“Năm tới, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ chở một nhóm đặc nhiệm của Anh và các nước đồng minh đi thực hiện nhiệm vụ tham vọng nhất của chúng tôi trong hai thập kỷ qua: đi tới vùng Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương và Đông Á”, Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu trong phiên họp quốc hội trực tuyến, Nikkei Asia đưa tin 21/11.
Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Johnson công khai bình luận về kế hoạch này, song ông không tiết lộ thêm các chi tiết liên quan.
Trước đó vào tháng 7, tờ The Times đưa tin rằng các chỉ huy quân sự đang lập kế hoạch để đưa tàu sân bay Queen Elizabeth đến vùng Viễn Đông. Con tàu trị giá 3,9 tỷ USD có thể tham gia các cuộc tập trận chung với phe đồng minh, gồm Mỹ và Nhật Bản.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth. Ảnh: Reuters. |
Giới chức Anh cũng từng dự đoán chính phủ sẽ điều một tàu sân bay đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây được coi một thông điệp dành cho Bắc Kinh sau khi nước này gia tăng áp lực chính trị với Hong Kong (Trung Quốc).
Ngoài ra, Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố việc thành lập Lực lượng Không gian mạng Quốc gia và Trung tâm Chỉ huy Không gian để đối phó với các mối đe dọa gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Theo ông Johnson, Lực lượng Không gian mạng Quốc gia đã đi vào hoạt động với đội ngũ nhân sự được tuyển chọn từ cơ quan tình báo MI6 và Trụ sở Truyền thông của chính phủ.
Đơn vị này sẽ bảo vệ người dân và các doanh nghiệp khỏi nguy cơ bị tấn công mạng.
Như vậy, so với cam kết trước đó, chính phủ có kế hoạch chi thêm 21,9 tỷ USD cho lĩnh vực quốc phòng. Nhìn chung, tổng ngân sách quốc phòng của Anh trong 4 năm được nâng lên mức 252,1 tỷ USD, “nhiều hơn bất kỳ quốc gia châu Âu hay đồng minh NATO nào, trừ Mỹ”, ông Johnson cho biết.
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, giới chức Mỹ thường xuyên gây áp lực và buộc các thành viên NATO phải tăng mức chi tiêu cho quốc phòng.
Giới quan sát nhận định chính quyền của tổng thống đắc cử Joe Biden cũng sẽ làm điều tương tự. Các hãng truyền thông nhận xét kế hoạch quốc phòng của ông Johnson là lời tái cam kết về liên minh Anh - Mỹ.