Để chuẩn bị cho kỳ họp HĐND tuần tới, UBND Hà Nội vừa có báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch năm 2022.
Theo đánh giá của UBND Hà Nội, năm 2021, thành phố và cả nước chịu ảnh hưởng lớn của Covid-19. Những biện pháp phòng, chống dịch chưa có tiền lệ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, sản xuất kinh doanh, tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.
GRDP tăng thấp nhất từ trước đến nay
Về bức tranh tổng thể, Hà Nội có nhiều điểm sáng. Cân đối thu - chi ngân sách Nhà nước được đảm bảo. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2021 ước thực hiện 242.000 tỷ đồng, đạt 102,7% dự toán Trung ương giao.
Dự kiến vốn đầu tư nước ngoài thu hút khoảng 2 tỷ USD, giảm 50%. Vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới ước đạt 345.000 tỷ đồng (giảm 16%).
GRDP quý I tăng 5,17%, quý II tăng 6,49%. Sang đến quý III, GRDP giảm sâu 7,02% (trong đó, ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng trên 63% GRDP giảm 8,18%). Lũy kế 9 tháng đầu năm, GRDP chỉ tăng 1,28% - mức thấp nhất từ trước đến nay.
Dự báo, GRDP quý IV tăng 5,09-7,37%; tính chung cả năm 2021 tăng khoảng 2,35-3%.
Tiếp nhận và vận hành tuyến Cát Linh - Hà Đông là một trong những dấu ấn nổi bật của Hà Nội năm 2021. Ảnh: Việt Linh. |
Về công tác quy hoạch, thành phố đã phê duyệt thêm 4 đồ án quy hoạch phân khu với tổng diện tích 2.710 ha; đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống đang xin ý kiến Bộ Xây dựng; đẩy nhanh 31 quy hoạch phân khu thuộc 5 đô thị vệ tinh...
Hạ tầng giao thông được quan tâm phát triển, tổ chức giao thông đảm bảo an toàn, thông suốt. Hà Nội đã tiếp nhận và vận hành Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; tổ chức thực hiện 97 dự án cải tạo, sửa chữa hạ tầng giao thông.
Tuy nhiên trong năm qua, thành phố còn nhiều kết quả chưa đạt được. Trong đó, 4 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế không đạt kế hoạch; lĩnh vực du lịch; dịch vụ lưu trú và ăn uống; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ giảm sâu.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn trong việc phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, Hà Nội còn đối mặt với nhiều bài toán đô thị, dân sinh bức xúc chưa được giải quyết sau nhiều năm.
Nhiều mục tiêu lớn cho 2022
Về nhiệm vụ năm tới, UBND Hà Nội đặt mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.
Hà Nội sẽ đề xuất Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; tổng kết, đánh giá kết quả thi hành Luật Thủ đô năm 2012 và đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô.
Hà Nội tập trung vào các dự án hạ tầng, giao thông trọng điểm trong năm 2022. Ảnh: Việt Linh. |
Đáng chú ý, UBND Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP khoảng 7-7,5%.
Để đạt được mục tiêu này, thành phố sẽ đẩy nhanh sự phục hồi và phát triển ngành kinh tế, nhất là dịch vụ thương mại, phục hồi chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, kênh phân phối.
Một số điểm du lịch phù hợp sẽ được Hà Nội lựa chọn để thí điểm du lịch an toàn, từ đó dần mở rộng ra địa điểm khác; nhanh chóng phục hồi, phát triển sự kiện văn hóa, thể thao, hội chợ, triển lãm, vui chơi giải trí, chiếu phim...
Về sản xuất, Hà Nội sẽ ưu tiên hỗ trợ khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề; đơn hàng sản xuất phục vụ xuất khẩu. Chính quyền thành phố cam kết tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh sản xuất, kinh doanh.
Hà Nội cũng sẽ rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc thủ tục về quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng và thực hiện quyết liệt giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư ngay từ đầu năm, nhất là dự án lớn, trọng điểm.
Theo đánh giá của UBND Hà Nội, dự báo năm 2022 tình hình quốc tế và trong nước khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội, thuận lợi. Dịch Covid-19 còn có thể kéo dài. Các quốc gia quan tâm thúc đẩy tăng trưởng xanh, thương mại điện tử và kinh tế số là cơ hội cho những nền kinh tế đi sau, trong đó có Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.
Rủi ro lớn nhất và thường trực đối với Hà Nội vẫn là diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Việc hoàn thành phủ vaccine đảm bảo miễn dịch cộng đồng là một trong những điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế.