TS Trần Hậu Yên Thế. Ảnh: Minh Châu. |
Mỹ thuật Việt - Soi từ phía khác (hình ảnh và bình luận) là cuốn sách chuyên khảo về mỹ thuật Việt Nam của tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế - một nghệ sĩ thị giác kiêm giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Sách gồm 25 bài viết về lịch sử mỹ thuật người Việt từ thời sơ sử đến nửa đầu thế kỷ 20, bắt đầu từ bài Nghệ thuật Đông Sơn và hệ sinh thái duyên hải (cách đây hơn 2.500 năm) cho đến bài Chiếc veston của Chủ tịch Hồ Chí Minh và con tem của họa sĩ Nguyễn Sáng (trong ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập). Trong tất cả bài viết, tác giả phần hình ảnh luôn được đưa lên trước, mục đích cung cấp tư liệu cho độc giả. Phần phân tích, lập luận, biện giải của tác giả ở phía sau, nhất quán với nguyên tắc soi tới đâu nói tới đó.
Nghiên cứu mỹ thuật phải bắt đầu từ những chi tiết nhỏ
Khác với các công trình nghiên cứu về lịch sử mỹ thuật Việt Nam của các nhà nghiên cứu trước đây viết theo lối biên niên sử, hoặc là những cuốn sử Việt, của người Việt, viết cho người Việt, Trần Hậu Yên Thế lại chọn một hướng đi khác, cách tiếp cận khác. Cách làm của ông là soi kỹ từng chi tiết, phát hiện những điều nhỏ nhặt, tưởng như vặt vãnh để hiểu thêm lịch sử mỹ thuật người Việt.
Theo Trần Hậu Yên Thế nghiên cứu mỹ thuật phải bắt đầu từ những chi tiết nhỏ, là soi tới đâu nói tới đó, chứ không phải biết tới đâu nói tới đó. Nhìn là quan sát, soi cũng là nhìn, nhưng nhìn một cách kỹ lưỡng, nhìn một cách đầy nghi hoặc. Mặc dù soi mói mang một ý nghĩa tiêu cực, nhưng soi thật kỹ lưỡng để soi tỏ, phát hiện ra những vấn đề thú vị.
Trong cuốn sách, Trần Hậu Yên Thế đã định vị mỹ thuật Việt trong một hệ tọa độ tham chiếu Đông - Tây, đồng thời, nhìn lịch sử mỹ thuật Việt Nam để mở rộng ra lịch sử văn hóa Việt Nam. Để thực hiện điều này ông đã chọn phương pháp nghiên cứu chính là so sánh.
So sánh ở đây không chỉ đơn thuần là chỉ ra điểm chung và riêng, giống và khác, không để phân biệt cao thấp, không luận hơn thua, trái lại, đây là nghiên cứu những mối quan hệ tương đồng, quan hệ họ hàng hay ảnh hưởng giữa hai nền mỹ thuật, hai nền văn hóa. Một nghiên cứu đối sánh như vậy đòi hỏi sự tổng hợp những góc nhìn, cả quen thuộc lẫn xa lạ.
Với cách tiếp cận đó, cuốn sách cung cấp những tư liệu, chứng cứ mới, từ nhiều nền văn hóa khác lạ (thậm chí rất xa xôi, chắc chắn không có những liên hệ ảnh hưởng, trực tiếp nào) để liên hệ so sánh, đối chiếu. Bạn đọc có thể tiếp tục từ đó đồng hành cùng người viết để lần theo những dấu vết manh mối, tìm ra những mối liên hệ ngầm chi phối những phong cách nghệ thuật của người Việt.
Sách Mỹ thuật Việt - Soi từ phía khác. Ảnh: Việt Linh. |
Giá trị nghiên cứu từ con mắt của kẻ lạ
Tác giả sách cho biết lịch sử mỹ thuật Việt, ngay từ ban đầu, được ghi chép lại qua con mắt của những người xa lạ. Có thể là một sứ giả Trung Hoa, một thương nhân, nhà hàng hải, thầy tu hay học giả phương Tây.
Những người đến từ phương xa, rất khác biệt về tập tục, lối sống, quan niệm cùng đức tin, tất có sự khác biệt trong bình luận, nhận xét về mỹ thuật của người Việt. Nhờ góc nhìn từ phía khác, chúng ta mới có cơ hội phát hiện ra cái khác lạ trong mỹ thuật Việt.
Chẳng hạn như con nghê ở ngai vàng dùng để các hoàng đế đặt chân lên. Trong sách L’Empire d’Annam (Đế quốc An Nam), viên đại úy Ch.Gosselin đã gọi sai là con rồng. Hoặc như, nếu đọc các tài liệu nghiên cứu nước ngoài về trống đồng, dù là tiếng Pháp hay tiếng Trung đều nói hình ảnh trên trống là con ếch. Nhưng phần đông sách vở chúng ta lại gọi là con cóc.
A. Rhodes trong cuốn sách Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài cũng là người phương Tây đầu tiên lớn tiếng phản đối tín ngưỡng thành hoàng làng của người Việt. Nhưng chính qua con mắt của Alexandre de Rhodes, chúng ta có thể chắc chắn rằng, tới thế kỷ XVI thì đình làng đã là không gian văn hóa đặc biệt quan trọng của người Việt.
Samuel Baron đã cảm thấy lạ kỳ khi các quan lại triều Lê khi vào chầu vua phải đi chân đất. Chắc ông cũng sẽ ngạc nhiên không kém khi các đô vật trong tranh Đông Hồ lại đi hài khi thi đấu. Chắc chắn đi hài và không đi hài trong quan niệm của người Việt rất khác người phương Tây, người Hán.
Trần Hậu Yên Thế cũng cho biết ngay cùng một thời kỳ lịch sử, tuy cùng là người phương Tây, khi nhận định về mỹ thuật Việt Nam, ta thấy quan điểm của Louis Bezacier, G.Coedès hay Léopold Michel Cadière, Edmond Gras rất khác Marcel Bernanose…
Bezacier và Coedès hẳn đã ngầm phản đối cách nhìn nhận thành kiến và áp đặt của những người như Bernanose: Người ta thường hay lầm lẫn nghệ thuật Việt Nam với nghệ thuật Trung Quốc. Có người đã gọi nghệ thuật Việt Nam là nghệ thuật phỏng theo nghệ thuật Trung Quốc một cách vụng về và cho nghệ thuật Việt Nam là một nền nghệ thuật thuộc địa. Đây là một sự ngộ nhận rất lớn, tuy nhiên ngộ nhận sẽ bị tiêu tan đi ngay khi nào người ta chịu xem xét kỹ lưỡng đôi chút những di tích cổ truyền của nghệ thuật Việt Nam.
Soi kỹ từng chi tiết, phát hiện những điều nhỏ nhặt, tưởng như vặt vãnh để hiểu thêm lịch sử mỹ thuật người Việt, Mỹ thuật Việt - Soi từ phía khác đã đưa ra một góc nhìn mới về mỹ thuật Việt từ sơ sử đến nửa đầu thế kỷ 20.
Nhận xét về cuốn sách, TS Phạm Long viết: “Nếu cho rằng: ‘Mỹ thuật là một hình thức nhận thức’, thì nghiên cứu mỹ thuật lại càng là một quá trình tự ý thức. Trong nhiều bài viết của cuốn sách, TS Trần Hậu Yên Thế đã hơn một lần trở đi trở lại với những nghiên cứu, phán đoán, nhận định trước đây của mình, để rồi tự phản biện.
Và, dưới những góc nhìn mới, có tham khảo và đối chiếu với những kết quả nghiên cứu mới của đồng nghiệp trong nước và quốc tế - rút ra những kết luận mới có giá trị học thuật. Đây là một thái độ khảo cứu nghiêm túc, có trách nhiệm và khoa học, cũng là một điểm sáng của cuốn sách tổng hợp các kết quả nghiên cứu mỹ thuật mới này của tác giả Trần Hậu Yên Thế”.
Giải thưởng Sách Quốc gia do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức. Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ sáu (2023) tổ chức ngày 29/12/2023 tại Nhà hát Lớn (Hà Nội). Đơn vị tài trợ Kim cương: Ngân hàng VIB, Đơn vị tài trợ bạc: THACO.