Theo tính toán của UBND Hà Nội, dịch bệnh có thể bùng phát nhanh chóng với số lượng người mắc lớn khi áp dụng thích ứng linh hoạt với dịch bệnh.
Từ ngày 11/10 đến 25/11 (thời điểm bắt đầu thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ), Hà Nội ghi nhận 4.817 ca mắc. Đáng chú ý, trong khoảng 10 ngày qua (từ 15/11), số mắc mới ở mức rất cao, khoảng 250 ca/ngày, đỉnh điểm có ngày lên đến 289 ca, cao nhất khi đợt dịch thứ 4 bùng phát.
Nguồn: CDC Hà Nội. |
Ca mắc tăng nhanh, nhưng chuyển nặng giảm mạnh
Dữ liệu từ Sở Y tế Hà Nội cho thấy trong số ca nhiễm mới tại thủ đô, có khoảng 20% là người chưa tiêm vaccine, chủ yếu là học sinh và người không đủ điều kiện. Các ca mắc Covid-19 mới ở Hà Nội hiện nay chủ yếu là người đã tiêm 1-2 mũi.
Vì thế, số ca bệnh không triệu chứng chiếm tỷ lệ đến 76%; hơn 21% số ca mắc có triệu chứng nhẹ và vừa, số ca nặng chưa đến 3% - đều là ca chưa tiêm vaccine và có bệnh nền. Tỷ lệ người đã tiêm vaccine (ít nhất một mũi) chuyển nặng là 2%.
Một trạm y tế lưu động tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) còn thiếu thốn. Ảnh: Hải Nam. |
Trao đổi với Zing, PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế) cho rằng số ca mắc tăng rất nhanh là điều đã được lường trước. Song, Hà Nội cần có chiến lược phù hợp hơn khi số ca mắc có thể lên đến 4 con số mỗi ngày.
TP đã nhận thức rất rõ vấn đề này khi lên kế hoạch, chuẩn bị điều trị với kịch bản 10.000, 40.000 và 100.000 ca nhiễm. Tuy nhiên, khi số ca nhiễm không triệu chứng và nhẹ chiếm tỷ lệ chủ yếu, y tế cơ sở sẽ phát huy vai trò chủ lực thay vì các bệnh viện tuyến Trung ương và TP.
"Trước mắt, cần huy động sự vào cuộc của y tế cơ sở khi năng lực của TP còn đảm bảo. Tuy nhiên, Hà Nội cần lường trước tình huống số ca mắc vượt 1.000 ca mỗi ngày. Khi đó cần chuyển ngay sang trạng thái điều trị F0 nhẹ, không triệu chứng tại nhà", ông Phu nêu ý kiến.
Theo ông Phu, khi hoạt động kinh doanh, sản xuất, giải trí được tái lập để sớm trở về trạng thái bình thường mới, ý thức người dân sẽ là yếu tố then chốt trong phòng chống dịch thay vì các thiết chế quản lý, giám sát.
Việc điều trị tại nhà sẽ giúp người bệnh duy trì công việc, học tập, thu nhập và đóng góp cho xã hội. Việc này phù hợp với chiến lược chống dịch trong giai đoạn sống chung an toàn, linh hoạt với dịch bệnh.
"Bộ Y tế đã hướng dẫn quy trình điều trị F0 tại nhà, cơ chế quản lý, giám sát sẽ phân cấp triệt để cho địa phương, tổ Covid-19 cộng đồng, trạm y tế lưu động. Quan trọng nhất vẫn là sự tự giác, ý thức của người dân", ông Phu nói.
Sớm tính đến vaccine mũi 3 để giảm thiểu tử vong
Phương án thu dung, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 trong điều kiện mới của UBND Hà Nội được thiết kế 3 tầng, dựa vào mức độ của các bệnh nhân. Ngoài ra, TP cũng chia 3 giai đoạn để bổ sung năng lực điều trị, tương ứng với 10.000, 40.000 và 100.000 ca mắc Covid-19.
Tầng 1 phụ trách thu dung cách ly, điều trị F0 triệu chứng nhẹ và không triệu chứng tại một số cơ sở tập trung của TP (TP quản lý) và trạm y tế lưu động trên địa bàn xã, phường (địa phương quản lý).
Tầng 2 điều trị F0 mức độ vừa tại bệnh viện đa khoa tuyến huyện, bệnh viện tuyến TP.
Tầng 3 điều trị F0 mức độ nặng và nguy kịch tại bệnh viện tuyến TP, và Trung ương, bộ, ngành.
Nhân viên y tế diễn tập chăm sóc F0 tại trạm y tế lưu động tại Hoàng Mai. Ảnh: Hải Nam. |
Cũng theo phương án Hà Nội đưa ra, ở cấp độ 10.000 ca nhiễm, TP sẽ điều trị F0 thể nhẹ ở trạm y tế lưu động tại 10 địa phương. Mỗi quận, huyện tiếp nhận 300 F0. Khi số ca mắc vượt 10.000, cả 30 quận huyện đồng loạt kích hoạt trạm y tế lưu động với khả năng thu dung khoảng 15.700 (giai đoạn 3) đến gần 70.000 người (giai đoạn 4).
Theo ông Phu, TP cần đẩy nhanh phủ vaccine 2 mũi cho toàn bộ dân số, gồm trẻ em dưới 18 tuổi và người già. Khi độ phủ được đảm bảo, TP cần tính tiếp đến mũi 3 vaccine cho đối tượng nguy cơ cao, nhiều bệnh nền để giảm thiểu tử vong.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga (nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế), kiến nghị Hà Nội tính toán kỹ năng lực thu dung, điều trị của trạm y tế lưu động. Ông Nga cho rằng khả năng thu dung số lượng lớn F0 ở các phường là rất thấp, chưa kể ở ngoại thành điều kiện vật chất, con người còn khó khăn hơn nhiều.
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng đề xuất Hà Nội xây dựng kế hoạch hoạt động trạm y tế lưu động cho phù hợp; ngành y tế TP đẩy mạnh tập huấn, hướng dẫn cho nhân viên tại các trạm y tế về điều trị, thu dung F0 và phát hiện sớm các trường hợp chuyển biến nặng để kịp thời nâng tầng điều trị.
"Điều trị F0 trong giai đoạn tới quan trọng là phải giám sát tình trạng người nhiễm để sớm nâng tầng điều trị khi chuyển nặng. Y tế cơ sở cần được hướng dẫn kỹ về nồng độ oxy trong máu, huyết áp, dấu hiệu để hạn chế đến mức thấp nhất tử vong", ông Nga nói.