Sáng 9/12, HĐND Hà Nội bước sang ngày làm việc thứ 3. Đại biểu dành cả ngày để chất vấn lãnh đạo UBND Hà Nội và các sở, ngành về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong năm qua, định hướng của thành phố trong giai đoạn tới.
Hà Nội kiến nghị dừng đường bay từ nước có biến chủng Omicron
Nêu số liệu ca mắc 3 con số mỗi ngày kể từ khi thực hiện Nghị quyết 128, đại biểu Nguyễn Thanh Bình (quận Tây Hồ) đề nghị lãnh đạo Sở Y tế nêu kịch bản dự báo dịch ở thủ đô trong thời gian tới, đặc biệt là sự nguy hiểm của biến chủng mới Omicron thế nào. Bên cạnh đó là giải pháp chống dịch thích ứng thế nào, điều trị F0 cách ly F1 tại nhà ra sao để tránh gây quá tải.
Đại biểu Nguyễn Thanh Bình. Ảnh: Sơn Hà. |
Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà thừa nhận tình hình dịch bệnh hiện nay rất phức tạp, ngay trong sáng 9/12, thành phố đã ghi nhận hơn 170 ca dương tính SARS-CoV-2. Bà dự báo số ca mắc tiếp tục tăng cao thời gian tới ở tất cả quận, huyện.
“Thành phố có khả năng xuất hiện biến chủng Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn so với Beta và Delta. Tỷ lệ người dân tiêm vaccine rất cao, đủ 2 liều là 95%. Nên dù ca mắc tăng cao, chủ yếu là ca nhẹ và không triệu chứng”, bà Hà nói.
Về nguy cơ, bà Hà cho biết Hà Nội có đặc điểm dân cư đông, di biến động phức tạp; dịch bệnh đã lây lan sâu trong cộng đồng, cùng với đó là nguồn bệnh có thể xâm nhập từ địa phương khác và cả tỉnh, thành lân cận sẽ là yếu tố khiến dịch bệnh lây lan.
Về biến chủng Omicron, lãnh đạo Sở Y tế cho biết chưa có dữ liệu chứng minh có khả năng gây bệnh nặng hơn và vaccine vẫn có khả năng bảo vệ trước biến chủng này. Ngành y tế đã chỉ đạo tăng cường tập huấn cung cấp thông tin cho cán bộ, nhân viên và người dân. Sở cũng phối hợp Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để giải trình tự gene đối với trường hợp nghi ngờ, cũng như đối với người nhập cảnh từ các khu vực đã phát hiện biến chủng mới.
“Chúng tôi kiến nghị dừng các chuyến bay từ các nước có biến chủng Omicron”, bà Hà nói.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà. Ảnh: Sơn Hà. |
Về giải pháp thời gian tới, bà Hà nói sẽ đánh giá cấp độ dịch ở xã, phường mỗi lần một tuần để áp dụng phù hợp các biện pháp hành chính, điều chỉnh phòng chống dịch Covid-19. Thành phố yêu cầu địa phương kiên định việc điều tra, truy vết, cách ly trong phạm vi hẹp nhất; nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở để chăm sóc người dân từ sớm từ xa.
Bên cạnh đó, thành phố cũng đẩy mạnh việc tiêm vaccine cho người dân, nhất là người tiêm chưa đủ 2 mũi, trẻ em và chuẩn bị tiêm mũi 3 cho đối tượng ưu tiên; đáp ứng các tiêu chí an toàn cho cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế.
Lực lượng y tế cơ sở là tuyến đầu của tuyến đầu
Đại biểu Nguyễn Thanh Nam đặt câu hỏi tới Giám đốc Sở Y tế về nội dung tham mưu cho lãnh đạo thành phố về giải pháp nâng cao năng lực của y tế cơ sở trong thời gian tới.
Trả lời, bà Trần Thị Nhị Hà đánh giá hệ thống y tế cơ sở trở thành trụ cột, nòng cốt, vừa điều tra truy vết vừa khoanh vùng, dập dịch, tiêm chủng, xét nghiệm. Theo chủ trương mới của thành phố thì hệ thống y tế cơ sở còn thực hiện một nhiệm vụ quan trọng nữa là quản lý theo dõi người nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà và trạm y tế lưu động.
“Thời gian qua có thể nói lực lượng y tế cơ sở là tuyến đầu của tuyến đầu. Các anh, chị đã không ngừng nghỉ trong 2 năm qua để chiến đấu với dịch bệnh”, bà Hà nói.
Về nhân lực, một trạm chỉ có 5-10 nhân viên kể cả những xã, phường có tỷ lệ dân số rất cao tới 30.000 người như ở quận Hoàng Mai, Đống Đa. Thực trạng đó dẫn tới quá tải. Trong khi đó, chất lượng nhân lực y tế cơ sở còn chưa cao, trang thiết bị còn thiếu...
Bà Hà cho rằng ngành y tế cần có chính sách quyết liệt, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đãi ngộ với lực lượng y tế cơ sở; đồng thời, cần liên tục nâng cao năng lực, tập huấn, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý người bệnh, khám chữa bệnh từ xa. Đến nay, Sở Y tế đã tham mưu cho thành phố về việc thành lập trường Đại học Y khoa để chủ động đào tạo nguồn nhân lực. Sở Y tế cũng trình thành phố về kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 với khoảng 1.000 tỷ dành cho đầu tư trạm y tế cơ sở và thu hút mô hình xã hội hóa.
Sở Y tế Hà Nội cũng đã kiến nghị Bộ Y tế và Bộ Tài Chính ban hành quy định về giá dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà, gói dịch vụ y tế cơ bản… để có thể tăng thu nhập cho tuyến y tế cơ sở.
Sẵn sàng cho kịch bản có 100.000 ca mắc Covid-19
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Quang Thắng, bà Trần Thị Nhị Hà cho biết Sở Y tế đã có phương án đáp ứng khi có 100.000 ca bệnh trên địa bàn, đảm bảo 1.000 giường hồi sức cấp cứu và huy động thêm của các bệnh viện, bộ ngành Trung ương thêm 1.000 giường nữa. Như vậy, thành phố có 2.000 giường hồi sức cấp cứu, đảm bảo đầy đủ phương tiện cấp cứu và oxy hỗ trợ bệnh nhân.
Về năng lực vận chuyển xe cứu thương, bà Hà cho biết Sở Y tế đã giao cho Trung tâm 115 điều phối trên phần mềm để điều phối xe cứu thương trên địa bàn. Sở Y tế phối hợp với Sở GTVT tổ chức mô hình doanh nghiệp vận tải để vận chuyển F0, F1; chuẩn bị 1.200 xe hành khách để có thể hoán cải thành xe vận chuyển người bệnh.
“Với việc phân luồng, phân tuyến thì việc điều trị tại nhà hay cơ sở cũng giảm tải cho hệ thống vận chuyển cấp cứu. Trên địa bàn có trung tâm y tế và bệnh viện đã có xe cứu thương nên có thể vận chuyển người bệnh ngay tại địa bàn. Hiện, 92% người bệnh được điều trị tại tuyến cơ sở hoặc tại nhà”, bà Hà cho biết.
Đề cập đến năng lực xét nghiệm, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thừa nhận vừa qua có tình trạng chậm trả mẫu. Vì thế, ngành y tế đã có giải pháp kịp thời như phối hợp test nhanh, kháng nguyên để rút ngắn thời gian trả kết quả; ứng dụng phần mềm lấy mẫu và trả kết quả trên nền tảng công nghệ; bố trí phương tiện vận chuyển mẫu tới các phòng xét nghiệm theo phân luồng để tránh tồn đọng…
Bà Hà cũng cho biết thành phố bố trí thêm 12 máy xét nghiệm cho bệnh viện tuyến huyện để nâng cao năng suất và phân luồng xét nghiệm trên địa bàn. Trong trường hợp cần thiết, ngành y tế có thể huy động nhân lực, vật lực từ bệnh viện tư nhân, bệnh viện Trung ương hay bộ ngành đóng trên địa bàn. Sở cũng tham mưu với TP ban hành giá dịch vụ đặt hàng xét nghiệm nếu có thể huy động hệ thống xét nghiệm công lập hoặc ngoài công lập.
Không gây áp lực khi học trực tuyến cho học sinh và phụ huynh
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Minh Đức (quận Hoàng Mai) về bất cập của dạy và học trực tuyến, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương cho biết thành phố có số lượng học sinh rất lớn lên đến 2,2 triệu. Sở đã tham mưu dạy học trực tiếp cho huyện Ba Vì, sau đó xin phép thành phố cho phép học sinh một số địa phương vùng xanh khác đi học.
Ông Cương nhận xét hoạt động học trực tiếp được giám sát chặt chẽ, an toàn, số lượng học sinh được tiêm vaccine rất cao. Qua những kết quả đạt được, Sở đã trình phương án cho học sinh THPT toàn thành phố đi học trực tiếp kết hợp trực tuyến đảm bảo thích ứng linh hoạt với tình hình thực tế.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương. Ảnh: Sơn Hà. |
Về giải pháp, ông Cương cho biết Sở thực hiện tinh giản nội dung chương trình, chú trọng đến các nội dung cốt lõi trong dạy học trực tiếp. Sở cũng tập trung ôn tập, củng cố kiến thức cho các em; sử dụng hiệu quả thời gian học sinh đến trường để đáp ứng cơ bản nội dung chương trình của từng môn học, tránh gây quá tải, áp lực đến học sinh và phụ huynh.
Ngoài ra, thành phố hỗ trợ quận, huyện trao thiết bị học tập trực tuyến cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, thành phố đã hỗ trợ cho 10.000 học sinh. Sở Thông tin Truyền thông hỗ trợ lắp đặt thêm trạm phát sóng để phục vụ việc học trực tuyến cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa. Sở Giáo dục tăng cường tập huấn kỹ năng dạy học trực tuyến đối với cán bộ giáo viên trên địa bàn.
Qua quá trình khảo sát, Sở thấy rằng công tác y tế trong trường học rất quan trọng. Vì thế, ông Trần Thế Cương đề xuất cho phép ngành GD&ĐT phối hợp với Sở Nội vụ tiếp tục tuyển dụng nhân viên y tế trường học, nếu không thì được ký hợp đồng với các nhân viên y tế có trình độ chuyên môn. Tăng cường phối hợp giữa cơ sở giáo dục các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã.
Huy động 17.000 cán bộ y tế nghỉ hưu và ngoài công lập tham gia chống dịch
Trả lời câu hỏi của đại biểu Hoàng Tú Anh về vấn đề an sinh, đặc biệt với giáo viên mầm non trường ngoài công lập , Phó chủ tịch UBND Hà Nội Chử Xuân Dũng khẳng định thành phố luôn kiên định phòng, chống dịch với an sinh xã hội; triển khai nhiều giải pháp, chính sách đặc thù với các đối tượng, trong đó có giáo viên mầm non, giáo viên trường ngoài công lập. Thành phố cũng ban hành quyết định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động khó khăn do dịch bệnh.
Riêng việc hỗ trợ với người lao động trong cơ sở giáo dục dân lập, tư thục với các cấp cũng được hưởng mức hỗ trợ theo nghị quyết của thành phố với hai mức. Nếu tạm hoãn 15 ngày thì hưởng mức hỗ trợ hơn 1,8 triệu đồng/người. Nếu tạm hoãn 30 ngày thì hỗ trợ hơn 3,7 triệu đồng/người.
“Với chính sách này, toàn thành phố đã hỗ trợ cho hơn 9.535 người với tổng kinh phí chi trả gần 25,7 tỷ đồng”, ông Dũng thông tin.
Bên cạnh đó, Thường trực HĐND ban hành một số chính sách đặc thù hỗ trợ người bị ảnh hưởng do dịch. Ví dụ với giáo viên không thuộc quy định của Trung ương là 1.500.000/người, người mang thai và nuôi con nhỏ được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người. Theo ông Dũng, đã có 15.653 người được hỗ trợ với tổng số kinh phí hơn 25,43 tỷ đồng. Thời gian tới, thành phố đề xuất tiếp tục thực hiện các chính sách an sinh theo nghị quyết của Chính phủ, HĐND, giảm thủ tục để người lao động, người khó khăn kịp thời được nhận hỗ trợ.
Phó chủ tịch UBND Hà Nội Chử Xuân Dũng. Ảnh: Sơn Hà. |
Lãnh đạo UBND thành phố đã giao các đơn vị tham mưu, đề xuất chính sách đặc thù để hỗ trợ người lao động. Riêng với giáo viên mầm non rất khó khăn, sau hơn 7 tháng chưa trở lại công việc, ông đề nghị Sở GD&ĐT rà soát để đề xuất bổ sung cơ chế đặc thù; đề nghị Bộ GD&ĐT trình Chính phủ xem xét có quy định chung để hỗ trợ giáo viên ngoài công lập gặp khó khăn.
Về cơ chế huy động nguồn lực nhân viên y tế, cán bộ y tế đã nghỉ hưu hay bệnh viện ngoài công lập, Phó chủ tịch UBND Hà Nội khẳng định vừa qua trong công tác chống dịch Covid-19, không chỉ có bệnh viện công lập mà các cơ sở y tế ngoài công lập và bác sĩ nghỉ hưu đóng vai trò quan trọng. Hà Nội đã chủ động xây dựng cơ chế hỗ trợ một phần kinh phí cho cá nhân tham gia lực lượng y tế tuyến đầu. Học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, người có chuyên môn y tế tình nguyện tham gia chống dịch được hưởng chế độ bồi dưỡng phòng chống dịch với mức 200.000-300.000 đồng/ngày.
“Mức hỗ trợ của Hà Nội tổng cộng vào khoảng 280.000-420.000 đồng/ngày, có tính chất hỗ trợ, động viên lực lượng tuyến đầu”, ông Dũng nói và cho biết vừa qua, TP huy động hơn 17.000 cán bộ y tế nghỉ hưu và ngoài công lập tham gia chống dịch. Qua rà soát, ông cho biết còn trên 11.000 cán bộ y tế ngoài công lập sẵn sàng tình nguyện tham gia chống dịch nếu được huy động.
Kết luận phiên chất vấn nhóm vấn đề về phòng chống dịch Covid-19, Chủ tịch HĐND Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết đã có 9 lượt đại biểu đặt câu hỏi. Liên quan đến công tác phòng chống dịch, thích ứng an toàn với dịch bệnh, ông Tuấn khẳng định đây là nhóm vấn đề cử tri, nhân dân thành phố rất quan tâm. Ông khẳng định TP đã chủ động, kiên trì, bình tĩnh trong mọi tình huống để ứng phó với dịch.
“Tới đây cần bám sát tình hình, tuyệt đối không để bị động. Đặc biệt, phải chủ động chuẩn bị công tác dự báo, nhất là khi biến chủng Omicron xuất hiện”, Chủ tịch HĐND Hà Nội nhấn mạnh.
Tăng trưởng ít nhất 7%
Trước đó, HĐND Hà Nội đã biểu quyết thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, thu chi ngân sách, công tác phòng chống Covid-19 năm 2022. Mục tiêu tổng quát của Hà Nội trong năm 2022 là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch; thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân.
Nghị quyết của HĐND Hà Nội thông qua 22 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trong đó GRDP tăng từ 7 đến 7,5% (GRDP bình quân đầu người 139-141 triệu đồng); tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển xã hội 10%; tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu 5%; chỉ số giá tiêu dùng dưới 4%.
Thành phố cũng phấn đấu giảm số hộ nghèo theo chuẩn mới xuống 20%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động (đang làm việc) qua đào tạo 72,2%; tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch ở đô thị đạt 100%; khu vực nông thôn đạt 85%; tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và vận chuyển trong ngày đạt 100%...