Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Công hàm Anh - Pháp - Đức phá âm mưu của Trung Quốc ở Biển Đông

Công hàm chung của ba cường quốc châu Âu góp phần phá vỡ chiến thuật "im lặng là đồng ý" của Bắc Kinh trong cuộc chiến pháp lý ở Biển Đông, theo các chuyên gia.

cong ham anh phap duc trung quoc bien dong anh 1

Lợi dụng cơ chế quốc tế, Trung Quốc âm thầm củng cố các yêu sách phi pháp của nước này tại Biển Đông, song thế giới đã nhìn thấy rõ toan tính này và nỗ lực chống lại, các nhà quan sát nói với Zing.

Anh, Pháp và Đức - ba nước quyền lực nhất châu Âu - hôm 16/9 đã cùng đệ trình công hàm chung tại Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (CLCS) thuộc Liên Hợp Quốc để phản bác các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

Các chuyên gia nói đây là diễn biến quan trọng trong cuộc chiến pháp lý tại vùng biển chiến lược, nơi cả ba cường quốc châu Âu đã thể hiện ý định tăng cường vai trò và ảnh hưởng của họ.

Phá âm mưu của Trung Quốc

Kể từ năm 2012, Trung Quốc sử dụng cơ chế CLCS như phương tiện để "tuyên bố" hoặc thông báo về các yêu sách ở Biển Đông một cách có chủ đích, theo ông Jay Batongbacal, giáo sư tại Trường Luật thuộc Đại học Philippines ở Manila, chuyên gia hàng đầu về luật biển quốc tế tại khu vực.

Trung Quốc viện dẫn cái gọi là quyền lịch sử ở Biển Đông và tuyên bố các cấu trúc có khả năng tạo ra đầy đủ các vùng biển và vùng nước liên quan theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Ngoài đệ trình công hàm tại CLCS, họ còn gửi cho tổng thư ký LHQ với yêu cầu lưu hành công hàm toàn thế giới, ông Batongbacal cho biết.

cong ham anh phap duc trung quoc bien dong anh 2

Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: AFP.

"Điều này đặt ra một tình huống mà Trung Quốc có thể tuyên bố rằng họ đã thông báo cho cộng đồng quốc tế về lập trường của họ", ông nói với Zing. "Song cộng đồng quốc tế sẽ không nhanh chóng phản ứng vì công hàm đề cập đến vấn đề giữa Trung Quốc với các quốc gia khác, và họ không liên quan cũng như không nhất thiết phải đưa ra lập trường về vấn đề đó, ví dụ như yêu sách thềm lục địa", ông nói.

Theo luật pháp quốc tế, "chiếm hữu theo thời hiệu" là một trong những cách thức hợp pháp để "thụ đắc lãnh thổ". Cách này đòi hỏi việc chiếm hữu hữu hiệu (effective occupation) được thực hiện trong thời gian dài hợp lý và không vấp phải sự phản đối từ bất cứ quốc gia nào. Phản đối ngoại giao hay các hành động và phát biểu phản đối sẽ vô hiệu hóa việc chiếm hữu theo thời hiệu.

"Tuy nhiên, mưu đồ này rõ ràng đã bị vạch trần, nên hiện nay các cường quốc biển đang đưa ra những tuyên bố rất rõ ràng và rất thẳng thắn để phản bác các yêu sách phi lý của Trung Quốc"

Chuyên gia luật biển Jay Batongbacal

Trong vấn đề Biển Đông, tiếng nói quốc tế càng có vai trò quan trọng. Theo ông Batongbacal, một trong những mục đích của Trung Quốc khi đệ trình các công hàm là có thể tuyên bố trong tương lai rằng cộng đồng quốc tế đã mặc nhận/tán thành, nếu họ im lặng sau các công hàm của nước này.

"Tuy nhiên, mưu đồ này rõ ràng đã bị vạch trần, nên hiện nay các cường quốc biển đang đưa ra những tuyên bố rất rõ ràng và rất thẳng thắn để phản bác các yêu sách phi lý của Trung Quốc", chuyên gia Philippines nói.

Công hàm mới nhất của Anh, Pháp và Đức, cùng với các công hàm/công thư trước đó của Mỹ, Australia, Indonesia, Philippines, Malaysia và Việt Nam, là "sự phản bác rất rõ ràng, rất mạnh mẽ đối với các yêu sách phi lý và phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông".

cong ham anh phap duc trung quoc bien dong anh 3

(Từ trái qua) Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters.

Gió đổi chiều

Diễn biến mới nhất có thể không gây ngạc nhiên, dù được đưa ra ngay sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa EU và Trung Quốc, cũng như chuyến công du năm nước châu Âu của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Song các chuyên gia đều ghi nhận tầm quan trọng của việc Anh, Pháp và Đức cùng thể hiện lập trường chống lại Trung Quốc.

"Không ngạc nhiên lắm khi Anh, Pháp và Đức thể hiện sự tuân thủ luật pháp quốc tế và các chuẩn mực hành vi ở Biển Đông. Các nước Tây Âu này có cùng giá trị và lợi ích như Mỹ và nhiều nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương khác, cho rằng cần phải đẩy lùi các yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc", ông Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại tổ chức nghiên cứu RAND Corporation, nói.

Anh, Pháp và Đức là những nền kinh tế lớn nhất đồng thời là những tiếng nói quan trọng nhất châu Âu, cũng như đều là thành viên của UNCLOS. Pháp và Anh là hai trong năm ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

"Ba quốc gia này đang thông báo đến Trung Quốc rằng họ sẽ chống lại mọi nỗ lực xâm phạm các quyền lợi hợp pháp của họ"

Giáo sư Carl Thayer

Đặc biệt, Pháp có lợi ích đáng kể ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với bảy lãnh thổ hải ngoại tại khu vực. Các lãnh thổ này tạo ra vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng đến 9 triệu km2, hay gần 82% tổng diện tích EEZ của Pháp, theo ông Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales, Canberra, người đã dành nhiều năm quan sát Biển Đông.

"Ba quốc gia này đang thông báo đến Trung Quốc rằng họ sẽ chống lại mọi nỗ lực xâm phạm các quyền lợi hợp pháp của họ", ông Thayer trả lời Zing, khẳng định công hàm ngày 16/9 đánh dấu "diễn biến quan trọng" trong cộng đồng quốc tế giúp tái khẳng định vai trò của UNCLOS.

Ông Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật TP.HCM, thành viên Ban nghiên cứu Luật Biển và Hải đảo thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho rằng công hàm chung của Anh - Pháp - Đức có giá trị pháp lý "rất rõ ràng", và cũng cho thấy sự "thay đổi thái độ" ở châu Âu.

"Với lợi ích đan xen với Trung Quốc, châu Âu vốn luôn trù trừ trong việc đưa ra lập trường rõ ràng về tranh chấp Biển Đông", ông nói. "Tuy nhiên, việc cùng đưa ra công hàm cho thấy ba nước châu Âu đã có bàn bạc và thống nhất rất cao từ trước đó".

cong ham anh phap duc trung quoc bien dong anh 4

Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc hôm 14/9. Ảnh: Reuters.

Khác với Mỹ, nước vẫn chưa phê chuẩn UNCLOS - và điều này thường bị Trung Quốc đem ra để chỉ trích, ba nước châu Âu đều đã gia nhập công ước và có thể hỗ trợ các nước thành viên khác.

"Họ đủ điều kiện để hỗ trợ bất kỳ nước thành viên nào khác của công ước đang tranh chấp với Trung Quốc về các quyền của họ theo luật pháp quốc tế hoặc tự mình thực hiện các hành động pháp lý nếu Trung Quốc xâm phạm lợi ích của họ", ông Thayer nói.

Theo các chuyên gia, diễn biến mới nhất tiếp tục làm suy yếu nỗ lực của Trung Quốc trong trận chiến pháp lý tại khu vực, đẩy Bắc Kinh vào tình thế khó khăn nếu họ vẫn khăng khăng theo đuổi những yêu sách không dựa trên luật pháp.

Năm 2013, khi Philippines lần đầu tiên có hành động pháp lý chống lại Trung Quốc tại Biển Đông, Bắc Kinh đã phát động chiến dịch tuyên truyền toàn cầu để bôi nhọ tòa trọng tài được thành lập theo UNCLOS, và kêu gọi sự ủng hộ đối với lập trường của Trung Quốc. Nhiều quốc gia đã thể hiện sự ủng hộ để có được sự ưu ái từ Trung Quốc.

"Bây giờ gió đã đổi chiều", ông Thayer nói. Những khẳng định quan trọng trong công hàm chung của Anh, Pháp và Đức cũng như các công hàm và tuyên bố trước đó của nhiều nước đã khiến "Trung Quốc hoàn toàn bị cô lập về ngoại giao trong vấn đề này".

cong ham anh phap duc trung quoc bien dong anh 5

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và đồng cấp Đức Heiko Maas tại Berlin hôm 1/9. Ảnh: Reuters.

Quyền lực không thuộc về kẻ mạnh

"Đây là bước tiến trong quá trình lâu dài nhằm làm gia tăng tổn thất ngoại giao đối với Trung Quốc, buộc nước này điều chỉnh hành vi", ông James Kraska, chuyên gia luật biển quốc tế, Chủ tịch Trung tâm Luật Quốc tế Stockton thuộc Đại học Hải chiến Mỹ, nói với Zing.

Dù vậy, giới quan sát cho rằng châu Âu và cả Mỹ lẽ ra cần lên tiếng từ lâu, trong bối cảnh Trung Quốc có thể đã chuyển từ tư duy "giấu mình chờ thời" trước đây sang tư duy "quyền lực thuộc về kẻ mạnh".

"Đã có một thời Trung Quốc rất quan tâm đến việc duy trì danh tiếng là một cường quốc đang trỗi dậy hòa bình. Tuy nhiên, sau 2012, mọi thứ đã thay đổi. Tôi không nghĩ Bắc Kinh còn quan tâm nhiều đến danh tiếng quốc tế của mình nữa", ông Grossman nhận xét.

Mỹ và các quốc gia châu Âu đã không lên tiếng ủng hộ Philippines vào năm 2012 trong sự vụ tại bãi cạn Scarborough, và một lần nữa im lặng khi vụ kiện Biển Đông được Manila đưa ra tòa quốc tế vào năm 2013. Đến khi tòa công bố phán quyết vào năm 2016, Mỹ đưa ra tuyên bố nhưng được đánh giá là chưa đủ mạnh mẽ, theo ông Kraska.

"Đây là bước tiến trong quá trình lâu dài nhằm làm gia tăng tổn thất ngoại giao đối với Trung Quốc"

Học giả James Kraska

Theo ông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, DC, các quốc gia châu Âu đang chịu áp lực phải chứng tỏ rằng họ không bỏ qua nếu Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên, các nước Tây Âu ngày càng thể hiện nhiều hơn sự lo ngại về cách thức Trung Quốc vận động cơ bắp ngoại giao, kinh tế và quân sự trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như về Sáng kiến Vành đai và Con đường mà Bắc Kinh đang thúc đẩy.

Trong tháng này, cả Pháp và Đức đã công bố các tài liệu chính sách lớn nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ủng hộ các thiết chế đa phương, giáo sư Thayer lưu ý.

cong ham anh phap duc trung quoc bien dong anh 6

Tàu chiến Mỹ và Pháp tham gia diễn tập chung ở Thái Bình Dương hồi tháng 1/2018. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Paris đánh giá rằng khu vực này "đang đối mặt với một trong những biến chuyển địa chiến lược sâu sắc nhất, với những hệ lụy trực tiếp có thể xảy ra đối với lợi ích của Pháp".

Trong khi đó, ngoại trưởng Đức tuyên bố sự thịnh vượng và ảnh hưởng địa chính trị của Berlin "sẽ phụ thuộc vào cách chúng ta làm việc với các nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" bởi vì đó "là nơi mà hình hài của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ngày mai sẽ được quyết định". Đức cũng phản đối tư duy "quyền lực thuộc về kẻ mạnh".

Anh vẫn chưa công bố điều gì như vậy và câu chuyện "Brexit" đang diễn ra đã làm phức tạp mối quan hệ của nước này với khu vực. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều lời kêu gọi tại nước này nói London nên triển khai tàu quân sự và kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.

"Ba nước này, đặc biệt là Anh và Pháp, nhận thấy rằng các mối đe dọa của Trung Quốc đối với luật lệ và chuẩn mực quốc tế trên thực tế đe dọa toàn bộ hệ thống, từ đó đe dọa đến an ninh quốc gia của họ", ông Poling nói.

"Biển Đông là mặt trận trong đó Bắc Kinh phớt lờ hoặc nỗ lực viết lại luật lệ và một số quốc gia châu Âu đang bắt đầu nhận ra rằng việc cho phép Trung Quốc làm như vậy sẽ có những tác động lớn ảnh hưởng đến họ".

Theo ông Thayer, sự gia tăng hiện diện của châu Âu mang đến hàng rào bảo vệ trước sự bất định về vai trò lãnh đạo của Mỹ tại khu vực trong tương lai, cũng như giúp ASEAN có nhiều lựa chọn hơn trong việc xử lý căng thẳng Trung - Mỹ.

Song, như ông Poling và một số nhà quan sát chỉ ra, việc đệ trình công hàm chung của Anh, Pháp và Đức mới chỉ là bước đầu.

"Những nước này cũng như những nước khác ở châu Âu, Ấn Độ và những nước còn lại phải lên tiếng", chuyên gia CSIS nói.

Thông điệp cứng rắn của Anh, Pháp, Đức từ công hàm chung phản bác TQ

Chuyên gia nhận định ba nước này, đặc biệt là Anh và Pháp, nhận thấy mối đe dọa đối với luật lệ và chuẩn mực quốc tế đến từ Trung Quốc cuối cùng sẽ đe dọa an ninh quốc gia của họ.

Anh, Pháp, Đức gửi công hàm phản bác yêu sách của TQ ở Biển Đông

Phái đoàn thường trực ba nước châu Âu tại LHQ gửi công hàm chung phản bác các yêu sách phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông, tiếp nối sự lên tiếng của nhiều quốc gia.

Vũ Mạnh

Bạn có thể quan tâm