Có người vừa ngủ lại
Giấc sớm ngày không tỉnh dậy
Trên đường chúng ta còn đi tiếp
***
Người dừng lại khi còn muốn đi nữa
Khi những nghĩ mới còn lên
Có thể ngay trên chiếc gối ướt nhàu giường bệnh
Mà không sao hiện được thành chữ
Chỉ như ký tự mấp máy
***
Điều gì nôn nao thế
Khi một nhà văn không kịp làm gì nữa
Cho ngày tháng chung chúng ta đẹp lên
Khốn khổ cho chúng ta khi nhận ra
Không làm gì hơn được nữa cho người
Ngay cả một lời cảm ơn
***
Chỉ còn những lần gặp để nhớ lại
Những thoáng buồn không muốn nói ra
Điểm thành giọt nước mắt lóe sáng
Rơi trong năm tháng sống còn
***
Một nhà văn ở lại
Gửi cho chúng ta đôi mắt thắm
Phía mây kia đằng cuối chân trời
Và tình yêu hoa cỏ của người
Còn mọc lên trên đường đau nhói
Tập thơ Mùa biến ảo của Nguyễn Quang Hưng. Ảnh: FBNV. |
Lời bình
Nhà văn nói riêng và nghệ sĩ nói chung là những người vừa sống cuộc sống đời thường, vừa sống đời nghệ thuật. Hai thế giới ấy soi vào nhau, thấm vào nhau, có thể không trùng khít, nhưng luôn đòi hỏi một thái độ dấn thân tận cùng của người nghệ sĩ. Vừa nhạy cảm, lại vừa sống nhiều hơn một cuộc đời, ở đỉnh cao của trải nghiệm, những vui buồn, hạnh phúc, đớn đau, khắc khoải đã ngưng kết thành nghệ thuật.
Bài thơ của Nguyễn Quang Hưng viết về sự “ở lại” của một nhà văn, hiểu theo nghĩa là anh ta đã không còn tiếp tục cuộc hành trình nhân sinh nữa. Những ý tưởng, những dự định, những hi vọng làm cho cuộc đời đẹp hơn lên cũng dừng lại. Chính điều đó tạo nên không khí cảm thương và tiếc nhớ bao trùm bài thơ.
Một nhà văn ở lại mang cái nhìn của người còn dấn bước. Con đường nhân sinh, con đường nghệ thuật trong ý nghĩa mang tính lịch sử không hẳn đã mất đi sự hiện diện của người ở lại. Giọt nước mắt lóe sáng, đôi mắt thắm và tình yêu cuộc đời của nhà văn vẫn sống.
Những giá trị nghệ thuật sống lâu hơn đời người nghệ sĩ. Chính vì thế, dẫu thương nhớ hay tiếc nuối, cảm thức ấy cũng nằm ở phía xác thân hữu hạn. Hành trình nghệ thuật vẫn tiếp diễn, hành trang của người “ở lại” vẫn có thể đi cùng người dấn bước trên “con đường đau nhói”.