Trao đổi với Zing bên lề kỳ họp HĐND Hà Nội sáng 10/12, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà đã thông tin cụ thể về sự thay đổi về tư duy, chiến lược phòng, chống dịch bệnh của Hà Nội trong thời gian tới khi thành phố chuyển từ "zero Covid" sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong.
Theo lãnh đạo Sở Y tế, quan điểm của thành phố hiện giờ là thích ứng an toàn, sống chung và chấp nhận số ca mắc Covid-19 tăng cao trong cộng đồng. Dẫn số liệu ca mắc trong những ngày gần đây, bà Hà cho biết số mắc có thể chạm ngưỡng 1.000 ca/ngày, tuy nhiên, đến 90% là số ca nhẹ và không triệu chứng.
Vì vậy, mấu chốt chống dịch trong thời điểm này theo bà Hà là bình tĩnh, thận trọng và khoa học. Để đảm bảo an toàn cho người bệnh và hướng tới mục tiêu kiểm soát số ca tử vong, ngành y tế và toàn bộ 30 quận, huyện phải quán triệt nguyên tắc phân tầng, phân luồng, phân tuyến F0 một cách chính xác.
Giám đốc Sở y tế Trần Thị Nhị Hà. Ảnh: Đ.H. |
Bệnh nhân tầng 1 thì chỉ điều trị tại nhà hoặc tuyến y tế cơ sở. Bệnh nhân trung bình và nặng sẽ điều trị ở bệnh viện tuyến trên. "Nếu phân tầng không đúng, bệnh nhân nhẹ cũng lên viện tuyến trên sẽ gây quá tải hệ thống, việc điều phối xe cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân sẽ rất phức tạp", bà Hà nói.
Với số lượng bệnh nhân gia tăng lớn mỗi ngày, Giám đốc Sở Y tế cho biết mục tiêu ngăn chặn lây nhiễm sẽ rất khó. Vì thế cần chuyển sang giảm tỷ lệ chuyển tầng và giảm tỷ lệ tử vong.
"Với Hà Nội hiện giờ tỷ lệ tử vong là 0,34% là rất thấp. Song, chúng tôi tuyệt đối không chủ quan bởi số bệnh nhân tăng cao thì đương nhiên số bệnh nặng cũng tăng theo", lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đánh giá.
Về nhiệm vụ cụ thể, ngành y tế đã ban hành phác đồ điều trị, theo dõi cụ thể cho từng tình trạng của người nhiễm, đặc biệt là người có dấu hiệu chuyển tầng.
"Ngành y tế sẽ tập trung vào đối tượng nhiễm là người già, trẻ em, phụ nữ có thai, người nhiều bệnh nền và phải có chiến lược bảo vệ cho nhóm đối tượng này để giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong", bà Hà cho hay.
Nhóm này cũng sẽ được ưu tiên tiêm vaccine sớm. Thậm chí đối với người có nguy cơ cao như người già nhiều bệnh nền thì thành phố lên kế hoạch để họ được tiêm mũi 3 sớm. Ngành y tế khuyến cáo người trong nhóm dễ tổn thương đặc biệt hạn chế tiếp xúc, đến nơi đông người và thực hiện nghiêm túc 5K.
Ngoài ra, khi mắc bệnh, đây cũng là nhóm được ưu tiên sử dụng thuốc kháng virus sớm, đảm bảo điều kiện an toàn, hạn chế triệu chứng, nguy cơ chuyển tầng.
Tại phiên chất vấn trước HĐND Hà Nội, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết thành phố đã chuyển đổi tư duy, biện pháp thực hiện từ quản lý không Covid-19 (zero Covid-19) sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong. TP chủ động theo dõi sát tình hình dịch bệnh Covid-19, nhất là biến thể do chủng mới Omicron gây ra, sẵn sàng các phương án, kịch bản theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Khi được hỏi về lộ trình tiêm mũi 3 vaccine ngừa Covid-19, bà Trần Thị Nhị Hà cho biết thành phố đã có kế hoạch, chủ trương đối với vấn đề này. Song, UBND thành phố vẫn cần chỉ đạo sớm từ Bộ Y tế cũng như lộ trình phân bổ vaccine, kế hoạch tiêm mũi 3 trên cả nước; khoảng cách quy định mũi 2 và mũi 3.
"Sau khi có ý kiến từ Bộ Y tế, UBND thành phố sẽ sớm triển khai việc tiêm phủ mũi 3, trước mắt là tập trung cho nhóm đối tượng ưu tiên", bà Hà nói.