Covid-19, hệ thống VinMart/VinMart+ tại Hà Nội ghi nhận số lượng người mua sắm tăng cao. Nhóm hàng nhu yếu phẩm, hàng tươi sống, rau và trái cây... được khách hàng lựa chọn nhiều, dẫn đến tình trạng trống kệ cục bộ các mặt hàng này tại một số điểm bán.
Doanh nghiệp này cho biết đã làm việc với các nhà cung cấp lớn, tăng lượng dự trữ hàng hóa lên gấp 3 lần nhằm đảm bảo bảo hàng hóa đầy đủ trên quầy kệ tại tất cả các điểm bán.
"Người tiêu dùng cũng nên bình tĩnh, tin tưởng vào năng lực sản xuất, cung ứng hàng hóa nội địa. Việc đổ xô mua sắm, tích trữ hàng hóa lúc này là không cần thiết, tập trung đông người sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh", ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc Vận hành VinMart miền Bắc, nói.
Trong khi đó, tại siêu thị Co.opMart Hà Đông, lượng người mua sắm có tăng nhưng hàng hóa trên kệ vẫn dồi dào. Đặc biệt, lượng rau củ quả, đồ tươi sống vẫn khá nhiều.
Siêu thị BigC Hà Đông lượng hàng hóa vẫn dồi dào. Ảnh: Văn Hưng. |
Lượng khách ra vào siêu thị MM Mega Market Hà Đông thời điểm 21h45 vắng vẻ. Nhân viên bán hàng khẳng định hàng hoá tại siêu thị dồi dào, kể cả các loại rau xanh. Thực tế, siêu thị này cũng chỉ cần dùng đến 5/20 quầy thu ngân để tính tiền cho khách. Mỗi hàng chờ không quá 3 người, thời gian thanh toán mất khoảng 5 phút.
Chiều 18/7, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết đã làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về phương án đảm bảo hàng hóa thiết yếu sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19.
Theo đó, các doanh nghiệp cho biết nguồn thực phẩm thiết yếu dự trữ để phục vụ người dân tăng từ 30-50%. Đồng thời để lưu thông hàng hóa doanh nghiệp đã bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển đến các điểm bán xuyên đêm.
Doanh nghiệp sẵn sàng mở thêm giờ, cam kết đủ lượng hàng phục vụ ngay cả khi nhu cầu tiêu dùng tăng.
Lượng hàng hóa khá dồi dào tại siêu thị Co.opMart Hà Đông. Ảnh: Văn Hưng. |
"Để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, thành phố đã bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện để làm kho dự trữ hàng hóa, các điểm bán lưu động khi cần thiết", lãnh đạo Sở Công Thương thông tin.
Đồng thời, Sở Công Thương Hà Nội cam kết không để xảy ra thiếu hàng, phân bổ lượng hàng hóa đầy đủ. Cơ quan này cũng khuyến cáo người dân yên tâm không dự trữ hàng hóa, hạn chế tập trung đông người đến các hệ thống phân phối tránh lây nhiễm dịch bệnh.