Đây sẽ là vụ giải thể lớn nhất của một công ty Mỹ kể từ khi AT&T bị chia nhỏ thành 7 công ty độc lập vào những năm 1980. Ảnh: Independent. |
Nếu thành công, đây cũng là lần đầu tiên chính quyền Mỹ giải tán một công ty có hành vi độc quyền trái phép kể từ lần chia tách Microsoft thất bại vào 24 năm trước. Nguồn tin cho biết ngoài phương án chia tách, các đề xuất khác bao gồm yêu cầu Google chia sẻ nhiều dữ liệu hơn với các đối thủ cạnh tranh, hay ngăn chặn Google có lợi thế không công bằng trong các sản phẩm về AI.
Theo Bloomberg, chính phủ Mỹ có khả năng sẽ ban hành lệnh cấm các hợp đồng độc quyền, vốn là trọng tâm của vụ kiện chống lại Google.
Nếu Bộ Tư pháp thúc đẩy kế hoạch chia tách, các mảng kinh doanh có khả năng bị yêu cầu thoái vốn cao nhất là hệ điều hành Android và trình duyệt web Chrome của Google. Ngoài ra, các quan chức cũng đang xem xét việc buộc Google phải bán AdWords, nền tảng mà công ty sử dụng để bán quảng cáo văn bản.
Sau phán quyết ngày 5/8 của Thẩm phán Amit Mehta, các cuộc thảo luận của Bộ Tư pháp diễn ra ngày càng dày đặc hơn. Google tuyên bố sẽ kháng cáo. Nhưng Thẩm phán Mehta đã yêu cầu cả 2 bên bắt đầu lập kế hoạch cho giai đoạn thứ 2 của vụ kiện, bao gồm các đề xuất từ chính phủ nhằm khôi phục cạnh tranh công bằng.
Cổ phiếu của Alphabet đã giảm đến 2,5%, xuống còn 160,11 USD trong phiên giao dịch ngoài giờ.
Android và Chrome bị đe dọa
Theo Bloomberg, kế hoạch của Bộ Tư pháp cần phải được thẩm phán Mehta chấp nhận và chỉ đạo công ty tuân thủ. Nếu thành công, việc chia tách Google khỏi Alphabet sẽ là vụ giải thể lớn nhất của một công ty Mỹ kể từ khi AT&T bị chia nhỏ thành 7 công ty độc lập vào những năm 1980.
Trong các buổi thảo luận, nhóm luật sư của Bộ Tư pháp cũng bày tỏ lo ngại về vị thế thống trị trên thị trường tìm kiếm sẽ mang lại lợi thế cho Google trong việc phát triển công nghệ AI.
Luật sư đề xuất chính phủ cần tìm cách ngăn Google yêu cầu các trang web cho phép sử dụng nội dung phục vụ cho các sản phẩm AI, chỉ để được xuất hiện cao trong kết quả tìm kiếm.
Google đã trả đến 26 tỷ USD cho các công ty để biến mình thành công cụ tìm kiếm mặc định. Ảnh: TS. |
Theo nguồn tin nội bộ, việc loại bỏ hệ điều hành Android - hiện được sử dụng trên khoảng 2,5 tỷ thiết bị trên toàn thế giới - là một trong những biện pháp được Bộ Tư pháp quan tâm nhất.
Trong phán quyết, Mehta nhận thấy Google đã yêu cầu các nhà sản xuất thiết bị phải ký thỏa thuận để có quyền truy cập vào các ứng dụng của hãng như Gmail và Google Play Store.
Các thỏa thuận này cũng yêu cầu cài mặc định công cụ tìm kiếm của Google và trình duyệt Chrome trên các thiết bị và không thể gỡ bỏ. Cách làm này khiến các công cụ tìm kiếm khác không thể cạnh tranh.
Phán quyết của Thẩm phán Mehta được đưa ra sau khi một bồi thẩm đoàn ở California phán quyết vào tháng 12/2023 rằng Google đã vi phạm luật chống độc quyền trong việc phân phối ứng dụng Android. Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) đệ trình một bản tóm tắt về vụ án đó và tuyên bố rằng Google không nên được phép “hưởng lợi từ sự độc quyền bất hợp pháp”.
Google đã trả đến 26 tỷ USD cho các công ty để biến mình thành công cụ tìm kiếm mặc định trên các thiết bị và trình duyệt web, trong đó 20 tỷ USD rót vào túi Apple.
Lo ngại Google chiếm ưu thế về AI
Phán quyết của Thẩm phán Mehta cũng cho thấy Google đã độc quyền các quảng cáo xuất hiện ở đầu trang kết quả tìm kiếm để thu hút người dùng đến các trang web. Chúng được gọi là quảng cáo văn bản tìm kiếm.
Các quảng cáo này được bán thông qua Google Ads, trước đây gọi là AdWords, và cung cấp giải pháp cho các nhà marketing để chạy quảng cáo dựa trên các từ khóa tìm kiếm liên quan đến doanh nghiệp của họ. Theo lời khai từ phiên tòa năm ngoái, khoảng 2/3 tổng doanh thu của Google đến từ quảng cáo tìm kiếm, lên tới hơn 100 tỷ USD vào năm 2020.
Nguồn tin nội bộ cho biết nếu Bộ Tư pháp không đề nghị Google bán AdWords, họ có thể yêu cầu chia sẻ AdWords để hoạt động trên các công cụ tìm kiếm khác.
Washington lo ngại dữ liệu tìm kiếm từ Google sẽ được sử dụng để phát triển AI, cạnh tranh không công bằng. Ảnh: Computer World. |
Một phương án khác là yêu cầu Google thoái vốn hoặc cấp phép dữ liệu của mình cho các đối thủ như Bing của Microsoft hoặc DuckDuckGo.
Phán quyết của Thẩm phán Mehta cho thấy các hợp đồng của Google đảm bảo rằng công cụ tìm kiếm của hãng nhận được nhiều dữ liệu người dùng nhất, gấp 16 lần so với đối thủ cạnh tranh đứng thứ 2. Đồng thời, dòng dữ liệu đó còn khiến các đối thủ không thể cải thiện kết quả tìm kiếm của họ và cạnh tranh lành mạnh.
Các quy tắc mới đây của EU đã đặt ra yêu cầu tương tự. Cụ thể, Google phải chia sẻ một phần dữ liệu của mình cho các công cụ tìm kiếm của bên thứ 3. Công ty đã tuyên bố việc chia sẻ dữ liệu có thể ảnh hưởng đến quyền riêng tư của người dùng. Vì vậy, hãng chỉ cung cấp thông tin của một vài loại tìm kiếm nhất định.
Trong vụ kiện chống độc quyền chống lại Microsoft, thỏa thuận cuối cùng yêu cầu công ty công nghệ phải cung cấp một số giao diện lập trình ứng dụng của mình (API) miễn phí cho các bên thứ 3. API được sử dụng để đảm bảo rằng các chương trình phần mềm có thể tương tác và trao đổi dữ liệu với nhau một cách hiệu quả.
Hai nhà sáng lập Google tự tay làm nên tất cả
Kể về câu chuyện của 25 doanh nhân của thế giới, sách "Họ đã làm gì để thay đổi thế giới?" vừa là một “kho” tư liệu về tinh thần doanh nhân vừa là nguồn cảm hứng cho những ai muốn tự mình sáng tạo nên những điều ý nghĩa.