Theo nguồn tin của Zing, tại buổi họp yêu cầu Grab giải trình về việc tăng thay đổi chính sách giá và tỷ lệ chiết khấu cho tài xế vào chiều 9/12, Tổng cục Thuế khẳng định Nghị định 126 không có thay đổi về chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT).
Theo đó, Nghị định 126 quy định nghĩa vụ khai thuế VAT đối với hoạt động hợp tác kinh doanh là do doanh nghiệp thực hiện và doanh nghiệp phải khai thuế VAT đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh.
Đối với Grab là hoạt động kinh doanh vận tải, doanh nghiệp khai thuế VAT theo phương pháp khấu trừ thì thuế suất thuế VAT là 10% và doanh nghiệp được khấu trừ thuế VAT đầu vào theo quy định.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết thêm tại buổi họp, đại diện Grab chưa thông tin rõ cho cơ quan thuế về việc tăng giá và tăng mức chiết khấu đối với tài xế do ảnh hưởng của Nghị định 126.
Tổng cục Thuế khẳng định quy định thu thuế mới không làm tăng nghĩa vụ của cá nhân tài xế và không làm tăng giá cước vận tải. Ảnh: Việt Hùng. |
Trong nội dung giải trình về việc thực hiện Nghị định 126 đối với Grab hôm 8/12, Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ cá nhân, Tổng cục Thuế, cũng khẳng định quy định mới không làm tăng nghĩa vụ của cá nhân tài xế (tài xế chỉ chịu thuế TNCN 1,5% nếu có doanh thu trên 100 triệu đồng) và không làm tăng giá cước vận tải (do chính sách thuế VAT 10% đối với vẫn tải không thay đổi mà vẫn áp dụng từ trước đến nay).
“Do đó, Grab phải có trách nhiệm điều chỉnh lại cơ cấu giá tính thuế để đảm bảo không ảnh hướng đến người tiêu dùng cũng như thu nhập của tài xế”, Tổng cục Thuế nhấn mạnh.
Cơ quan quản lý cho biết trong thời gian qua, chưa có hướng dẫn cụ thể về chính sách thuế đối với mô hình hợp tác kinh doanh với cá nhân nên dẫn đến việc thực hiện khai thuế đối với mô hình Grab không thống nhất, không đúng quy định.
Nghị định 126 là văn bản hướng dẫn về quản lý thuế nên chỉ quy định rõ hơn về việc khai thuế đối với mô hình hợp tác kinh doanh với cá nhân, không phải quy định mới về chính sách thuế VAT - chính sách thuế VAT đối với hoạt động vận tải công cộng không thay đổi, vẫn áp dụng thuế suất thuế VAT 10% như từ trước đến nay.
Đối với trách nhiệm của Grab trong việc phải thực hiện khai thuế VAT theo quy định của pháp luật, Tổng cục Thuế cho biết Grab được xác định là hoạt động kinh doanh vận tải, không phải là hoạt động kinh doanh công nghệ.
Thực tế Grab giữ vai trò quyết định về giá vận tải, quyết định về các chính sách với khách hàng, chịu trách nhiệm giao dịch với khách hàng, do đó, Grab có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ về pháp lý trong mọi lĩnh vực (bao gồm nghĩa vụ thuế) với cơ quan Nhà nước, nghĩa vụ với khách hàng và các vấn đề liên quan đến tư pháp (nếu có) là đúng với bản chất hoạt động kinh tế phát sinh.
Trước đó, khi Nghị định 126 có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12, Grab lập tức có động thái điều chỉnh tăng tỷ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe đối với đối tác tài xế GrabBike tăng từ 23,6% lên 27,273%; với GrabCar, mức khấu trừ mới là 28,364% và 32,841% so với mức 23,6% và 28,375% trước kia.
Cùng với tăng chiết khấu, Grab cho biết tăng giá cước để bù lại mức tăng thuế. Theo đó, giá cước tính theo km của GrabCar 4 chỗ và 7 chỗ khu vực Hà Nội và Bắc Ninh lần lượt tăng từ 8.500 đồng/km lên 9.500 đồng/km và 10.000 đồng/km lên 11.000 đồng/km; khu vực TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai tăng từ 9.000 đồng/km lên 9.500 đồng/km và 11.500 đồng/km lên 12.000 đồng/km.
Tương tự, giá cước GrabBike tại TP.HCM tính trên mỗi km (sau 2 km đầu tiên) cũng tăng từ 3.400 đồng/km lên 4.000 đồng/km; giá cước tính theo thời gian di chuyển (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 300 đồng/phút lên 350 đồng/phút. Tại Hà Nội, giá cước tăng từ 3.500 đồng/km lên 4.000 đồng/km.