Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Một tuần trước khi Uber rời VN: Hãng bỏ khuyến mãi, tài xế đóng app

Nhiều tài xế quyết định nghỉ chạy Uber sớm vì lo khó khăn trong việc tất toán tiền công. Mức khuyến mãi dành cho tài xế của Uber từ vài trăm nghìn nay rớt xuống còn vài nghìn đồng.

Đến ngày 8/4 ứng dụng gọi xe trực tuyến Uber mới ngưng hoạt động tại Việt Nam, nhưng từ ngày 1/4, nhiều tài xế đã quyết định “chia tay” sớm. 

Anh Phan Văn Thế, một tài xế UberX ở quận Bình Tân, TP.HCM đã quyết định nghỉ chạy Uber từ hôm nay, để nghỉ ngơi và chuẩn bị hồ sơ cá nhân cho việc gia nhập Grab.

“Chia tay” sớm đỡ phiền việc đi đòi tiền công

Anh Thế cho biết do lo chuyện sáp nhập Uber vào Grab sẽ ảnh hưởng đến việc tất toán công nợ 2 tuần cuối cùng nên anh đóng luôn app Uber để nghỉ ngơi và có thời gian tìm hiểu thủ tục, để sang tuần nộp hồ sơ sang Grab.

grab mua lai uber anh 1
Tuần cuối cùng, tài xế ngán ngẩm với mức hỗ trợ 2.000 đồng cho mỗi cuốc xe của Uber.

“Hiện tại, nhu cầu khách đặt Uber khá cao. Vào ngày thứ 7, tôi chạy được 25 cuốc xe với thu nhập sau khi trừ chi phí là 1,5 triệu đồng. Có thời gian phí dịch vụ nhân gấp 3 lần, nhưng vẫn nhiều khách đặt xe”, anh Thế cho biết.

Cũng theo tài xế này, từ ngày 23/3, khi Uber có thông báo “về chung nhà” với Grab, nhiều tài xế Uber trong hội chạy ôtô mà anh tham gia đã đóng ứng dụng, ngưng chạy xe. Trong đó, những tài xế coi chạy Uber là việc làm thêm ngoài giờ, đã quyết định nghỉ luôn, không đầu quân chạy Grab. Riêng những người mua xe trả góp hàng ngày như anh Thế phải tiếp tục công việc này với hãng mới.

Theo tìm hiểu của anh Thế, khi chuyển sang Grab, anh phải chịu chiết khấu đến 28,6%, tức cao hơn 3,1% so với chiết khấu hiện tại của Uber (25,5%). Chính sách hợp đồng Grab áp dụng với những đối tác từ Uber chuyển sang như một tài xế mới hoàn toàn, không có bất kì sự hỗ trợ nào.

Bất ngờ mức hỗ trợ 2.000 đồng cho mỗi chuyến xe 

Anh Lê Văn Thắm, chủ xe 51F832xx, cho biết đang làm thủ tục chuyển sang chạy Grab. Anh nói không có ý định đóng app mà muốn chạy đến ngày cuối cùng, khi Uber không còn tồn tại ở Việt Nam. Tuy nhiên, anh rất bất ngờ với mức hỗ trợ có cũng như không của Uber những ngày cuối này.

“Bình thường Uber sẽ hỗ trợ 450.000-850.000 đồng cho tài xế chạy đủ 30-50 chuyến đi. Nhưng bắt đầu từ ngày 29/3, mức hỗ trợ chỉ có 8.000 đồng/4 chuyến. Đây là mức hỗ trợ kiểu cho có, không đủ để chúng tôi mua một chai nước”, anh Thắm nói.

grab mua lai uber anh 2
Những ngày làm việc cuối cùng với tư cách là đối tác Uber của tài xế Trần Thanh Duy ở quận Phú Nhuận. Ảnh: Zen Nguyễn.

Tài xế này ngậm ngùi nói thêm anh gia nhập Uber được 6 tháng và chưa bao giờ thấy mức hỗ trợ lại thấp đến vậy, nên đã bức xúc đóng app nghỉ chạy từ sáng 1/4. Anh hợp đồng với mức chiết khấu 25,5%, giờ gia nhập Grab phải chịu chiết khấu gần 29%.

Chiết khấu cao, anh bảo mình chỉ lo 3 phần, 7 phần anh lo hơn là sợ mình không hợp với văn hóa kinh doanh của Grab, sợ Grab “phân biệt đối xử” vì từng là đối tác của Uber, cạnh tranh trực tiếp trước đây. Ngoài ra, khách hàng của hai ứng dụng cũng không giống nhau nên chắc chắn phải mất một thời gian dài mới có thể hòa nhập.

Chấp nhận chịu chiết khấu cao vì sợ Grab "đì"

Chạy Uber chỉ để kiếm thêm sau giờ hành chính, tài xế Nguyễn Thiện Sơn ở quận Bình Thạnh, cho biết hôm nay (1/4) là ngày đầu anh gia nhập Grab sau 3 năm là đối tác của Uber. Anh nói mức chiết khấu vừa ký cuối tuần trước với Grab chạm ngưỡng 30% khiến anh khá sốc.

“Tôi đi ký hợp đồng với tư cách một tài xế mới gia nhập Grab chứ không phải đối tác của Uber chuyển sang. Lý do tôi làm người mới vì không muốn bị ‘đì’. Nhiều tài xế xưng là người cũ của Uber cho biết không nhận được thiện cảm từ Grab, nên số tài từ Uber muốn tiếp tục chạy không ai khai đối tác cũ cả. Hơn nữa, nếu khai là đối tác của Uber thì mức chiết khấu cũng không thấp hơn bao nhiêu”, anh Sơn cho biết.

Cũng theo tài xế này, với mức chiết khấu 30%, mỗi ngày anh phải chạy hơn triệu đồng mới có dư chút ít.

“Một triệu đồng tôi phải chi 300.000 đồng chiết khấu, thuế… Xăng và các chi phí rửa xe, điện thoại, tổng đài, ăn uống chiếm khoảng 500.000 đồng nữa thì chỉ còn chừng 200.000 đồng. Nhưng với tình hình hiện tại, ngày thường không nhiều tài xế chạy được mức này”, anh Sơn nói.

grab mua lai uber anh 3
Những ngày này, giờ nghỉ trưa, tài xế UberMoto thường tập trung bàn câu chuyện chuyển đổi công việc khi ứng dụng này không còn nữa . Ảnh: Trần Quốc Khánh.

Trong khi đó, vì lo sợ không đủ điều kiện khi chuyển qua Grab, một số tài xế đã tìm mua cho mình tài khoản Grab đã được đăng ký với tên của những tài xế khác.

Ông Nguyễn Văn H., 46 tuổi, một tài xế lái xe UberX ở quận 4, cho biết ông vừa mua một tài khoản Grab ôtô 4 chỗ của một người tên Thanh ngụ quận 10, với giá 800.000 đồng. Lý do khiến ông H. phải mua tài khoản người khác là do chiếc xe của ông H. đời 2009, trong khi Grab yêu cầu đời xe từ 2010 trở về sau mới được tham gia.

Ông H. thở dài nói việc mua tài khoản người khác để chạy cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Việc làm này mang lại nhiều rủi ro, khi Grab phát hiện sẽ bị khóa tài khoản. Thêm vào đó, tài khoản ngân hàng cũng do người khác đứng tên, ông chỉ giữ thẻ ATM của họ để rút tiền hàng tuần, là điều hết sức bất lợi.

Dành cả ngày để làm thủ tục

Những ngày gần đây, trụ sở Grab Việt Nam tại TP.HCM luôn đông đúc. Theo một nhân viên hướng dẫn của hãng này, mỗi ngày có hàng trăm tài xế Uber đến làm thủ tục chuyển đổi, và khẳng định con số sẽ tăng đột biến trong tuần sau.

Ông Phạm Tấn Phát (55 tuổi, tài xế UberMoto khu vực quận Bình Thạnh) cho biết ông đến văn phòng từ 11h mà đến 15h30 ngày 31/3 mới bước ra khỏi khu vực đăng ký.

Ông ngán ngẩm: “Hơn 4 tiếng đồng hồ, đủ thứ thủ tục, thậm chí rắc rối hơn cả Uber trước đây, tôi mới chính thức là tài xế GrabBike. Chúng tôi phải làm lại mọi thủ tục như những đối tác mới”.

Theo ông Phát, trước tiên, các tài xế sẽ được kiểm tra xe và các giấy tờ khác có liên quan, như bằng lái, bảo hiểm xe, hạnh kiểm ở công ty cũ… Sau khi được làm hồ sơ mới, tài xế phải học và kiểm tra cách sử dụng ứng dụng dành cho đối tác, cũng như kỹ năng phục vụ khách hàng.

“Do số người đến đăng ký đông nên thời gian chờ rất lâu. Mất thời gian nhất là việc học và thi. Đây là những kỹ năng cơ bản mà bất kỳ tài xế Uber nào cũng đã được đào tạo. Lẽ ra Grab nên rút gọn, hoặc giảm bớt nội dung này thì hơn”, ông Phát nói.

Khi chuyển sang Grab, tài xế xe 2 bánh sẽ chịu cùng mức chiết khấu với tài xế Grab, là 20%. Đây là mức chiết khấu Grab thu với đối tác sau lần tăng lên đến 23,6%, bị phản ứng và hãng này đã điều chỉnh vào tháng 1.

Ông Bùi Tường Huân (58 tuổi, tài xế UberMoto ở quận 7, vừa hoàn tất thủ tục chuyển đổi sang Grab nhưng ông vẫn chưa sẵn sàng mở ứng dụng này trong ngày 1/4.

“Tôi vẫn chạy Uber cho đến ngày cuối cùng công ty đóng cửa. Gắn bó với cái áo xanh dương hơn 2 năm nay, tôi rất có tình với Uber. Nhưng hãng đi và không nói gì với chúng tôi hết”, ông nói.

Anh Nguyễn Tấn Trung (đối tác chạy UberX khu vực quận 6) cho biết đã 3 lần đến trụ sở Grab tìm hiểu về thủ tục chuyển đổi. Tuy nhiên, với mức chiết khấu hiện tại 28,6-30%, anh quyết định không về Grab mà cho hay mình còn một tuần gắn bó cùng Uber trước khi chuyển sang làm bác tài xe buýt.

Tài xế Uber: Grab thu chiết khấu 28,6% thì... còn gì nữa đâu Chiều 30/3, rất đông tài xế Uber đã đến trụ sở Grab trên đường Tô Hiến Thành, quận 10, TP.HCM. Tài xế Uber than thở mức chiết khấu Grab đang thu là quá cao.

Phương Trang chi 100 triệu USD đầu tư ứng dụng gọi xe thay thế Uber

Khi Uber rút khỏi Đông Nam Á thông qua sáp nhập vào Grab, lập tức Phương Trang rót vốn đầu tư ứng dụng gọi xe, với ý định lấp khoảng trống trước mắt tại thị trường Việt Nam.

Zen Nguyễn - Phúc Minh

Bạn có thể quan tâm