Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thua kiện, nhưng Google vẫn thắng

Bất kể tòa án đưa ra phán quyết nào, thói quen của người dùng khi tìm kiếm vẫn không thể thay đổi. Thị trường vẫn chưa có đối thủ nào có thể đối trọng với Google.

Rất có thể phán quyết này sẽ không tạo ra bất kỳ thay đổi nào đối với người dùng hoặc đối với Google. Ảnh: Shutterstock.

Ngày 5/8, tòa án liên bang Mỹ đã tuyên bố Google là kẻ độc quyền. Trong hồ sơ vụ án dài 277 trang, thẩm phán Amit P. Mehta đã kết luận rằng công ty dịch vụ tìm kiếm trực tuyến này đã lạm dụng vị thế thống trị của mình và bóp nghẹt các đối thủ cạnh tranh.

Hãng đã trả cho Apple và Samsung hàng chục tỷ USD mỗi năm để biến Google thành công cụ tìm kiếm mặc định trên các thiết bị di động.

Liệu đây có phải là dấu chấm hết cho Google?

Google dự tính kháng cáo quyết định này. Điều này sẽ càng kéo dài thời gian vụ án vốn đã được Bộ Tư pháp Mỹ khơi mào từ năm 2020. Nhưng trước mắt, sau phán quyết ngày 5/8, Google có thể buộc phải thay đổi phương thức kinh doanh để hạn chế hành vi bất hợp pháp của mình.

Google có thể phải tách khỏi mảng kinh doanh dịch vụ tìm kiếm hoặc hệ điều hành Android. Hãng cũng có thể sẽ bị cấm trả tiền cho Apple để được ưu tiên làm công cụ tìm kiếm trên iPhone. Hay chính phủ buộc Google ngừng trả tiền cho các hãng sản xuất điện thoại Android để cài đặt các ứng dụng của mình.

Song, theo Atlantic, rất có thể phán quyết này sẽ không tạo ra bất kỳ thay đổi nào đối với người dùng hoặc đối với Google.

Phán quyết của ông Mehta tương tự với phán quyết chống độc quyền chống lại Microsoft 24 năm trước. Microsoft đã bị cáo buộc sử dụng vị thế bá chủ của mình trong hệ điều hành Windows để ngăn chặn cạnh tranh trên thị trường trình duyệt web.

Vào thời điểm đó, hơn 90% PC trên toàn thế giới sử dụng Windows. Do đó, Microsoft đã tích hợp Internet Explorer vào hệ điều hành của mình, hòng ngăn cản các đối thủ non trẻ giành được chỗ đứng.

Google van thang anh 1

Sự thống trị của Google khó có thể thay thế. Ảnh: Global Economics.

Để giải quyết tình trạng này, tòa án quyết định Microsoft nên được chia thành 2 công ty: một công ty phát triển hệ điều hành cho Windows và một công ty khác dành cho các dịch vụ còn lại. Microsoft đã kháng cáo để ngăn chặn quyết định đó và thành công.

Đến cuối năm 2009, kết quả của vụ kiện đã ngã ngũ. Microsoft phải mở cửa hệ sinh thái của mình trong hệ điều hành, để các bên thứ 3 tự do tiếp cận tệp khách hàng của tập đoàn.

Nhưng điều đáng nói là nhiều năm sau, Microsoft không còn cần thị trường trình duyệt web như trước đây. Tập đoàn đã xây dựng và phát triển các mảng kinh doanh lớn và thành công trong lĩnh vực trò chơi, điện toán đám mây và dịch vụ dành cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, Microsoft vẫn duy trì quyền kiểm soát chặt chẽ hệ điều hành của mình. Ngày nay, Windows vẫn là hệ điều hành thống trị thị trường PC và Microsoft đang lớn mạnh hơn bao giờ hết.

Khác với Internet Explorer và Microsoft, tìm kiếm và quảng cáo hiện vẫn là hoạt động kinh doanh cốt lõi của Google. Có vẻ như chính phủ sẽ tìm cách chấm dứt các khoản chi khổng lồ giúp Google trở thành công cụ tìm kiếm mặc định khi người dùng nhập từ khóa vào thanh địa chỉ. Điều này có thể mang lại lợi ích cho các đối thủ cạnh tranh của công ty.

CEO Microsoft Satya Nadella, cũng là một trong những đối thủ của Google với công cụ tìm kiếm Bing, đã chứng thực rằng sự thống trị của Google đã tạo ra một “mạng lưới Google” (Google web).

Google là tìm kiếm, tìm kiếm là Google

Nhưng ngay cả khi Google chấm dứt khoản chi khổng lồ để duy trì vị thế thống trị, điều đó không có nghĩa là các đối thủ cạnh tranh sẽ nổi lên hay tăng trưởng mạnh trên thị trường tìm kiếm.

Bộ Tư pháp Mỹ đã tích cực theo dõi hành vi chống độc quyền của các Big Tech như Google, Apple, Meta. Song, Atlantic cho rằng hành động này cần phải xảy ra sớm hơn một thập kỷ, tức là lúc các hãng vẫn còn ít quyền lực và các tính năng, công nghệ vẫn đang trong giai đoạn phát triển.

Theo Atlantic, CEO Microsoft Nadella đã đúng khi nói về trang web của Google. Ngày nay, nhắc đến Google là nhắc đến tìm kiếm.

Khi tìm kiếm, bạn luôn cảm thấy rằng mình đang sử dụng Google Search ngay cả khi thực tế không phải vậy. Tất cả công cụ tìm kiếm của các đối thủ cạnh tranh đều có giao diện và thậm chí hoạt động khá giống Google.

Địa chỉ đường link có thể không hiển thị Google nhưng trải nghiệm vẫn vậy. Ngay cả khi người tiêu dùng được lựa chọn công cụ tìm kiếm mặc định trên điện thoại, nhiều người vẫn có thể chọn Google theo thói quen.

Google van thang anh 2

Ngay cả đối thủ cũng phải học theo giao diện và cách hoạt động như Google. Ảnh: Bloomberg.

Về lý thuyết, chính phủ có thể ép các trình duyệt chọn ngẫu nhiên một công cụ tìm kiếm. Nhưng người tiêu dùng vẫn có thể quay lại với Google vì quen sử dụng công cụ này.

Tương tự với phán quyết của Microsoft, chính phủ có thể thắng Google trong cuộc chiến chống độc quyền trên giấy tờ, nhưng lại thua trên thực tế. Độc quyền không phải là bất hợp pháp, nhưng các hành vi phản cạnh tranh thì có.

25 năm sau khi ra mắt, Google đã thâm nhập sâu vào Internet đến mức không thể hoặc ít nhất là rất khó để đánh bại. Công cụ tìm kiếm của công ty này đã trở thành cơ sở hạ tầng cho hàng loạt dịch vụ khác.

Tính đến nay, vụ kiện Google đã kéo dài 4 năm. Trong thời gian đó, thị phần tìm kiếm trên web của Google đã giảm nhẹ nhưng vẫn chiếm hơn 85% số lượt tìm kiếm ở Mỹ và khoảng 90% số lượt tìm kiếm trên toàn cầu.

Khi mọi việc lắng xuống, áp lực phải chấm dứt vị thế độc quyền bất hợp pháp của Google trong thị trường tìm kiếm có thể tạo ra rất nhiều tài liệu tòa án hay tin tức trên mặt báo. Nhưng sẽ có rất ít thay đổi xuất hiện trong thói quen tìm kiếm của người dùng, Atlantic kết luận.

Hai nhà sáng lập Google tự tay làm nên tất cả

Kể về câu chuyện của 25 doanh nhân của thế giới, sách "Họ đã làm gì để thay đổi thế giới?" vừa là một “kho” tư liệu về tinh thần doanh nhân vừa là nguồn cảm hứng cho những ai muốn tự mình sáng tạo nên những điều ý nghĩa.

Thúy Liên

Bạn có thể quan tâm