Sau khi Sở Y tế Hà Nội ban hành hướng dẫn việc điều trị F0 thể nhẹ tại cơ sở xã, phường, nhiều địa phương đã gặp khó khăn khi lập trạm y tế lưu động do vướng mắc về nhân lực, cơ sở hạ tầng...
Với yêu cầu đặt ra là trạm y tế lưu động phải có khả năng đáp ứng tối đa 150 giường bệnh, cộng với kíp trực 5 người, nhiều xã, phường rất khó khăn khi điều kiện hiện tại không đáp ứng. Các chuyên gia y tế cho rằng đây là thời điểm thích hợp để Hà Nội tổ chức điều trị F0 không triệu chứng tại nhà nhằm tiết kiệm nguồn lực, phục vụ cho việc chống dịch lâu dài.
"Dồn F0 vào trạm y tế lưu động sẽ tăng gánh nặng cho ngành y tế"
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga (nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế), việc điều trị F0 nhẹ được Hà Nội chuyển về cho các cơ sở ở xã, phường cần tính toán rất kỹ trong điều kiện thực tế hiện nay. Ông Nga cho rằng khả năng thu dung số lượng lớn F0 ở các phường là rất thấp, chưa kể ở ngoại thành điều kiện vật chất, con người còn khó khăn hơn nhiều.
Do biến chủng Delta lây lan mạnh, cộng với việc người dân đã trở lại cuộc sống bình thường, số F0 nhẹ và không triệu chứng có thể tăng nhanh thời gian tới. Chuyên gia lo ngại trong tình huống xấu, với hàng trăm F0 mỗi ngày, các trạm y tế lưu động trở nên quá tải, rất nguy hiểm.
Nhân viên y tế diễn tập vận hành trạm y tế lưu động tại quận Ba Đình. Ảnh: Kinh tế Đô thị. |
"Dồn F0 vào trạm y tế lưu động tăng gánh nặng cho ngành y tế. Với hàng trăm xã, phường mà lực lượng y tế lại quá mỏng thì không thể dàn trải ra hết các trạm y tế lưu động được. Vật tư, máy móc cũng khó có thể đảm bảo đầy đủ để hoạt động hết công suất", ông Nga nói.
Với hàng trăm xã, phường mà lực lượng y tế lại quá mỏng thì không thể dàn trải ra hết các trạm y tế lưu động được
PGS.TS Nguyễn Huy Nga
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng đề xuất Hà Nội cần tính toán kỹ khả năng thu dung, điều trị của từng xã, phường để xây dựng kế hoạch hoạt động trạm y tế lưu động cho phù hợp. Bên cạnh đó, ngành y tế TP cần đẩy mạnh tập huấn, hướng dẫn cho nhân viên tại các trạm y tế về điều trị, thu dung F0 và phát hiện sớm các trường hợp chuyển biến nặng để kịp thời nâng tầng điều trị.
PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế) thì nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn chặn lây lan chéo trong khu vực điều trị và giám sát, quản lý chặt các F0 trong trạm y tế lưu động. Theo ông Phu, địa điểm đặt trạm nên tách biệt khu dân cư, thông thoáng và hệ thống xử lý rác thải, nước thải phải đảm bảo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Ông Phu cũng đề nghị các lực lượng cần phối hợp tích cực để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho khu vực điều trị vì nếu sở sẩy, nguy cơ là rất lớn.
Mạnh dạn cho F0 điều trị tại nhà
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, cho rằng TP nên triển khai điều trị F0 không triệu chứng tại nhà luôn thay vì điều trị tại trạm y tế lưu động.
"Trạm y tế lưu động để thu dung, điều trị F0 thể nhẹ, không triệu chứng, tức là hàng ngày đo nhiệt độ, huyết áp, nhịp tim, phát thuốc và phục vụ ăn uống. Chức năng gần giống với khu cách ly tập trung thì không phù hợp với tính chất của trạm y tế lưu động", ông Hùng nói.
Một gia đình ở quận Thanh Xuân, Hà Nội được đưa đi cách ly tập trung. Ảnh: Đức Anh. |
Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội đề xuất trạm y tế lưu động nên là nơi tiếp nhận, cấp cứu ban đầu cho trường hợp mắc Covid-19 cần can thiệp y tế, cần được thở oxy. Còn đối với F0 không có triệu chứng khỏe mạnh gần như người bình thường, Hà Nội nên cho họ tự điều trị, cách ly tại nhà.
Ông Hùng cũng kiến nghị với tỷ lệ tiêm chủng 2 mũi cao như hiện nay, Hà Nội có thể mạnh dạn áp dụng chính sách điều trị F0 không triệu chứng ngay tại nhà thay vì điều trị tập trung. Việc này giúp bệnh viện, cơ sở y tế dành nguồn lực điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh khác, thay vì đổ hết vào chống dịch như hiện nay.
Chức năng gần giống với khu cách ly tập trung thì không phù hợp với tính chất của trạm y tế lưu động
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, cũng dự báo với lượng tiêm chủng 2 mũi lớn như hiện nay, khả năng cao số ca F0 nhẹ, không triệu chứng ở Hà Nội sẽ rất lớn. Vậy nếu để toàn bộ F0 này vào khu điều trị tập trung sẽ lãng phí nguồn lực.
Bà Thu Anh cho rằng khi F0 được ở nhà họ vẫn có thể làm việc, học tập, đóng góp cho xã hội. Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng thành công việc cách ly tại nhà, điều trị từ xa đối với người mắc Covid-19 thể nhẹ. Việc này vừa giúp giảm tải căng thẳng cho hệ thống y tế, vừa giúp người bệnh thoải mái hơn khi được điều trị ở nhà.
Nữ tiến sĩ đề nghị ngành y tế sớm có phương án thí điểm điều trị F0 tại nhà, huy động sự vào cuộc tích cực của tổ Covid-19 cộng đồng cũng như nhân lực y tế xã, phường. Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam cho rằng việc điều trị F0 nhẹ, không triệu chứng tại nhà sẽ phù hợp với diễn biến dịch hiện tại cũng như quá trình phục hồi, phát triển kinh tế.
Nhiều xã, phường bối rối
Trao đổi với Zing, lãnh đạo phường Khương Mai (Thanh Xuân) nói việc tìm được địa điểm đủ rộng, tách biệt với khu dân cư để làm trạm y tế lưu động là rất khó. Với việc nhân lực tại trạm y tế phường hiện có 8 người, vị này cho rằng khi vận hành trạm y tế lưu động sẽ bị quá tải, chưa kể đến số lượng máy thở, bình oxy, vật tư y tế khác cũng đang thiếu. Phường đã báo cáo quận để kiến nghị TP bổ sung nguồn lực cho phù hợp.
Tương tự, lãnh đạo phường Giảng Võ (Ba Đình) cho biết cho biết để tìm được vị trí đạt yêu cầu thì rất khó, chỉ có trưng dụng trường học, Phường đang xin ý kiến quận để trưng dụng một trường học, nhưng cũng khó có thể là phương án lâu dài vì các trường đều rất ngại khi phải làm nơi điều trị F0.
Còn lãnh đạo xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thì nhìn nhận đặc thù ở nông thôn rất thiếu thốn, nhân lực trạm y tế trình độ chuyên môn cũng không cao như tại các quận. Dù có tìm được địa điểm đủ rộng thì nhân lực cũng không đủ để đáp ứng hoạt động liên tục.