Theo Reuters, Malaysia, Singapore, Indonesia và Philippines đang xem xét thỏa thuận "bán mình" cho Grab của Uber ở Đông Nam Á có ảnh hưởng đến nguyên tắc cạnh tranh hay không.
"Thương vụ Grab và Uber có thể ảnh hưởng sâu rộng đến các phương tiện giao thông và dịch vụ lữ hành. Do đó, PCC đang soi xét thỏa thuận này", trích thông cáo từ Ủy ban Cạnh tranh Philippines (PCC).
Trong khi đó, tại Indonesia, Bộ Giao thông nước này yêu cầu Grab và đối thủ Go-Jek đăng ký kinh doanh như một công ty vận tải để đáp ứng các yêu cầu về an toàn dịch vụ, có thể kiểm soát.
Tại Singapore và các nước khu vực Đông Nam Á, Grab vẫn đang nằm trong diện theo dõi. |
Tại Malaysia, Grab và Uber cũng bị đưa vào tầm ngắm, tránh những biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh, tăng phí đột ngột.
Trong một động thái hiếm hoi, Singapore tuần trước đã đề xuất các biện pháp tạm thời yêu cầu Uber và Grab ngưng tiến hành các biện pháp sáp nhập trong khi đang điều tra. Hai doanh nghiệp này cũng bị yêu cầu giữ nguyên các chính sách về giá, không chia sẻ cho nhau những thông tin bảo mật liên quan đến vấn đề định giá, số liệu khách hàng...
Đảo quốc sư tử cũng là quốc gia có lập trường rõ nhất về thương vụ Grab - Uber, khi cho rằng thỏa thuận này phạm điều khoản 54 của Đạo luật Cạnh tranh, vốn cấm việc sáp nhập nếu gây giảm tính cạnh tranh trên thị trường.
Trước khi rút lui khỏi Đông Nam Á, Uber từng tháo chạy khỏi Trung Quốc, bán lại các hoạt động kinh doanh cho đối thủ Didi Chuxing. Sau thương vụ với Uber, ngoài tiếp quản các hoạt động tại 8 nước Đông Nam Á, Grab cũng sẽ mở rộng dịch vụ giao đồ ăn.
Tuy mua lại đối thủ lớn nhất của mình, nhưng có thể Grab sẽ không "một mình một bóng" quá lâu, bởi ứng dụng Go-Jek dự định khai trương dịch vụ tại Singapore, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Johannes Bernabe, Ủy viên của Ủy ban Cạnh tranh Philippines (PCC), nói với Reuters rằng Manila đang xem xét ít nhất ba ứng dụng chia sẻ xe tương tự Uber, Grab. Nước này cũng giới hạn số lượng xe tham gia ở mức 65.000 chiếc và kiểm tra lại chất lượng xe ba tháng một lần.