Credit Suisse đã gửi một thông điệp đến các nhà đầu tư trong hội nghị báo cáo tài chính trực tuyến hôm 10/2. Ngân hàng này có kế hoạch thay đổi hướng đi sau 12 tháng đầy biến động với sự sụp đổ của quỹ đầu cơ Mỹ Archegos và công ty tài trợ chuỗi cung ứng Greensill Capital.
Sự thay đổi không thể diễn ra trong một sớm một chiều và “chúng tôi kỳ vọng năm 2022 sẽ là một năm chuyển tiếp”, Giám đốc điều hành Thomas Gottstein cho biết. “Nhưng chúng tôi đã đạt được tiến bộ rõ rệt trong việc xây dựng một ngân hàng ‘dễ đoán’ và ổn định hơn”.
Theo cách nói của giới tài chính, “dễ đoán hơn” đồng nghĩa với việc hạn chế hoạt động của các ngân hàng đầu tư có rủi ro cao - nơi cung cấp các dịch vụ giao dịch, gây quỹ hay tư vấn giao dịch - và hướng tới một nguồn thu nhập ổn định hơn là quản lý tài sản.
Tuy nhiên, việc thay đổi trụ cột kinh doanh của Credit Suisse không hề dễ dàng sau hàng loạt bê bối trong những năm gần đây.
Bí mật chấn động
Dữ liệu rò rỉ từ Credit Suisse do Guardian bắt đầu công bố hôm 20/2 tiết lộ rằng ngân hàng này đã che giấu tài sản của nhiều khách hàng liên quan đến hoạt động buôn bán ma túy, rửa tiền, tham nhũng và những tội ác nghiêm trọng khác.
Những thông tin này cho thấy Credit Suisse dường như đã thất bại trong việc thẩm định khách hàng, dù từng nhiều lần cam kết loại bỏ những khách hàng không minh bạch và các khoản tiền bất hợp pháp.
Ông Axel Lehmann, chủ tịch mới bổ nhiệm của ngân hàng Credit Suisse. Ảnh: AFP. |
Trước những cáo buộc này, Credit Suisse cho biết không thể bình luận về các khách hàng cụ thể, nhưng "bác bỏ mạnh mẽ những cáo buộc và suy luận về hoạt động kinh doanh của ngân hàng".
Credit Suisse cho rằng những suy luận đó dựa trên “một phần thông tin bị tách khỏi ngữ cảnh, dẫn đến các diễn giải có chủ ý về hoạt động kinh doanh của ngân hàng”.
Tuy nhiên, việc 48 cơ quan báo chí đồng loạt công bố thông tin đã đặt ra những câu hỏi nhức nhối cho ngân hàng này.
Giới truyền thông đã liên tục đặt nghi vấn về tính minh bạch trong các hoạt động của Credit Suisse.
Ngân hàng này đã thực hiện đủ các biện pháp để tăng cường kiểm soát hoạt động thẩm định nội bộ chưa? Có phải việc các nhân viên ngân hàng nể nang và làm ngơ khi nhận giữ tiền cho những khách hàng đáng ngờ, đã trở thành văn hóa làm việc của Credit Suisse hay không? Đặc biệt là với các quan chức nhà nước có hành vi tham nhũng? Liệu Credit Suisse có đặt lợi nhuận lên trên đạo đức?
Phản hồi giới truyền thông, ngân hàng này cho biết đây là những vấn đề liên quan đến một phần nhỏ khách hàng trong quá khứ.
Họ khẳng định đã bắt kịp với các quy định của ngành, đưa ra chính sách không khoan nhượng đối với việc trốn thuế và các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt để chống rửa tiền.
Tuy nhiên, Credit Suisse đã dành hàng thập kỷ để xin lỗi về những nỗi kinh hoàng trong quá khứ, chỉ để che giấu nhiều bí mật hơn, theo Guardian.
Trong 6 tháng qua, Credit Suisse thừa nhận đã qua mặt các nhà đầu tư trong vụ bê bối "trái phiếu cá ngừ" của Mozambique.
Kế hoạch tái cơ cấu
Bê bối rò rỉ thông tin lần này cũng đe dọa sẽ tạo ra một kế hoạch tái cơ cấu mạnh mẽ dựa trên việc khai thác bộ phận quản lý tài sản nhiều hơn.
Trụ sở ngân hàng Credit Suisse ở Zurich, Thụy Sĩ. Ảnh: AFP. |
Credit Suisse là một trong những công ty quản lý tài sản lớn nhất trên thế giới, xử lý hơn 1.770 tỷ USD cho khách hàng.
Ngân hàng này đã lên kế hoạch chuyển khoảng 3,27 tỷ USD từ ngân hàng đầu tư sang bộ phận quản lý tài sản vào năm 2024 và thuê ít nhất 500 quản lý để tìm kiếm và phục vụ những khách hàng giàu có.
Cuộc “đại tu” này được các nhà phân tích xem như một phản ứng hợp lý đối với những bê bối gần đây, liên quan đến các sản phẩm đầu tư phức tạp và các dịch vụ với quỹ đầu cơ.
Việc thu hút khách hàng ở các thị trường mới nổi, nơi có nguy cơ tham nhũng lớn hơn, sẽ là một phần trong chiến lược tăng trưởng của ngân hàng.
Credit Suisse đã trải qua nhiều bê bối trong những năm gần đây. Nếu ông Gottstein và ông Lehmann muốn lấy lại lòng tin của thị trường và các cơ quan quản lý, họ sẽ phải chứng tỏ "ác cảm" của mình với những khách hàng không minh bạch, bất kể tài khoản của họ có sinh lợi đến đâu.