Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký ban hành công điện về triển khai biện pháp cấp bách thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn Hà Nội, hiện nay, số ca bệnh nặng ở tầng 3 (điều trị chuyên sâu cho F0 nặng và nguy kịch) chiếm tỷ lệ thấp (dưới 0,8%). Tuy nhiên số ca bệnh tăng nhanh sẽ là thách thức lớn đối với các cơ sở y tế của thành phố.
UBND Hà Nội dự báo số ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng nhanh khi hoạt động kinh tế - xã hội, giao thương, di chuyển của người dân từ các địa phương trên cả nước về thành phố trong những tháng cuối năm tăng cao. Do đó, Hà Nội cần triển khai ngay những biện pháp cấp bách thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Trạm y tế lưu động quận Hoàng Mai diễn tập thu dung ca mắc Covid-19. Ảnh: Hải Nam. |
UBND Hà Nội giao Sở Y tế bám sát diễn biến tình hình dịch do biến chủng Omicron gây ra; khẩn trương chuẩn bị các phương án về vaccine, thuốc điều trị và các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với biến chủng mới của virus.
Sở Y tế hướng dẫn địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng; tăng cường lực lượng, vật tư, trang thiết bị y tế; điều trị sớm các trường hợp nhiễm mới để hạn chế thấp nhất ca chuyển bệnh nặng, tử vong.
Về điều trị F0 tại nhà, UBND Hà Nội giao Sở Y tế hướng dẫn danh mục các loại thuốc, phương pháp điều trị và xử lý các tình huống khi điều trị tại nhà; xây dựng quy trình, phổ biến rộng rãi đến toàn bộ người dân để sẵn sàng chuẩn bị trong mọi tình huống, hoàn thành trước ngày 5/12.
Sở Y tế phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông triển khai phần mềm quản lý việc thu dung, điều trị F0 tại cơ sở thu dung, cơ sở y tế và tại nhà; chịu trách nhiệm chuyên môn trong việc điều trị, phân tuyến và xử lý khi số ca bệnh tăng cao, đặc biệt kiểm soát khi ca bệnh chuyển tầng điều trị.
Chính quyền cơ sở mở rộng cơ sở cách ly tập trung, cách ly tự nguyện tại cơ sở lưu trú và cách ly tại nhà đảm bảo điều kiện theo quy định. Quận, huyện khẩn trương phối hợp Sở Y tế xây dựng trạm y tế lưu động đảm bảo mỗi phường, xã có bình quân ít nhất 150 giường bệnh; chủ động rà soát danh mục trang thiết bị y tế tại tuyến cơ sở và cấp quận, huyện, thị xã theo khả năng của địa phương; tổ chức mua sắm và trang bị đầy đủ với các kịch bản dịch bệnh.
Công an thành phố và cơ sở tăng cường cập nhật, kiểm soát thông tin nhân khẩu trên địa bàn; quản lý chặt chẽ số người thường trú, tạm trú; di biến động dân cư, người có nguy cơ đang lưu trú, làm việc tại địa phương để có biện pháp quản lý phù hợp, khai báo y tế thường xuyên.
Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn chính quyền địa phương chuẩn bị cơ sở vật chất, thực hiện biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn; tham mưu, báo cáo TP về việc cho học sinh trở lại trường, sẵn sàng phương án xử lý tình huống phát sinh.
Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo đơn vị vận tải của TP bố trí, sắp xếp phương tiện vận chuyển F1 tới cơ sở cách ly tập trung của TP do Bộ Tư lệnh Thủ đô chủ trì điều phối và nhu cầu của quận, huyện, thị xã.
UBND Hà Nội đề nghị mỗi người dân thủ đô, mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn nâng cao ý thức của bản thân, tuyệt đối thực hiện thông điệp 5K, luôn luôn đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, giữ khoảng cách an toàn tối đa, hạn chế việc tập trung đông người. Đồng thời, TP khuyến cáo người già, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 18 tuổi khi chưa tiêm vaccine hoặc chưa tiêm đủ liều hạn chế tham gia hoạt động tập trung đông người không cần thiết.