Câu 1: Tờ báo đầu tiên của phụ nữ Việt Nam?
Theo Bảo tàng Lịch sử quốc gia, tờ báo đầu tiên của phụ nữ Việt Nam là “Nữ giới chung”. Tờ báo này ra số đầu tiên vào thứ sáu ngày 1/2/1918 tại Sài Gòn. Sự ra đời của “Nữ giới chung” đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử báo chí Việt Nam. |
Câu 2: Tờ báo tồn tại trong khoảng thời gian bao lâu?
"Nữ giới chung" là tờ báo có khuynh hướng yêu nước, chống Pháp một cách kín đáo. Dù vậy, sự khéo léo này cũng không thể che mắt chính quyền thực dân. Do đó, sau 6 tháng xuất bản, tờ báo bị đình bản vào tháng 7/1918. Tuy chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, “Nữ giới chung” đã tạo nên bước ngoặt với lịch sử báo chí Việt Nam. |
Câu 3: Tờ báo xuất bản được bao nhiêu số?
“Nữ giới chung” được xuất bản theo dạng tuần báo, mỗi tuần xuất bản một số vào thứ sáu. Trong khoảng 6 tháng tồn tại, tờ “Nữ giới chung” đã xuất bản được tổng cộng 22 số. |
Câu 4: Phụ nữ nào được nhắc tới trong tờ báo?
“Nữ giới chung” dành nhiều trang ca ngợi những người phụ nữ anh hùng nước Việt. Nữ sĩ Hà Thị Hải đã làm 2 bài thơ “Thất ngôn bát cú Đường luật” để vịnh về công trạng, anh hùng của Bà Triệu, Bà Trưng Nhị. Ngoài ra, những danh nhân như bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm cũng được nhắc tới trong các số báo. |
Câu 5: Ai là nữ chủ bút của tờ báo?
Nữ chủ bút đầu tiên của "Nữ giới chung" là nhà báo Sương Nguyệt Anh. Bà cũng được xem là nữ nhà báo đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam. |
Câu 6: Nữ nhà báo này là con gái của nhà yêu nước nào?
Nữ nhà báo Sương Nguyệt Anh có tên thật Nguyễn Thị Khuê (1864-1922). Ngoài Sương Nguyệt Anh, bà còn ký nhiều bút danh khác như: Xuân Khuê, Nguyệt Nga, Nguyệt Anh... Bà Sương Nguyệt Anh là con gái thứ tư của nhà yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. |
Câu 7: Nhà báo Sương Nguyệt Anh quê ở tỉnh nào?
Bà Sương Nguyệt Anh sinh tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Năm 1917, bà được một nhóm chí sĩ ái quốc mời làm chủ bút tờ “Nữ giới chung”. Sau khi tờ báo bị đình bản, bà bị bệnh thường xuyên, sức khoẻ cũng dần suy kiệt. Nghe lời thầy thuốc, Sương Nguyệt Anh dẫn cháu ngoại trở về Mỹ Chánh Hoà (Ba Tri), sinh sống để chạy chữa nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, đôi mắt bà bị mù hẳn. Từ đây, bà sớm chiều dò dẫm bốc thuốc, dạy học và sáng tác thơ văn cho đến khi qua đời khi 58 tuổi. |