Trao đổi với Zing bên lề Hội nghị thứ 6, Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội sáng 30/11, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã chia sẻ về quyết định của TP trong điều trị F0 thể nhẹ tại nhà.
Bà Hà nhấn mạnh đây là quyết định quan trọng của Thành ủy, TP và phù hợp với chiến lược chống dịch trong giai đoạn hiện nay. Bởi trong những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 tăng cao, đặc biệt là số ca bệnh nhẹ, không triệu chứng.
Phân tầng bệnh nhân bằng phần mềm
Bà Hà cho rằng điều trị F0 tại nhà sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như đảm bảo đáp ứng công tác y tế kịp thời. "Việc điều trị F0 tại nhà sẽ giúp người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế từ sớm, từ xa theo đúng tinh thần của Thủ tướng và phù hợp với chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt hiện nay", bà Hà nói.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà. Ảnh: T.T. |
Về lý do TP chuyển hướng điều trị tập trung toàn bộ F0 sang điều trị tại nhà, bà Hà cho biết TP đã chuẩn bị các phương án, kịch bản từ rất sớm cho việc này. Tuy nhiên, việc triển khai phải phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh.
Về phương án điều trị, bà Hà cho biết nhân viên y tế sẽ chăm sóc, theo dõi sức khỏe người dân qua hệ thống tổng đài 1022, hoặc qua các phần mềm. Trong quá trình theo dõi sức khỏe, ngành y tế cũng tư vấn, cấp phát thuốc, đảm bảo điều kiện chăm sóc sức khỏe được tốt nhất.
Lãnh đạo Sở y tế cho biết Hà Nội đã giao chính quyền quận, huyện, xã, phường và tổ Covid-19 cộng đồng kiểm tra điều kiện cách ly F1 và điều trị F0 thể nhẹ tại nhà. Đơn vị chức năng đã lập danh sách các hộ gia đình đủ điều kiện; từ danh sách này ngành y tế sẽ phân tầng bằng phần mềm.
"Khi phát hiện F0, chúng tôi sẽ xem xét điều kiện, thể trạng bệnh và dựa vào điều kiện gia đình để quyết định điều trị tại nhà hay tập trung", bà Hà nói.
Trong tuần sẽ triển khai
Về phương án, Sở Y tế đã trình UBND TP, TP sẽ phê duyệt phương án sớm để ngay trong tuần này (trong khoảng 30/11-5/12), TP sẽ triển khai luôn điều trị F0 tại nhà.
Theo Giám đốc Sở Y tế, yếu tố quan trọng nhất trong điều trị F0 tại nhà là phát hiện sớm F0 có dấu hiệu chuyển tầng để sớm đưa đến các cơ sở điều trị phù hợp. Đó là khi nồng độ oxy SpO2 giảm xuống dưới ngưỡng an toàn.
Bên cạnh đó, TP cũng đặc biệt quan tâm đến các đối tượng yếu thế như người già, trẻ em, người nhiều bệnh nền. Với những F0 trong nhóm này, ngành y tế sẽ có chế độ chăm sóc, theo dõi đặc biệt, thường xuyên liên lạc với mục tiêu là giảm tỷ lệ tử vong xuống mức thấp nhất.
Một gia điình ở quận Thanh Xuân đi cách ly tập trung ở giai đoạn trước đó. Ảnh: Đức Anh. |
Bà Hà mong sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, tổ Covid-19 cộng đồng để giám sát chặt chẽ việc theo dõi, cách ly, điều trị F0 tại nhà; tuyệt đối tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Trao đổi với Zing trước đó, nhiều chuyên gia đã lên tiếng ủng hộ việc điều trị F0 thể nhẹ và không triệu chứng tại nhà. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế), Hà Nội cần lường trước tình huống số ca mắc vượt 1.000 ca mỗi ngày. Khi đó, TP cần chuyển hướng thay vì điều trị tập trung như hiện nay.
Ông Phu cho rằng trở về trạng thái bình thường mới, ý thức người dân sẽ là yếu tố then chốt trong phòng, chống dịch thay vì các thiết chế quản lý. Điều trị tại nhà sẽ giúp người bệnh duy trì công việc, học tập, thu nhập và đóng góp cho xã hội. Việc này phù hợp với chiến lược chống dịch trong giai đoạn sống chung an toàn, linh hoạt với dịch bệnh.
"Bộ Y tế đã hướng dẫn quy trình điều trị F0 tại nhà, cơ chế quản lý, giám sát sẽ phân cấp triệt để cho địa phương, tổ Covid-19 cộng đồng, trạm y tế lưu động. Quan trọng nhất vẫn là sự tự giác, ý thức của người dân", ông Phu nói.