Với số lượng ca mắc Covid-19 ở Hà Nội tăng nhanh trong những ngày qua. Toàn bộ 30 quận, huyện trên toàn TP đang cấp tập chuẩn bị các điều kiện vật chất, con người để đưa vào vận hành trạm y tế lưu động. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn không tránh khỏi bối rối đối với mô hình điều trị F0 thể nhẹ ở xã, phường.
Trao đổi với Zing, lãnh đạo một số quận, huyện cho rằng việc lập trạm y tế lưu động còn bất cập, khó khăn. Không chỉ thiếu thốn về trang thiết bị, con người, các quận, huyện còn lo về sự thiếu hụt chuyên môn khi hầu hết chưa được qua diễn tập, đào tạo điều trị ca mắc Covid-19.
Mua sắm dần dần, bổ sung từ từ
Ông Đặng Khánh Hòa, Phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, cho biết việc lên kế hoạch, chuẩn bị cho các trạm y tế lưu động tại phường trên địa bàn đang được triển khai. Phương án trước mắt, quận sẽ huy động toàn bộ nhà văn hóa tại phường để làm nơi điều trị F0 thể nhẹ.
"Về cơ sở vật chất thì gần như phải mua sắm mới 100%, từ giường điều trị, thiết bị, máy thở. Nhưng đến giờ mới dừng lại ở phương án, khi TP duyệt thì lúc đó quận mới bắt đầu mua sắm. Chủ trương trước mắt là không mua sắm ào ạt, chỉ đảm bảo đủ dùng trước rồi sẽ bổ sung dựa trên điều kiện thực tế", ông Hòa nói.
Ông Hòa cũng cho biết phương án đã chuẩn bị hết, nên chỉ mất khoảng 1-2 ngày khi TP chấp thuận là có thể bắt đầu lắp đặt để đưa vào sử dụng trạm y tế lưu động ngay.
Nhân viên y tế trực tại trạm y tế lưu động ở quận Ba Đình hôm diễn tập 6/11. Ảnh: Kinh tế Đô thị. |
Còn tại quận Hoàn Kiếm, một trong 4 quận lõi, Phó chủ tịch UBND quận Nguyễn Quốc Hoàn thông tin công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn thành. Quận không gặp khó khăn vướng mắc gì. Tuy nhiên, theo chủ trương của TP, trạm y tế lưu động tại 4 quận nội thành (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng) sẽ được kích hoạt khi lượng bệnh nhân lớn, gây quá tải ở các cơ sở điều trị còn lại.
Ở ngoại thành, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Đình Hoa cho biết huyện đã hoàn thành kế hoạch lập 32 trạm y tế lưu động tại 30 xã và 2 thị trấn trên địa bàn. Riêng khu công nghiệp Phú Nghĩa, ông Hoa cho biết huyện lập thêm 3 trạm y tế lưu động tại khu vực này do lượng lao động lớn.
Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là điều kiện mỗi trạm phải đảm bảo sức chứa lên đến 150 giường bệnh, trong khi không có nhiều địa điểm có thể đảm bảo sức chứa lớn như vậy.
"Có 19 địa phương đề nghị lập tại trường học nhưng huyện không đồng ý. Chúng tôi xác định sẽ đưa trạm này ra ngoài vì sắp tới là thời điểm học sinh bắt đầu quay trở lại trường. Còn về trang thiết bị, chủ trương của huyện là trang bị cho 3-5 trạm trước, bởi mua sắm đồng loạt thì không đủ nguồn lực và lãng phí", ông Hoa nói.
Về nhân lực vận hành trạm, do lực lượng y tế mỗi trạm y tế xã chỉ chưa đến 10 người, huyện sẽ huy động thêm y, bác sĩ về hưu và từ một số cơ sở y tế tư nhân. "Trong tuần này, huyện sẽ cho tập huấn nghiệp vụ và diễn tập tình huống luôn", lãnh đạo huyện Chương Mỹ nói.
Mong TP sớm có giải pháp hỗ trợ
Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho biết đến nay, huyện đã ra quyết định thành lập 8 trạm y tế lưu động, đang tiếp tục rà soát để lập thêm, đảm bảo đủ mỗi xã có một trạm. Tuy nhiên, lãnh đạo huyện Thường Tín lo ngại trình độ chuyên môn của lực lượng y tế xã còn chưa cao, chưa đảm bảo có thể thu dung, điều trị số lượng lớn F0.
"Tìm được nhân lực đủ điều kiện vận hành trạm y tế cũng là vấn đề khó khăn. Nếu huy động tại bệnh viện thì một người 2 vai liệu họ có bị quá tải không. Rồi về cơ sở vật chất, trạm y tế cố định còn đang thiếu thốn thì trạm y tế lưu động còn khó khăn hơn", ông Huy nói.
Lãnh đạo huyện Thường Tín kiến nghị TP sớm có giải pháp hỗ trợ địa phương nhất là huyện ngoại thành về nhân lực, hướng dẫn việc mua sắm trang thiết bị cho đúng quy định, phù hợp. Ông đề nghị Sở Y tế sớm triển khai đợt tập huấn để đảm bảo năng lực chuyên môn cho nhân lực vận hành trạm.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân Covid-19 trong buổi diễn tập tại quận Ba Đình. Ảnh: Kinh Tế Đô Thị. |
TP.HCM là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước áp dụng mô hình trạm y tế lưu động. Nhưng đây lại không phải mô hình có chức năng tương tự ở thủ đô. Nhiệm vụ của các trạm này là quản lý, hỗ trợ theo dõi, điều trị F0 tại nhà, sớm phát hiện ca bệnh nặng để nâng tầng điều trị kịp thời, hạn chế tử vong.
Ngoài ra, TP.HCM cũng tận dụng rất tốt các trạm này làm điểm chủng vaccine ngừa Covid-19. Trạm Y tế lưu động được trang bị đầy đủ bình oxy cố định, bình di động, máy đo SpO2, dụng cụ cấp cứu cơ bản, túi thuốc hỗ trợ nâng cao thể lực và các loại thuốc cần thiết khác theo chỉ dẫn của Bộ Y tế.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, nêu ý kiến TP nên triển khai điều trị F0 không triệu chứng tại nhà luôn thay vì điều trị tại trạm y tế lưu động.
Tương tự TP.HCM, ông Hùng cho rằng trạm y tế lưu động nên là nơi tiếp nhận, cấp cứu ban đầu cho trường hợp mắc Covid-19 cần can thiệp y tế, cần được thở oxy. Còn đối với F0 không có triệu chứng khỏe mạnh gần như người bình thường, Hà Nội nên cho họ tự điều trị, cách ly tại nhà. Việc này giúp bệnh viện, cơ sở y tế dành nguồn lực điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh khác, thay vì đổ hết vào chống dịch như hiện nay.
Ngày 21/11, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành công văn khẩn hướng dẫn các địa phương triển khai trạm y tế lưu động để điều trị F0 thể nhẹ và không triệu chứng.
Một kíp làm việc có 5 người gồm bác sĩ phụ trách, 2 điều dưỡng, kỹ thuật viên và dược sĩ. Căn cứ số lượng người bệnh có thể bố trí kíp nhân lực y tế phù hợp, bảo đảm điều kiện hoạt động của cơ sở.
Tại mỗi trạm y tế lưu động được chia làm 3 khu: Khu vực đón tiếp, phân loại bệnh nhân; khu hành chính, hậu cần; khu cách ly, điều trị. Riêng khu vực cách ly, điều trị được chia làm 2 loại đối tượng người bệnh, đó là phòng điều trị F0 khỏe mạnh, không triệu chứng và phòng điều trị F0 triệu chứng nhẹ.