Bảo vật quốc gia là những hiện vật có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử được Nhà nước Việt Nam bảo vệ và bảo quản theo chế độ riêng biệt.
Biểu tượng của một thời
Kể từ năm 2011 đến nay, qua 11 đợt xét chọn, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận 20 hiện vật, nhóm hiện vật của Bảo tàng lịch sử quốc gia là bảo vật quốc gia.
20 bảo vật quốc gia này có khung niên đại từ hơn 2.000 năm trước cho đến giữa thế kỷ 20. Ðây đều là những hiện vật tiêu biểu cho từng giai đoạn lịch sử, là cơ sở để chúng ta nghiên cứu, quảng bá về lịch sử, mỹ thuật, văn hóa dân tộc.
Nhằm tôn vinh và giới thiệu giá trị của 20 bảo vật này đến đông đảo công chúng, đồng thời nâng cao trách nhiệm của cộng đồng đối với công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy di sản, Bảo tàng Lịch sử quốc gia biên soạn cuốn sách Bảo vật Lưu trữ quốc gia lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Cuốn sách lần đầu tiên giới thiệu tới độc giả tổng quan về sưu tập 20 bảo vật quốc gia, cùng những phân tích, đánh giá cụ thể về đặc điểm, nét đặc sắc, độc đáo của từng bảo vật, qua đó cho thấy đây thực sự là những đại diện tinh hoa được sáng tạo bởi bàn tay và khối óc của biết bao thế hệ cha ông trao truyền lại cần được nâng niu và giữ gìn. Bên cạnh đó, sách cũng cho biết bối cảnh ra đời, sự tồn tại của 20 bảo vật - biểu tượng của một thời và câu chuyện hành trình đến bảo tàng của chúng.
20 bảo vật quốc gia trong cuốn sách được phân bổ 3 giai đoạn lịch sử: giai đoạn Đông Sơn, giai đoạn lịch sử trung đại và giai đoạn lịch sử cận – hiện đại. Sự phân bổ này không chỉ giúp chúng ta tiện theo dõi nội dung của cuốn sách mà còn giúp chúng ta hiểu thêm về lịch sử của dân tộc.
Sách Bảo vật quốc gia lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử quốc gia. Ảnh: Việt Linh. |
Đại diện tiêu biểu cho từng giai đoạn lịch sử dân tộc
Bảo vật thuộc giai đoạn Văn hóa Đông Sơn - nền văn hóa tạo cơ sở vật chất hình thành nhà nước Văn Lang - Âu Lạc, và làm nên văn minh của ba dòng sông lớn: sông Hồng, sông Mã và sông Cả.
Đầu tiên phải kể đến là trống Ngọc Lũ và trống Hoàng Hạ. Đây là hai trống đẹp nhất, tiêu biểu nhất, có niên đại sớm nhất trong phức hợp trống đồng Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Với sự đặc sắc về hoa văn trang trí, phản ánh đời sống văn hóa, đời sống kinh tế, đời sống tôn giáo tín ngưỡng của cộng đồng cư dân đạt đến trình độ văn minh cao.
Tiếp theo là thạp Đào Thịnh - có kích thước lớn nhất trong những chiếc thạp hiện biết cho đến nay ở nước ta. Đây là một tư liệu hiếm hoi về sự kết hợp giữa nghệ thuật trang trí phù điêu theo lối băng dải, vòng tròn, vốn được coi là đặc trưng của hình họa Đông Sơn.
Tượng người cõng nhau thổi khèn là một tác phẩm tượng tròn độc nhất vô nhị trong văn hóa Đông Sơn, ảnh xạ một phần trong nền nghệ thuật trình diễn của cộng đồng cư dân thời đại này.
Cây đèn hình người quỳ hàm chứa nhiều ngôn ngữ biểu cảm, phản ánh sự giao thoa, tiếp biến văn hóa - một hiện tượng rất phổ biến của nghệ thuật Đông Sơn, đặc biệt ở những thế kỷ đầu Công nguyên.
Bảo vật thuộc giai đoạn lịch sử Trung đại nổi lên những đại diện của văn hóa, văn minh Đại Việt, phản ánh về một quốc gia hùng cường, có truyền thống và sức mạnh trong công cuộc dựng nước và giữ nước, trước mọi thế lực ngoại xâm.
Đầu tiên phải kể đến là ba bảo vật quốc gia có niên đại thời Trần, đó là ấn Môn hạ sảnh ấn, chuông Vân Bản và thống gốm hoa nâu.
Môn Hạ Sảnh ấn là quả ấn duy nhất có niên đại thời Trần, còn lại đến hôm nay. Đó cũng là quả ấn sớm nhất hiện biết trong hệ thống ấn chương thời quân chủ Việt Nam.
Chuông Vân Bản có niên đại thời Trần. Giá trị nổi bật nhất của quả chuông này là minh văn, với nhiều ý nghĩa lịch sử, văn hóa, tôn giáo, đặc biệt là một số chức quan triều đại này. Chuông Vân Bản còn là vật chứng khẳng định Đồ Sơn có vị thế địa chính trị, địa quân sự, trong chiến lược biển của hai triều đại, khi chính quyền Trung ương phát huy Phật giáo nhập thế, là một trong những lực lượng bảo vệ biên hải, khi đất nước luôn phải chống chọi với giặc ngoại xâm từ Biển Đông.
Thống gốm hoa nâu tại Thiên Trường là một đại diện xuất sắc trong dòng gốm riêng của Đại Việt, qua những thông tin về kích thước lớn, tạo dáng lạ, hoa văn trang trí đẹp, thể hiện trình độ làm chủ của người thợ thủ công sản xuất gốm thời Trần.
Một trang của cuốn sách. Ảnh: Minh Châu. |
Thời Lê Sơ và Lê Trung hưng có hai bảo vật: Bình gốm vẽ thiên nga và Bia điện Nam Giao.
Bình gốm vẽ thiên nga là một trong những tác phẩm xuất sắc của dòng gốm hoa lam, thể hiện sự hoàn mỹ của hội họa trên gốm.
Bia điện Nam Giao là một tác phẩm điêu khắc đá với nhiều đề tài ý nghĩa, có kỹ thuật chạm khắc tinh xảo, thư pháp chữ Hán đặc sắc, nội dung liên quan tới một nghi lễ quan trọng của triều đình hàng năm: Lễ tế Nam Giao, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, giữ vững nền thịnh trị cho các triều đại.
Triều Tây Sơn được khắc ghi qua một bảo vật độc đáo và ấn tượng, đó là Trống đồng Cảnh Thịnh, chế tác năm 1800. Trống gợi suy về một gạch nối giữa truyền thống xa xưa đến hôm nay qua truyền thống sử dụng trống đồng của người Việt.
Thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn, có ba bảo vật được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đều liên quan tới hoàng cung.
Ấn Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo chế tác bằng vàng thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Triều Nguyễn, kể từ khi Gia Long lên ngôi cho đến tận vị vua cuối cùng, đều coi đây là kim ấn truyền quốc.
Đế hệ thi là vương phả bằng vàng, thể hiện mong muốn của vua Minh Mệnh, kéo dài dòng họ đế vương của mình hai mươi đời, tương ứng với 500 năm trị vì đất nước.
Sắc mệnh chi bảolà kim ấn, có trọng lượng vàng nặng tới 223 lạng, 6 tiền, kỹ thuật chế tác đạt tới đỉnh cao, thực hiện bởi những thợ thủ công kim hoàn ngự xưởng. Dấu ấn của kim ấn này hiện còn lưu lại trên nhiều văn bản, thường gặp ở các sắc phong, chiếu văn thời vua Minh Mệnh.
Ấn Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷđược chế tác bằng bạch ngọc, có kích thước lớn nhất trong sưu tập ấn chương triều Nguyễn. Ấn được dùng trong lễ tế Nam Giao, đóng trên các văn bản sắc mệnh ban cho các chư hầu, những việc ban bố cho thiên hạ…
Văn hóa Champa có bia Võ Cạnh với những giá trị nổi bật về nội dung văn bia, có liên quan tới vị vua có công sáng lập triều đại đầu tiên của vương quốc Champa. Bia Võ Cạnh còn độc đáo ở khối hình, do người xưa sử dụng nguyên một tảng đá tự nhiên để chế tác, khiến nó khác biệt với hệ thống bi ký nói chung
Bảo vật giai đoạn lịch sử Cận - Hiện đại, đại diện xuất sắc và tiêu biểu là ba tác phẩm của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Đường Kách mệnh là văn kiện lý luận chính trị đầu tiên, có vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị về tư tưởng chính trị, tổ chức cho sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 2/1930.
Nhật ký trong tù - tác phẩm văn học thể hiện lòng kiên trung, ý chí cách mạng của người cộng sản trong lao tù của chế độ Tưởng Giới Thạch. Với 133 bài thơ chữ Hán, Nhật ký trong tù cho thấy một hình ảnh “đại chí, đại nhân, đại dũng” của người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến như một bài hịch, kêu gọi toàn thể nhân dân Việt Nam kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Có thể nói 20 bảo vật quốc gia xuyên suốt chiều dài lịch sử hơn 2.000 năm được giới thiệu trong cuốn sách là những tư liệu quý, bổ ích, giúp độc giả hiểu thêm về lịch sử, mỹ thuật, văn hóa dân tộc.
Giải thưởng Sách Quốc gia do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức. Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ sáu (2023) tổ chức ngày 29/12/2023 tại Nhà hát Lớn (Hà Nội). Đơn vị tài trợ Kim cương: Ngân hàng VIB, Đơn vị tài trợ bạc: THACO.