Bộ Ngoại giao Đức từng coi Nhật Bản và Trung Quốc cùng thuộc “miền Viễn Đông”. Song trong thời gian gần đây, bộ này đã thành lập các phòng, ban riêng biệt để chuyên trách từng quốc gia với chính sách khác nhau.
Trong tháng 9, chính phủ Đức còn thông qua bản hướng dẫn chính sách dành cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Dù chưa được hoàn thiện, tài liệu này vẫn nêu lên một thông điệp cụ thể và rõ ràng: Đức muốn hợp tác chặt chẽ với các đối tác cùng chung hệ giá trị như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Ấn Độ.
Những động thái trên phần nào phản ánh sự xoay trục của Đức, từ đó làm sáng tỏ chiến lược đối ngoại của nước này với các quốc gia châu Á, bao gồm Trung Quốc.
Nhìn nhận lại quan hệ với Bắc Kinh?
Khi được hỏi tại sao Đức chuyển sự chú ý sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Peter Altmaier nhận định khu vực này đang ngày càng gia tăng vị thế chính trị, đóng góp vào 40% nền kinh tế toàn cầu.
Nếu không xem xét kỹ vấn đề, người ta hoàn toàn có thể lầm tưởng rằng Đức, một trong những quốc gia có tầm ảnh hưởng nhất khối Liên minh châu Âu (EU), đang về phe Mỹ để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ảnh: Reuters. |
Song chỉ khi được nhìn nhận kỹ càng hơn, chính sách của Đức mới thể hiện tinh thần ngoại giao cân bằng trong khu vực. Tài liệu này chính là kết quả của nhiều năm nghiên cứu và soạn thảo, có mục tiêu dẹp bỏ suy nghĩ rằng Berlin luôn ủng hộ Bắc Kinh trên trường quốc tế.
Từ trước tới nay, Tokyo luôn coi Berlin là một người bạn thân thiện của Bắc Kinh. Chỉ trong năm 2019, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có 12 chuyến công du đến Trung Quốc. Trong khi đó, bà chỉ thăm chính thức Nhật Bản, một thành viên trong nhóm G7, vào năm 2008 và 2015.
Khi ấy, Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schaeuble bay đến Tokyo và mang theo cuốn sách 600 trang của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger có tựa đề “On China” (Tạm dịch: Về Trung Quốc).
Trên thực tế, Đức không hề có mối quan hệ đặc biệt nào với Trung Quốc ở thời điểm này. Song cách thể hiện của giới ngoại giao Đức đã khiến nhiều bên quan sát hiểu lầm.
Cụ thể, người Đức muốn tập trung đối thoại với những quốc gia có quan điểm khác biệt để xây dựng lòng tin chung. Cách tiếp cận này cũng từng được áp dụng khi Đức đối phó với Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
“Đức đã khá quen thuộc với Nhật Bản. Trong khi đó, chúng tôi không biết nhiều về Trung Quốc”, một lãnh đạo của đảng cầm quyền từng chia sẻ.
Thông qua việc “làm ấm” mối quan hệ, Đức cũng có thể duy trì việc xuất khẩu sang Trung Quốc, từ đó vực dậy nền kinh tế đang trên đà khủng hoảng.
Khi Berlin xoay trục
Dù vậy, Berlin đã thay đổi quan điểm về Bắc Kinh trong vài năm gần đây, trong bối cảnh Sáng kiến Vành đai và Con đường đang đưa “con rồng châu Á” đến gần các quốc gia ở Nam Âu và Đông Âu. Nói cách khác, chính phủ Đức đang lặng lẽ xoay trục khi chứng kiến Trung Quốc nhanh chóng giành ảnh hưởng về chính trị và kinh tế tại châu Âu.
Kể từ đó, Bắc Kinh không còn điểm đến ưu tiên trong các chuyến công du của giới chức Đức. Khi Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Peter Altmaier thăm chính thức châu Á lần đầu tiên vào năm 2018, ông đã bỏ qua lời mời từ Trung Quốc để dừng chân tại Nhật Bản và Indonesia.
Sự thay đổi của Đức nhanh chóng được nước láng giềng Pháp hưởng ứng. Năm 2018, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có một bài phát biểu đầy cảm hứng. Trong đó, ông Macron kêu gọi các nước Pháp, Ấn Độ, Australia thành lập một liên minh mới để đối phó những thách thức tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời kiềm chế tham vọng ngày càng tăng từ Trung Quốc.
Trong bài phát biểu, ông Macron từng khẳng định: “Trục Paris - New Delhi - Canberra là liên minh then chốt trong khu vực và trong các mục tiêu chung tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
Khi đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến người dân trên toàn cầu, Đức tiếp tục phải phụ thuộc vào Trung Quốc để tiếp cận nguồn cung các mặt hàng chiến lược. Từ đó, Bộ Ngoại giao Đức cũng phải điều chỉnh tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sao cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.
Theo Nikkei Asia, nhiều quan chức chính trị ở Đức không muốn thể hiện thái độ với một quốc gia cụ thể. Họ muốn tránh xích mích và xung đột với Trung Quốc, đồng thời không muốn đứng hoàn toàn về phía Mỹ.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble. Ảnh: Telegraph. |
Trên bình diện kinh tế, các doanh nghiệp hàng đầu của Đức cũng gặp khó khăn nếu chính phủ nước này tỏ thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc. Ví dụ, nhà sản xuất xe hơi Volkswagen bán được 40% sản phẩm tại thị trường Trung Quốc.
Ông Mark Hauptmann, nhà lập pháp từ Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo, cho rằng Trung Quốc vẫn đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Đức. Theo ông Hauptmann, việc Đức chuyển hướng tập trung sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không đồng nghĩa với việc bỏ qua một thị trường tăng trưởng tốt như Trung Quốc.
Chuyên gia này đánh giá cao khi Berlin có cái nhìn và cách tiếp cận toàn diện với châu Á. Trong tương lai, ông Hauptmann dự đoán Đức, với tư cách là một nhà lãnh đạo tại châu Âu, vẫn có những động thái cứng rắn và cần thiết để góp phần vào sự ổn định trên toàn thế giới.