Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Grab tăng giá cước, người dùng tính chuyển sang ứng dụng khác

Trong khi nhiều người tiêu dùng phàn nàn vì Grab tăng cước phí dịch vụ, một số tài xế lo giảm thu nhập vì tỷ lệ khấu trừ tăng và nguy cơ vắng khách.

Nguoi dung Grab tinh chuyen sang ung dung khac vi gia tang anh 1

Nhà cách cơ quan gần 6 km, anh Tuấn Sơn (32 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội) thường xuyên sử dụng GrabCar để đi làm. Anh dành ra khoản tiền cố định khoảng 2,5 triệu đồng mỗi tháng cho việc di chuyển đến nơi làm việc.

Chiều 5/12, anh Sơn cảm thấy bất ngờ khi quãng đường đi như mọi khi từ Keangnam, quận Nam Từ Liêm về Ngã Tư Sở, quận Đống Đa tăng giá cước gần 10.000 đồng lên khoảng 65.000 đồng. “Tôi không hiểu sao giá xăng đang ở mức thấp mà cước vận tải lại tăng. Nếu chi phí đi lại vượt quá 3 triệu đồng/tháng, tôi sẽ cân nhắc chuyển sang sử dụng ứng dụng khác”, anh Sơn nói.

Tương tự, chị Phạm Hiền (ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) thường xuyên sử dụng dịch vụ của Grab trong một thời gian dài. Tuy nhiên, chị tính tới đây sẽ chuyển sang dùng Be. "Ngay cả trước ngày 5/12, giá cước của Grab cũng đã tăng lên cao hơn nhiều so với trước đây, những gói khuyến mại rất ít", chị cho biết.

"Trong giờ cao điểm hoặc trời mưa, giá cước Grab đắt hơn nhiều so với giá taxi bình thường. Hôm nay, tôi book Grab từ nhà ở Bình Thạnh tới Đồng Khởi lúc 16h chiều giá 68.000 đồng. Khi kiểm tra Be, tôi thấy giá chỉ 51.000 đồng. Với mức giá chênh lệch như vậy, chắc chắn tôi sẽ chọn dịch vụ rẻ hơn", chị nói thêm.

Nguoi dung Grab tinh chuyen sang ung dung khac vi gia tang anh 2

Tài xế Grab đối mặt với nguy cơ giảm thu nhập vì thuế tăng và vắng khách. Ảnh: Quỳnh Danh.

Tài xế lo ế khách

Nhiều khách hàng cũng nhắc đến việc Grab thu phụ phí, ví dụ như thời gian từ 23h đến 6h sáng là 10.000 đồng/cuốc xe. Chưa kể khách sẽ bị trừ 3.000-10.000 đồng nếu đến điểm đặt xe muộn quá 5 phút. Grab, Be và Go-Jek áp dụng phí nền tảng từ 1.000-3.000 đồng/cuốc xe.

Trong ngày Nghị định 126 có hiệu lực thi hành (ngày 5/12) quy định mức thuế VAT với ứng dụng gọi xe công nghệ là 10% trên doanh thu, Grab ra thông báo điều chỉnh tăng giá cước cơ bản trên toàn quốc.

Theo đó, giá cước GrabBike tính trên mỗi km (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 3.400 đồng/km lên 4.000 đồng/km; giá cước tính theo thời gian di chuyển (sau 2 km đầu tiên), áp dụng tại TP.HCM. Tại Hà Nội, giá cước GrabBike tăng từ 3.500 đồng/km lên 4.000 đồng/km.

Nguoi dung Grab tinh chuyen sang ung dung khac vi gia tang anh 3

Chuyên gia nhìn nhận việc áp thuế VAT 10% trên tổng doanh thu với hãng xe công nghệ là hợp lý. Ảnh: Duy Hiệu.

Giá cước tính theo km của GrabCar 4 chỗ và 7 chỗ khu vực Hà Nội và Bắc Ninh cũng lần lượt tăng từ 8.500 đồng/km lên 9.500 đồng/km và 10.000 đồng/km lên 11.000 đồng/km. Khu vực TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai tăng từ 9.000 đồng/km lên 9.500 đồng/km và 11.500 đồng/km lên 12.000 đồng/km.

Đại diện Grab lý giải việc tăng giá cước để đảm bảo mức thu nhập cho tài xế sau khi Nghị định 126 có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, Mạnh - một tài xế GrabBike ở Hà Nội - nhìn nhận việc tăng giá cước có thể khiến nhiều khách hàng chuyển sang sử dụng ứng dụng khác, từ đó khiến số lượng cuốc xe trong ngày giảm.

Ngoài việc tăng giá, mức khấu trừ với tài xế GrabBike cũng tăng từ 23,6% lên 27,273%. Với GrabCar, mức khấu trừ mới là 28,364% và 32,841% so với mức 23,6-28,375% trước kia.

"Tăng giá sẽ không giữ được khách"

Grab cho biết nền tảng đặt xe này tiến hành kê khai thuế VAT trên toàn bộ doanh thu hợp tác bằng cách khấu trừ ngay nghĩa vụ thuế VAT cho toàn bộ cuốc xe vận tải trước khi phân chia doanh thu theo hợp đồng cho tài xế GrabBike với tỷ lệ 80%. Với GrabCar, Grab sẽ khấu trừ thuế VAT 10%, thuế thu nhập cá nhân 1,5% và phí sử dụng ứng dụng trên mỗi chuyến xe.

Bà Tạ Thị Phương Lan - Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) - khẳng định các hãng taxi công nghệ phải khai nộp thuế VAT trên 100% doanh thu thay cho cách kê khai cũ.

“Nếu trước đây đặt một chuyến xe Grab hết 100.000 đồng, Grab nhận về 20.000 đồng và chỉ phải kê khai 10% thuế VAT cho khoản thu này, còn tài xế nhận 80.000 đồng và phải chịu 3% thuế VAT cá nhân. Lúc này, chính khách hàng là người chịu thiệt khi phải nhận 2 lần hóa đơn với mức 3% và 10% thuế VAT của các khoản nêu trên nhưng chỉ có giá trị thanh toán phần 10% của 20.000 đồng”, bà Lan nói.

Còn với cách tính thuế theo quy định mới, khi thu tiền từ khách hàng mức 100.000 đồng thì Grab phải xuất hóa đơn với mức 10% thuế VAT của đúng 100.000 đồng, khách hàng sẽ nhận được hóa đơn có giá trị thanh toán bằng tất cả tiền mình bỏ ra. Tài xế sẽ chỉ bị khấu trừ 1,5% thuế thu nhập cá nhân mà không phải nộp thêm khoản thuế 3% thuế VAT cá nhân. Grab sẽ phải chịu trách nhiệm khai thay và nộp thay thuế cho toàn bộ doanh thu của đối tác tài xế xe công nghệ.

Theo bà Lan, với cách tính cũ, Grab sẽ đẩy trách nhiệm cho tài xế đóng mức 3% thuế VAT cá nhân và “né” được rất nhiều thuế. Ngoài ra, Grab cũng nhập nhèm được khoản thu phí nền tảng 2.000 đồng khi tự nhận là hoạt động mô hình công nghệ.

Với cách tính cũ, Grab đẩy trách nhiệm cho tài xế đóng mức 3% thuế VAT và né được rất nhiều thuế.

Bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân

Còn để nói thuế của tài xế bị tăng hay giảm thì lại phụ thuộc vào cách chia phần trăm của Grab khi Nghị định 126 có hiệu lực như thế nào. Nếu đúng bản chất, giữ nguyên mức chia cũ và Grab thực hiện nghĩa vụ thuế theo đúng quy định thì tài xế đang giảm được 3% thuế VAT cá nhân.

Việc điều chỉnh thuế không đánh vào cá nhân nên thu nhập của tài xế không bị ảnh hưởng và việc đó phụ thuộc phần lớn vào quyết định hợp đồng giữa hai bên.

Ông Trần Bằng Việt - nhà sáng lập kiêm CEO Công ty Giải pháp Phát triển DongA Solutions, cựu CEO Mai Linh Taxi - cho rằng thuế VAT 10% áp trên tổng doanh thu nhận từ khách hàng là hợp lý, sòng phẳng và công bằng với các ngành khác và các đơn vị cạnh tranh khác trên cùng ngành.

Ông nhìn nhận xe công nghệ hiện tại sẽ có hai sự lựa chọn. Một là tăng giá để bù khoản 7% thuế tăng thêm, hoặc không tăng giá để giữ được nhiều khách hàng hơn. Trong trường hợp hai, hai bên bị ảnh hưởng sẽ là công ty vận hành app (Grab/Go-Jek...) và chủ xe, thiệt hại như thế nào và bao nhiêu tùy thuộc vào điều khoản cụ thể trong hợp đồng giữa chủ xe và hãng.

“Nếu chủ xe thấy không có lợi, họ có quyền lấy xe ra và chuyển sang hãng khác, hay thậm chí hợp tác chạy taxi. Các hãng công nghệ muốn giữ thì phải điều chỉnh lại. Tuy nhiên, sự chuyển đổi này hơi khó xảy ra do mối quan hệ giữa chủ xe, lái xe và người tiêu dùng với Grab là không bình đẳng”, cựu CEO Mai Linh Taxi nêu quan điểm.

Thuế tăng, tài xế xe công nghệ lo không đủ sống

Grab cho rằng việc tăng thuế GTGT với xe công nghệ lên 10% trên doanh thu khiến thu nhập của tài xế giảm 8%, buộc doanh nghiệp phải tính đến chuyện tăng giá cước.

Grab đột ngột tăng giá cước

Ngay khi Nghị định 126 có hiệu lực thi hành từ hôm nay (ngày 5/12), Grab lập tức điều chỉnh tăng khấu trừ với tài xế và tăng giá cước cơ bản trên toàn quốc.

Văn Hưng

Bạn có thể quan tâm