Sau nhiều năm định hình chiến lược châu Á xoay quanh Trung Quốc, Đức đã từ bỏ chính sách này và tập trung xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn với các nền dân chủ trong khu vực như Nhật Bản và Hàn Quốc để thúc đẩy pháp quyền.
Sự thay đổi này diễn ra trong bối cảnh châu Âu ngày càng lo lắng về sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong kinh tế, cũng như hồ sơ nhân quyền của nước này, theo Nikkei Asian Review.
Cách tiếp cận cứng rắn hơn
"Chúng tôi muốn giúp định hình [trật tự toàn cầu trong tương lai] để nó dựa trên các quy tắc và hợp tác quốc tế, không dựa trên luật của kẻ mạnh", Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết hôm 2/9. "Đó là lý do chúng tôi đã tăng cường hợp tác với những nước có các giá trị dân chủ và tự do như chúng tôi".
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) gặp Ngoại trưởng Đức Heiko Maas tại Berlin hôm 1/9. Ảnh: Reuters. |
Trong ngày 2/9, Đức đã ban hành chỉ dẫn chính sách mới đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhấn mạnh tầm quan trọng của pháp quyền và thúc đẩy thị trường mở tại khu vực. Chiến lược này có những điểm tương đồng với cách tiếp cận của Pháp, cũng như Nhật Bản, Australia và các thành viên của Hiệp hội Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Trung Quốc từng là trọng tâm ngoại giao của Berlin ở châu Á, với việc Thủ tướng Đức Angela Merkel thăm nước này gần như hàng năm. Trung Quốc cũng chiếm 50% thương mại của Đức với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế đã không mở cửa thị trường Trung Quốc như kỳ vọng. Các công ty Đức hoạt động ở đó đã bị chính phủ Trung Quốc ép buộc chuyển giao công nghệ.
Việc đàm phán một hiệp định đầu tư giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Trung Quốc để giải quyết những vấn đề như vậy đã bị đình trệ, làm dấy lên lo ngại về việc châu Âu đang trở nên quá phụ thuộc kinh tế vào Bắc Kinh.
Điều này xảy ra đồng thời với việc ngày càng có nhiều chỉ trích về luật an ninh quốc gia mới mà Bắc Kinh áp đặt lên Hong Kong. Từ đó, các chính sách mềm mỏng với Trung Quốc của bà Merkel ngày càng vấp phải nhiều sự chống đối tại Đức.
Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới của Berlin có cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, bao gồm những chỉ trích đối với khoản nợ khổng lồ tại các nước tham gia chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.
Các công ty Đức cũng lo ngại về hoạt động kinh doanh và bảo vệ tài sản trí tuệ của họ ở Trung Quốc, đặc biệt sau khi nhà sản xuất thiết bị gia dụng Trung Quốc Midea Group mua lại công ty sản xuất robot Kuka của Đức vào cuối năm 2016.
Doanh nghiệp lo ngại
Các doanh nghiệp Đức cũng không khỏi do dự khi từ bỏ một thị trường quá lớn như vậy.
Tuy nhiên, châu Âu nói chung dường như đang đánh giá lại mối quan hệ với Trung Quốc. Năm 2019, EU coi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh chiến lược", nêu bật sự cạnh tranh về thương mại và công nghệ giữa khối với nền kinh tế lớn nhất châu Á.
Chuyên gia Patrick Koellner tại Viện Nghiên cứu Khu vực và Toàn cầu của Đức cho biết EU đã chứng kiến sự chuyển hướng sang chiến lược tỉnh táo hơn đối với Bắc Kinh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Berlin năm 2017. Ảnh: Reuters. |
Đức có kế hoạch làm việc với Pháp để hướng tới một chiến lược toàn EU về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Berlin đặt mục tiêu tăng cường ảnh hưởng của mình trong vấn đề này bằng cách vận động cả khối đứng về phía mình.
Anh và Pháp cũng đã bắt đầu đẩy nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc Huawei ra khỏi mạng 5G của họ.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị mới đây đã có chuyến công du châu Âu với kỳ vọng lôi kéo EU đứng về phía Bắc Kinh, nhưng chuyến đi của ông phần lớn làm nổi bật sự rạn nứt ngày càng gia tăng giữa hai bên.
Không lâu sau khi ông Vương đặt chân đến châu Âu, nhà ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borrell đã có bài viết trên báo chỉ trích Trung Quốc là "đế chế mới" và thúc giục châu Âu điều chỉnh quan hệ với Bắc Kinh trước khi "quá muộn".
"Chúng ta cũng bắt buộc phải học thứ mà tôi đã gọi là ngôn ngữ của kẻ mạnh", ông viết.