Kỳ họp thứ 3 HĐND Hà Nội khóa XVI khai mạc hôm nay, 7/12, dự kiến thảo luận, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng về chiến lược phòng chống, thích ứng an toàn với dịch bệnh trong thời kỳ mới. Kỳ họp được kỳ vọng cụ thể hóa chủ trương phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội gắn với phòng, chống dịch vừa được Thường vụ Thành ủy Hà Nội thống nhất ở Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP cách đây ít ngày.
Với việc năng lực y tế, kinh nghiệm chống dịch của Hà Nội đều đã được cải thiện và tỷ lệ phủ vaccine Covid-19 dẫn đầu cả nước, các chuyên gia, cựu đại biểu đều kiến nghị đây là thời điểm thích hợp để Hà Nội đẩy mạnh biện pháp phục hồi, sớm lấy đà tăng trưởng để đạt mục tiêu GRDP tăng ít nhất 7% cho năm 2022.
Chống dịch cần nhất quán, khoa học hơn
PGS.TS Bùi Thị An (nguyên đại biểu HĐND TP, đại biểu Quốc hội khóa XIII) nhấn mạnh kỳ họp lần này có nhiều ý nghĩa quan trọng. Kỳ họp HĐND cuối cùng của năm 2021 là thời điểm Hà Nội xác định rõ lộ trình phục hồi, phát triển kinh tế hậu đại dịch.
Về công tác chống dịch của TP trong năm qua, bà An cho rằng thủ đô đã có nhiều thành tựu lớn. Với đặc thù địa phương có mật độ dân cư đông, trung tâm giao thương, kinh tế, tỷ lệ lây nhiễm, tử vong được duy trì ở ngưỡng an toàn.
Song, diễn biến dịch hiện tại rất khó đoán biết với sự xuất hiện của biến chủng Omicron. Bước vào giai đoạn thích ứng an toàn, số ca nhiễm ở thủ đô nhiều khả năng tăng nhanh và có thể tiếp tục phức tạp trong năm 2022.
Trạm y tế lưu động tại quận Hoàng Mai được thành lập để điều trị F0 thể nhẹ. Ảnh: Hải Nam. |
"Kỳ họp HĐND TP lần này là thời điểm để TP làm rõ điểm chưa được, những cái còn khó khăn. Tôi cho rằng năm 2022, nhiệm vụ chống dịch vẫn phải đặt lên hàng đầu và sức khỏe, tính mạng của người dân vẫn là ưu tiên số 1", TS Bùi Thị An nói.
Bên cạnh đề ra các chiến lược thích ứng với dịch bệnh thời gian tới, nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng Hà Nội nên nghiêm túc nhìn lại những bất cập trong công tác chỉ đạo, điều hành thời gian qua. Một số quy định, quan điểm chống dịch của Hà Nội gặp nhiều ý kiến trái chiều, có văn bản chỉ đạo vừa đưa ra đã phải thu hồi, sửa đổi khiến người dân bối rối, khó khăn.
"Rõ ràng dịch bệnh là chưa từng có tiền lệ, việc đối phó không tránh khỏi lúng túng, bất nhất. Song, quan trọng là TP cần có biện pháp điều chỉnh kịp thời; ban hành chính sách cần tính toán, cân đối phù hợp để duy trì sự nhất quán nhưng vẫn phù hợp với chỉ đạo của Trung ương", bà An góp ý.
Chuẩn bị cho Tết Nguyên đán 2022, PGS.TS Bùi Thị An đề nghị TP quan tâm hơn đến các nhóm yếu thế, người nghèo, người chịu ảnh hưởng của dịch bệnh để có chính sách an sinh, xã hội phù hợp, đáp ứng yêu cầu "không ai bị bỏ lại phía sau".
Giải pháp đạt mục tiêu tăng trưởng 7-7,5%
Về khía cạnh kinh tế, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đánh giá mục tiêu tăng trưởng 7-7,5% của Hà Nội đưa ra là phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Đây là kịch bản chủ đạo mà thủ đô hướng tới, song cũng phải tính đến cả kịch bản trần và kịch bản sàn tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh trong năm 2022.
So với mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước là 6-6,5% thì mục tiêu của Hà Nội cao hơn không nhiều. Nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội thời gian tới trong phục hồi, phát triển kinh tế sẽ vẫn là bám sát Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Trong đó, Hà Nội cần ngăn chặn dịch bệnh bùng lên, đẩy mạnh đầu tư công, thu hút nguồn vốn từ nước ngoài cũng như tạo điều kiện để doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất. TP cần có chính sách giảm, giãn, hoãn thuế, hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp. Về nguồn lao động, TP hỗ trợ để người dân không phải bỏ việc về quê, đảm bảo thu nhập để họ nuôi sống gia đình, yên tâm làm việc.
Về nghị trình, ông Phong kiến nghị HĐND Hà Nội tập trung thảo luận sâu, làm rõ 3 nội dung: Nguyên nhân, giải pháp khắc phục giải ngân vốn đầu tư công quá chậm; vướng mắc, điểm nghẽn đối với doanh nghiệp về môi trường đầu tư, kinh doanh và tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp, đòi hỏi chi phí "bôi trơn" trong các dự án đầu tư.
Vướng mắc về hạ tầng giao thông
Một trong những nội dung quan trọng HĐND Hà Nội sẽ đưa ra thảo luận trong kỳ hợp tới là khúc mắc trong phát triển hạ tầng giao thông, đô thị.
Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho rằng tại kỳ họp này, HĐND TP cần mổ xẻ, làm rõ nguyên nhân các dự án hạ tầng giao thông của TP khi đưa vào vận hành đều thiếu tính đồng bộ, kết nối rất kém với các loại hình phương tiện khác, dẫn đến hiệu quả bị kéo giảm.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông bộc lộ nhiều bất cập về hạ tầng từ khi đưa vào vận hành. Ảnh: Việt Linh. |
Ông ví dụ dự án thí điểm buýt nhanh BRT, khi đưa vào khai thác chỉ phục vụ một lượng khách nhỏ, không đáp ứng được kỳ vọng, trong khi được dành nhiều đặc quyền như làn đường riêng, hệ thống nhà chờ hiện đại, kinh phí đầu tư ban đầu rất lớn.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dù vừa được bàn giao cũng phát sinh nhiều bất cập, khó khăn cho người sử dụng như thiếu bãi đỗ xe, phương tiện trung chuyển không đồng bộ.
Bên cạnh đó, ông Thanh kiến nghị đại biểu HĐND TP nêu giải pháp, làm rõ chiến lược hạn chế phương tiện giao thông trong giai đoạn 5-10 năm tới. Bởi theo ông, đây sẽ là vấn đề rất nóng trong tương lại khi thu nhập người dân được nâng cao, tỷ lệ dân số có ôtô cá nhân sẽ tăng nhanh.
Về đề án thu phí phương tiện vào nội đô của Sở GTVT, ông Thanh đề xuất HĐND TP nên xem xét một cách nghiêm túc, có thể sử dụng như một biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân và đẩy mạnh giao thông công cộng.
Kỳ họp thứ 3, HĐND Hà Nội khóa XVI diễn ra trong 3,5 ngày (từ 7/12 đến sáng 10/12).
HĐND TP dành trọn ngày 9/12 để thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn về 2 nhóm vấn đề là công tác phòng, chống dịch bệnh, biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn TP. Chủ tịch UBND TP sẽ báo cáo, trả lời nội dung chất vấn của đại biểu HĐND TP.
Kỳ họp dự kiến xem xét thông qua 42 nội dung, gồm 22 báo cáo và 20 tờ trình, dự thảo nghị quyết về chế độ hỗ trợ đối với lãnh đạo và công chức phường nghỉ công tác do thực hiện thí điểm chính quyền đô thị; việc đặt tên, điều chỉnh độ dài một số đường; chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn giai đoạn 2021-2025…