Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Google Doodle tôn vinh nữ sĩ Sương Nguyệt Anh

Chân dung nhà thơ Sương Nguyệt Anh, nữ chủ bút đầu tiên của Việt Nam, xuất hiện trên Google Doodle nhân 105 năm ngày phát hành số đầu tiên của tờ báo "Nữ giới chung".

Suong Nguyet Anh anh 1

Google ngày 1/2 tôn vinh Sương Nguyệt Anh - nữ tổng biên tập đầu tiên của tờ báo phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam. Ảnh: Google Doodle.

Ngày 1/2, trên trang Google tại Việt Nam, logo quen thuộc của công cụ này được thay bằng hình ảnh nhà thơ Sương Nguyệt Anh mặc áo dài, bên cạnh đó là bình mai và hình ảnh cách điệu chữ Google. Bức họa do một nghệ sĩ từ Hà Nội - Camelia Phạm - thực hiện.

Tác phẩm nghệ thuật kết hợp hoa mai và bảng màu hoa mai được lấy cảm hứng từ trong những bài thơ nổi tiếng nhất của Sương Nguyệt Anh về cây mai, cũng là biểu tượng cho sự thanh cao và khí tiết: Tài không sắc, sắc không tài / Lá úa nhành khô cũng tiếng mai! / Ngọc ánh chi nài son phấn đượm, / Vàng ròng há sợ sắc màu phai!

Trong lời giới thiệu, Google Doodle tôn vinh Sương Nguyệt Anh là nữ tổng biên tập đầu tiên của Việt Nam. Năm 1917, Sương Nguyệt Anh trở thành chủ bút tờ Nữ Giới Chung (tiếng chuông của nữ giới). Và ngày 1/2/1918, số báo đầu tiên của tờ báo được xuất bản tại Sài Gòn, trở thành tờ báo của phụ nữ Việt Nam.

"Sương Nguyệt Anh được nhớ đến với trí tuệ và nhân cách trong sáng, cũng như sự kiên cường vượt qua nghịch cảnh. Bà là người tiên phong cho các nhà văn và biên tập viên nữ ở Việt Nam và mở đường cho các thế hệ sau", trang Google Doodle ghi nhận.

Bà Sương Nguyệt Anh, tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Khuê (có sách chép là Nguyễn Thị Khuê, Nguyễn Xuân Khuê), tự là Nguyệt Anh, sinh ngày 8/3/1864 tại làng An Bình Đông (nay là xã An Đức, Ba Tri, Bến Tre). Bà là con gái thứ tư của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, mẹ là bà Lê Thị Điền, người làng Thanh Ba, huyện Cần Giuộc.

Thuở nhỏ, bà cùng người chị tên là Nguyễn Thị Xuyến được cha truyền dạy nên giỏi cả chữ Hán lẫn chữ Nôm. Vì thế khi khôn lớn, nổi tiếng tài sắc vẹn toàn, hai chị em bà được người quanh vùng ca tụng gọi là Nhị Kiều.

Năm 1888, Sương Nguyệt Anh được 24 tuổi thì nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu mất. Tri phủ Ba Tường đến hỏi bà làm vợ không được, nên mang lòng oán hận, đang tìm cách hãm hại. Để tránh tai hoạ, bà cùng gia đình người anh (Nguyễn Đình Chúc) chuyển sang Cái Nứa (Mỹ Tho) rồi dời về Rạch Miễu ở nhờ nhà ông nghè Trương Văn Mân.

Ở đây, bà kết duyên với một phó tổng sở tại góa vợ tên Nguyễn Công Tính, sinh được một người con gái tên là Nguyễn Thị Vinh. Năm con gái được 2 tuổi thì chồng mất. Từ đó bà thủ tiết nuôi con, thờ chồng và mở trường dạy chữ Nho cho học trò trong vùng. Bút hiệu Nguyệt Anh cũng được thêm một chữ "sương", thành "Sương Nguyệt Anh", có nghĩa là "Nguyệt Anh góa chồng". Ngoài bút hiệu Sương Nguyệt Anh, bà còn ký nhiều bút hiệu khác như: Xuân Khuê, Nguyệt Nga, Nguyệt Anh.

Năm 1917, bà theo lời mời của các văn hữu lên Sài Gòn làm chủ bút báo Nữ Giới Chung. Tờ báo quy tụ nhiều cây bút có tiếng ở Sài Gòn dạo ấy, với chủ trương nâng cao dân trí, khuyến khích công nông thương và nhất là đề cao vai trò phụ nữ trong xã hội. Tuy nhiên, tờ báo không duy trì được lâu, đến tháng 7/1918, tờ Nữ Giới Chung bị đình bản. Cũng trong năm này, người con gái duy nhất của bà ngã bệnh qua đời.

Sau đó, vì tình trạng sức khỏe, bà Sương Nguyệt Anh dẫn cháu ngoại trở về Mỹ Chánh Hoà (Ba Tri). Nhưng được một thời gian ngắn, đôi mắt bà bị mù loà hẳn. Từ đấy, sớm chiều bà lại tiếp tục dò dẫm bốc thuốc, dạy học và sáng tác thơ văn.

Bà qua đời ngày 9/1/1922 ở độ tuổi 58. Mộ bà hiện nằm cạnh mộ phần của cha mẹ bà, tức nằm trong khu đền thờ và mộ Nguyễn Đình Chiểu ngày nay.

Google Doodle là một biểu tượng đặc biệt, thay thế tạm thời cho biểu tượng trên trang chủ của Google nhằm chào mừng các ngày lễ, các sự kiện, thành tựu và con người. Một số nhân vật của Việt Nam đã được liệt kê trên Google Doodle có thể kể đến: Ngày sinh Trịnh Công Sơn (28/2/2019), ngày sinh Bùi Xuân Phái (1/9/2019) Ngày sinh Xuân Quỳnh (6/10/2019), ngày sinh Tôn Thất Tùng (10/5/2022).

Ai được xem là 'Nhà thơ của làng quê Việt Nam'?

Ông được xem là nhà thơ của làng quê Việt Nam với những bài mang sắc thái dân dã, mộc mạc.

Nữ chủ bút đầu tiên của báo chí Việt Nam hơn 100 năm trước

Bà là nữ chủ bút đầu tiên của báo chí Việt Nam, đồng thời cũng là nhà văn, nhà thơ, nhà yêu nước nổi tiếng đương thời.

Thanh Trần

Bạn có thể quan tâm