Chiều 29/11, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc của Thường trực Thành ủy Hà Nội về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Trước nguy cơ khó lường của dịch bệnh cũng như số ca mắc Covid-19 mới tăng nhanh, Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu tiếp tục củng cố hệ thống y tế cơ sở, huy động các lực lượng y tế và tăng cường tập huấn, hướng dẫn đối với lực lượng tuyến xã, phường.
Đáng chú ý, Thành ủy Hà Nội thống nhất triển khai điều trị F0 thể nhẹ và không triệu chứng tại nhà khi bảo đảm đáp ứng các yêu cầu của ngành y tế; sẵn sàng các phương án theo dõi, phân luồng, cơ số thuốc điều trị để hạn chế F0 phải chuyển tầng điều trị; thường xuyên cập nhật trên phần mềm theo dõi, quản lý F0 của thành phố.
Thường trực Thành ủy chỉ đạo cho học sinh THPT đi học trực tiếp từ ngày 6/12 và tiếp tục nghiên cứu cho học sinh trung học cơ sở tiếp tục đến trường sau khi hoàn thành việc tiêm vaccine cho trẻ 12-15 tuổi theo kế hoạch. Đồng thời, Hà Nội cũng chỉ đạo nghiên cứu có phương án tầm soát y tế phù hợp để bảo đảm an toàn cho học sinh khi quay trở lại trường.
Báo cáo tại cuộc họp, UBND thành phố cho biết dịch có nguy cơ bùng phát và có thể xuất hiện nhiều ca bệnh mới. Nguyên nhân do mầm bệnh đã tồn tại ngoài cộng đồng, còn những ca bệnh chưa được phát hiện; dịch xâm nhập từ các tỉnh, thành phố có dịch và người nhập cảnh. Bên cạnh đó, chủng virus biến thể lây lan nhanh khó lường (hiện Việt Nam đã có 7 biến thể).
Trao đổi với Zing trước đó, nhiều chuyên gia đã lên tiếng ủng hộ việc điều trị F0 thể nhẹ và không triệu chứng tại nhà, đồng thời kiến nghị Hà Nội sớm triển khai việc này. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế), Hà Nội cần lường trước tình huống số ca mắc vượt 1.000 ca mỗi ngày. Khi đó, TP cần chuyển hướng thay vì điều trị tập trung như hiện nay.
Theo đó, khi hoạt động kinh doanh, sản xuất trở về trạng thái bình thường mới, ý thức người dân sẽ là yếu tố then chốt trong phòng chống dịch thay vì các thiết chế quản lý, giám sát. Điều trị tại nhà sẽ giúp người bệnh duy trì công việc, học tập, thu nhập và đóng góp cho xã hội. Việc này phù hợp với chiến lược chống dịch trong giai đoạn sống chung an toàn, linh hoạt với dịch bệnh.
"Bộ Y tế đã hướng dẫn quy trình điều trị F0 tại nhà, cơ chế quản lý, giám sát sẽ phân cấp triệt để cho địa phương, tổ Covid-19 cộng đồng, trạm y tế lưu động. Quan trọng nhất vẫn là sự tự giác, ý thức của người dân", ông Phu nói.
Số liệu thống kê cho thấy, giai đoạn từ ngày 21/11 đến ngày 29/11, TP ghi nhận 2.267 bệnh nhân, trong đó, có 1.402 trường hợp đã tiêm 2 mũi vaccine (chiếm 61,8%); trung bình có 284 ca bệnh/ngày. Tỷ lệ F1 chuyển thành F0 có xu hướng tăng nhanh, lên đến 14,9%.
Trên địa bàn thành phố đã ghi nhận một số ổ dịch cộng đồng phức tạp, bùng phát nhanh, không rõ nguồn lây.