Theo Nghị định 126 có hiệu lực từ 5/12, cách tính thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với dịch vụ gọi xe công nghệ như Grab, Go-Jek... sẽ thay đổi. Giá một cuốc xe đặt qua ứng dụng gọi xe sẽ phải tính VAT 10% tương tự taxi truyền thống.
Các doanh nghiệp (Grab, Go-Jek...) sẽ có trách nhiệm kê khai và nộp 10% thuế VAT trên tổng doanh thu mà khách hàng thanh toán. Đây là phần thuế mà người dùng phải trả và doanh nghiệp chỉ là bên nộp hộ.
Từ 11h hôm nay, Grab thông báo điều chỉnh tăng phần khấu trừ với tài xế. Hãng này gộp phần khấu trừ gồm hoa hồng trả cho hãng, 10% thuế VAT và 1,5% thuế thu nhập cá nhân của tài xế.
Theo đó, tỷ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe đối với đối tác tài xế GrabBike tăng từ 23,6% lên 27,273%. Với GrabCar, mức khấu trừ mới là 28,364% và 32,841% so với mức 23,6-28,375% trước kia.
Grab vừa tăng tỷ lệ khấu trừ với tài xế, vừa tăng giá cước vận tải. Ảnh: Việt Hùng. |
Cùng với tăng chiết khấu, Grab cho biết tăng giá cước để bù lại mức tăng thuế. Theo đó, giá cước tính theo km của GrabCar 4 chỗ và 7 chỗ khu vực Hà Nội và Bắc Ninh lần lượt tăng từ 8.500 đồng/km lên 9.500 đồng/km và 10.000 đồng/km lên 11.000 đồng/km; khu vực TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai tăng từ 9.000 đồng/km lên 9.500 đồng/km và 11.500 đồng/km lên 12.000 đồng/km.
Tương tự, giá cước GrabBike tại TP.HCM tính trên mỗi km (sau 2 km đầu tiên) cũng tăng từ 3.400 đồng/km lên 4.000 đồng/km; giá cước tính theo thời gian di chuyển (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 300 đồng/phút lên 350 đồng/phút. Tại Hà Nội, giá cước tăng từ 3.500 đồng/km lên 4.000 đồng/km.
Ví dụ khách hàng đặt xe từ Văn Quán (quận Hà Đông) đi Hồ Gươm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), giá cước quãng đường 10 km phải trả sẽ là 44.000 đồng, thay vì 40.000 đồng như trước đây, tương đương tăng 10%. Di chuyển quãng đường càng dài đồng nghĩa với việc mức tăng càng lớn.
Với một cuốc xe GrabCar có giá cước 110.000 đồng, 100.000 đồng trong đó được xem là doanh thu hợp tác và 10.000 đồng còn lại là thuế suất 10% của doanh thu hợp tác. Sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế VAT (10.000 đồng), doanh thu chia sẻ sẽ còn 100.000 đồng, với 80.000 đồng được chia cho tài xế và 20.000 đồng cho Grab.
* So sánh mức tăng giá GrabBike tại TP.HCM:
Quãng đường | 2 km | 3 km | 4 km | 5 km |
Mức giá cũ | 12.000 đồng | 15.400 đồng | 18.800 đồng | 22.200 đồng |
Mức giá mới | 12.000 đồng | 16.000 đồng | 20.000 đồng | 24.000 đồng |
Tỷ lệ tăng cước | 0% | 3,9% | 6,4% | 8,1% |
Theo tính toán, với GrabBike, nếu cuốc xe 2-4 km, tài xế sẽ sụt giảm thu nhập khoảng 0,6-3,1%. Nếu cuốc xe ngắn dưới 2%, tài xế GrabBike có thể bị hụt doanh thu khoảng 7%. Với GrabCar, mức tăng giá khoảng 4,3-5,5%, tài xế có thể bị giảm thu nhập 1,5-2,7%.
Tuy vậy, Grab cho biết giá cước GrabBike điều chỉnh tăng trung bình 6%, trong khi GrabCar được điều chỉnh thăng thêm 5-6% để bù lại tiền thuế VAT. Theo tính toán, thu nhập của tài xế sẽ ảnh hưởng bởi việc tăng thuế VAT, sụt giảm khoảng 1-2%/năm.
Hãng gọi xe cũng cho biết tiến hành kê khai thuế VAT trên toàn bộ doanh thu hợp tác bằng cách khấu trừ ngay nghĩa vụ thuế VAT (thuế suất 10% hoặc theo hướng dẫn khác của cơ quan thuế tùy thời điểm) cho toàn bộ cuốc xe vận tải trước khi phân chia doanh thu theo hợp đồng cho tài xế với tỷ lệ 80%.