Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xã, phường ở Hà Nội loay hoay tìm nơi đặt trạm y tế lưu động

Một số xã, phường ở Hà Nội lo ngại thiếu trụ sở, trang thiết bị y tế và nhân lực khi tổ chức trạm y tế lưu động điều trị F0 triệu chứng nhẹ tại địa bàn.

Sau khi Sở Y tế Hà Nội ban hành công văn khẩn hướng dẫn xã, phường triển khai trạm y tế lưu động để điều trị F0 thể nhẹ, nhiều địa phương đã bắt tay vào việc chuẩn bị, xây dựng phương án. Tuy nhiên, trong lần đầu tiên Hà Nội thực hiện tầng điều trị F0 nhẹ tại cơ sở, nhiều nơi không tránh khỏi bối rối.

Trao đổi với Zing, lãnh đạo một số phường tại Hà Nội cho biết phương án tổ chức trạm y tế lưu động vẫn đang được xây dựng và chờ trình lên cấp quận. Chỉ khi được phê duyệt, các trạm y tế này mới chính thức đi vào hoạt động.

Khó tìm địa điểm đặt trạm y tế lưu động

Tại quận Ba Đình, Phó chủ tịch UBND phường Giảng Võ Nguyễn Đắc Phong cho biết việc tổ chức trạm y tế lưu động đã được phường chuẩn bị từ giai đoạn trước và đã được diễn tập điểm hôm 6/11. Trạm vẫn chưa chính thức đi vào hoạt động do còn chờ bổ sung thêm máy móc, nhân lực.

"Quá trình chuẩn bị cũng còn nhiều khó khăn vướng mắc về cơ sở vật chất, con người. Theo quy định, trạm phải có ít nhất 5 phòng, có khu vệ sinh, khu nhà nghỉ cho nhân viên y tế. Nhưng tìm được vị trí đạt yêu cầu thì rất khó, chỉ có trưng dụng trường học, mà việc này các trường đều rất ngại khi phải làm nơi điều trị F0", ông Phong chia sẻ.

Với đặc thù đông dân cư và ít nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng đủ rộng, Phó chủ tịch UBND phường Giảng Võ cho biết phương án trước mắt vẫn là tìm một trường học để đề xuất làm nơi điều trị F0 nhẹ. Sau đó, phường sẽ báo cáo lên quận và TP để tìm phương án tháo gỡ.

Lãnh đạo phường Giảng Võ đề nghị ngành y tế TP sớm hướng dẫn về chuyên môn cho lực lượng y tế phường, đặc biệt là hỗ trợ trang thiết bị, máy thở, bình oxy để sớm hoàn thành việc xây dựng trạm y tế lưu động.

tram y te luu dong Ha Noi anh 1

Một trạm y tế lưu động tại phường Kim Giang, quận Thanh Xuân. Ảnh: Báo Công an Nhân dân.

Còn tại quận Thanh Xuân, Chủ tịch UBND phường Khương Mai Lưu Đình Lượng chia sẻ địa phương cũng gặp khó khăn tương tự trong chọn địa điểm đặt trạm y tế, cũng như huy động lực lượng làm nhiệm vụ tại đây.

"Văn bản hướng dẫn vừa ra ngày hôm qua (21/11), hôm nay chúng tôi bắt tay vào xây dựng phương án để trình lên quận. Nhìn chung, xây dựng được trạm y tế lưu động cũng còn nhiều thách thức nhất là việc tìm vị trí", ông Lượng nói.

Theo Chủ tịch UBND phường Khương Mai, trạm y tế lưu động có khả năng thu dung tối đa 150 bệnh nhân. Việc tìm được địa điểm đủ rộng, lại tách biệt với khu dân cư là rất khó khăn. Ngay cả những điểm như nhà văn hóa của phường cũng không thể đáp ứng.

Bên cạnh đó, một kíp trực trạm y tế lưu động phải có 5 người (một bác sĩ, 2 điều dưỡng, kỹ thuật viên xét nghiệm và dược sĩ). Nhưng nhân lực tại trạm y tế phường hiện nay có tổng cộng 8 người, ông Lượng cho rằng khi vận hành sẽ có thể bị quá tải, chưa kể đến số lượng máy thở, bình oxy, vật tư y tế khác cũng đang còn thiếu.

"Ngày 25/11, chúng tôi sẽ có văn bản trình lên quận báo cáo về kế hoạch xây dựng trạm y tế lưu động cũng như các phương án. Từ đó, quận sẽ có ý kiến lên thành phố để kiến nghị phân bố, bổ sung nguồn lực cho phù hợp", lãnh đạo phường Khương Mai nói.

Ở ngoại thành, ông Tạ Quang Thái, Chủ tịch UBND xã Mê Linh, huyện Mê Linh, cũng thừa nhận nhiều khó khăn khi xây dựng phương án hoạt động cho trạm y tế lưu động. Ông cho rằng với lực lượng, con người như hiện nay, khả năng thu dung, điều trị cho số lượng lớn F0 là rất khó khăn.

"Sáng nay, huyện đã tổ chức họp về vấn đề này, tôi cũng đã đề xuất trưng dụng tạm thời nhà văn hóa xã. Nhưng đặc thù ở nông thôn là rất thiếu thốn, nhân lực trạm y tế trình độ chuyên môn cũng không cao như tại các quận. Dù có tìm được địa điểm đủ rộng thì nhân lực cũng không đủ để đáp ứng hoạt động liên tục", ông Thái lo ngại.

Chuyên gia kiến nghị điều trị F0 thể nhẹ tại nhà

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, thì lo ngại trạm y tế lưu động nếu không đáp ứng các điều kiện cần thiết dễ dẫn đến quá tải khi số lượng F0 tăng vọt. Bên cạnh đó, nhân lực, máy móc phục vụ cho trạm y tế lưu động đòi hỏi một khoản kinh phí tương đối lớn để duy trì hoạt động.

"Trạm y tế lưu động chủ yếu để thu dung, điều trị F0 thể nhẹ, không triệu chứng. Tức là hàng ngày đo nhiệt độ, huyết áp, nhịp tim, phát thuốc cho F0 và phục vụ ăn uống, có chức năng gần giống với khu cách ly tập trung. Như vậy thì không phù hợp với tính chất của trạm y tế lưu động", ông Hùng nói.

tram y te luu dong Ha Noi anh 2

Một buổi diễn tập điều hành trạm y tế lưu động tại phường Giảng Võ (Ba Đình). Ảnh: Kinh tế Đô thị.

Theo Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, trạm y tế lưu động nên là nơi tiếp nhận, cấp cứu ban đầu trường hợp mắc Covid-19 cần can thiệp y tế, cần được thở oxy. Còn F0 không có triệu chứng khỏe mạnh gần như người bình thường thì TP nên cho họ tự điều trị, cách ly tại nhà.

Ông Hùng cũng dự báo với tỷ lệ tiêm chủng 2 mũi cao như hiện nay, TP có thể mạnh dạn hơn áp dụng chính sách điều trị F0 không triệu chứng ngay tại nhà thay vì điều trị tập trung. Việc này giúp giảm gánh nặng cho y tế cấp xã, phường, vừa giúp tiết kiệm được lượng lớn nguồn lực cho TP.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng cho rằng với việc thích ứng an toàn với dịch bệnh, Hà Nội nên tạo điều kiện cho F0 có thể vừa điều trị, hồi phục nhưng vẫn có thể làm việc tại nhà trong lúc cách ly, học sinh nhiễm virus cũng vẫn có thể tự học tập.

"Thay vì dồn hết F0 vào cơ sở điều trị vừa thiếu thốn vừa quá tải thì TP nên tính đến điều trị F0 tại nhà như nhiều địa phương khác. Việc này không chỉ giúp ngành y tế có nguồn lực tập trung cho các ca bệnh nặng mà còn giúp người dân được tự cách ly, điều trị với tâm lý thoải mái hơn", ông Hùng nói.

Đến ngày 21/11, nhiều địa phương phía Nam bên cạnh TP.HCM đã bắt đầu thí điểm cách ly F1 và điều trị F0 không triệu chứng tại nhà. Trong đó có Cần Thơ, Trà Vinh, Tiền Giang, An Giang, Bạc Liêu.

Tính đến 18h ngày 21/11, CDC Hà Nội ghi nhận tổng cộng 7.726 trường hợp mắc Covid-19 trên địa bàn ở đợt dịch thứ 4 (tính từ ngày 27/4). Trong đó, số ca nhiễm cộng đồng là hơn 2.800 ca. Tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở Hà Nội đang dẫn đầu cả nước với 99% mũi 1 và hơn 80% mũi 2 ở đối tượng trên 18 tuổi.

Chủ tịch Hà Nội lý giải việc chậm cho học sinh trở lại trường

Ông Chu Ngọc Anh cho biết ngay khi hoàn thành việc tiêm chủng cho học sinh cấp 2 và cấp 3 trên địa bàn, TP sẽ tính toán để các khu vực vùng xanh mở lại trường học.

Hà Nội xây dựng kịch bản 100.000 ca mắc Covid-19

Thành phố giao Sở Y tế nghiên cứu thí điểm điều trị F0 thể nhẹ tại nhà trong trường hợp số ca mắc tăng cao và khả năng thu dung bị quá tải.

Sơn Hà

Bạn có thể quan tâm